Hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi
Nghiên cứu, đề xuất chính sách lãi suất tiền gửi USD | |
[Infographic] Ngân hàng ồ ạt tăng lãi suất tiền gửi, tháng 10 lãi suất ở đâu cao nhất? |
Nhiều ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi. Ảnh chỉ có tính minh họa. |
Hôm 30-3-2018, VPBank tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi ở tất cả các kỳ hạn, trong đó giảm 0,2 điểm phần trăm ở các kỳ hạn 1-5 tháng và 12-36 tháng, giảm 0,3 điểm phần trăm kỳ hạn 6-7 tháng và giảm 0,4 điểm phần trăm kỳ hạn 8-11 tháng. Đây là lần giảm lãi suất đầu vào lần thứ hai liên tiếp trong tháng 3 của ngân hàng này và là lần giảm thứ ba trong hai tháng gần đây. Mặt bằng lãi suất huy động của VPBank hiện đã giảm 0,2-0,5 điểm phần trăm tùy kỳ hạn so với thời điểm tháng 2 và giảm mạnh từ 0,3-0,6 điểm phần trăm so với thời điểm tháng 1 đầu năm nay.
Ngân hàng VIB cũng đã có hai lần điều chỉnh giảm lãi suất trong tháng 3. Hiện tại, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-3 tháng của ngân hàng này chỉ còn từ 5-5,1%, giảm đáng kể so với mức trần tại 5,5% vào tháng 1 năm nay. Lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ sáu tháng trở lên cũng đã giảm từ 0,2-0,4 điểm phần trăm so với đầu năm nay.
Hôm 19-3-2018, Techcombank giảm 0,1 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ sáu tháng trở lên sau khi đã giảm 0,2 điểm phần trăm ở các kỳ hạn dưới sáu tháng trong tháng 1. Ngân hàng Quân đội gần đây giảm từ 0,05-0,25 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-9 tháng. Diễn biến tương tự diễn ra tại SHB khi ngân hàng này giảm đều 0,2 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-13 tháng.
Một ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước là BIDV cũng đã có hai lần điều chỉnh khung lãi suất huy động trong tháng 3. Theo đó, lần đầu giảm 0,2 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng, lần hai điều chỉnh giảm 0,1 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn 364 ngày và 13 tháng.
So với thời điểm tháng 2-2018, lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng đã giảm 0,02 điểm phần trăm ở các kỳ hạn dưới sáu tháng và kỳ hạn 13 tháng, giảm 0,01 điểm phần trăm ở kỳ hạn 12 tháng, đặc biệt kỳ hạn từ 6-11 tháng giảm mạnh đến 0,05 điểm phần trăm.
Diễn biến này ngược với các dự báo trước đây, rằng mặt bằng lãi suất sẽ chịu áp lực tăng nhiều hơn trong năm nay. Tuy nhiên, điều đó cũng không có gì quá bất ngờ trong bối cảnh hiện nay.
Đâu là nguyên nhân?
Thanh khoản của hệ thống tiếp tục được duy trì dồi dào là yếu tố hỗ trợ cho việc giảm lãi suất huy động vừa qua của các ngân hàng. Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tiếp hút ròng tiền đồng kể từ sau Tết đến nay nhưng lượng hút ròng này vẫn thấp hơn lượng tiền đồng NHNN đã bơm ra trước Tết qua kênh mua ngoại tệ suốt từ đầu năm và thông qua thị trường mở để hỗ trợ thanh khoản các ngân hàng dịp cận Tết.
Tình hình thanh khoản dồi dào nhưng hoạt động cho vay chưa đạt được như kỳ vọng, trong khi tình hình huy động vốn sau Tết tăng trưởng khả quan càng khiến thanh khoản của hệ thống dư thừa. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK), tăng trưởng tín dụng trong quí 1 vừa qua chỉ 2,23%, thấp hơn mức tăng 2,81% của cùng kỳ năm 2017 và cũng chỉ tương đương mức tăng trưởng huy động vốn 2,2% của toàn ngành trong quí 1 năm nay.
Như vậy, chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và huy động vốn chỉ ở mức 0,03 điểm phần trăm, thấp hơn nhiều so với mức 0,38 điểm phần trăm của cùng kỳ năm 2017. Đáng lưu ý là tăng trưởng cung tiền trong quí 1 tới 3,23%, cao hơn rất nhiều so với con số 2,88% của cùng kỳ năm 2017. Chênh lệch giữa tăng trưởng cung tiền và tín dụng lên đến 1%, cho thấy lượng thanh khoản tự do đang lưu hành là khá lớn.
Trong bối cảnh dư thừa thanh khoản như trên, các ngân hàng buộc phải đổ vào thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) cũng như cho vay trên thị trường liên ngân hàng để tối ưu hóa việc sử dụng vốn. Tuy nhiên, tình hình huy động vốn của các ngân hàng nói chung đều tích cực nên nhu cầu vay không còn cao, dẫn đến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã giảm mạnh kể từ sau Tết đến nay.
Lãi suất qua đêm thời điểm 29-3-2018 chỉ còn 0,72 điểm phần trăm, giảm gần 3,3% so với thời điểm trước Tết, trong khi các kỳ hạn khác cũng chứng kiến mức giảm mạnh tương tự.
Lợi suất trên thị trường TPCP cũng giảm mạnh so với cuối năm 2017. Cụ thể, kỳ hạn năm năm trong tháng 3 thậm chí rớt về dưới 3%, tức giảm mạnh 1,5-2% so với thời điểm tháng 12-2017. Diễn biến tương tự cũng xảy ra ở các kỳ hạn khác khi mà lượng cầu mua TPCP đang cao hơn nhiều so với lượng phát hành. Giá trị đăng ký mua luôn vượt trội so với giá trị đấu thầu.
Với việc lãi suất trên thị trường TPCP và thị trường liên ngân hàng rớt xuống mức thấp, với chi phí vốn đầu vào như gần đây, nếu các ngân hàng đẩy mạnh đầu tư kinh doanh trên hai thị trường này thì sẽ không có lợi nhuận. Do đó, việc các ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi để giảm chi phí huy động vốn đầu vào có thể là một chiến lược hợp lý trong thời điểm hiện nay, nhất là khi cả Chính phủ và NHNN đều ưu tiên mục tiêu tiếp tục giữ ổn định mặt bằng lãi suất, thậm chí phấn đấu giảm thêm lãi suất cho vay.
Ngoài ra, việc tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng vẫn ổn định dù Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất đô la Mỹ gần đây càng tạo cơ hội cho các ngân hàng có thời điểm thuận lợi để giảm lãi suất. Đặc biệt, áp lực lạm phát đã được giải tỏa phần nào khi chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 giảm trở lại sau hai tháng đầu năm tăng cao càng tạo điều kiện cho các ngân hàng có cơ sở để giảm lãi suất mà không e ngại sẽ tác động đến hành vi cũng như tâm lý của người gửi tiền. Theo TCTK, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 giảm 0,27 điểm phần trăm so với tháng 2, như vậy so với đầu năm chỉ còn tăng 0,97 điểm phần trăm và so với cùng kỳ là tăng 2,66%.