Một ngân hàng muốn tăng gấp đôi vốn điều lệ, tính chuyện lên sàn trong năm 2025
Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank - Mã: VAB) vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025.Đại hội được tổ chức vào sáng ngày 26/4 tại Hà Nội.
ĐHĐCĐ sẽ thảo luận và xem xét những nội dung quan trọng như tờ trình về việc phân phối lợi nhuận năm 2024, kế hoạch kinh doanh 2025, phương án tăng vốn điều lệ năm 2025 và các vấn đề khác.
Tăng vốn lên gấp đôi, hơn 11.500 tỷ đồng
Tại đại hội năm nay, Hội đồng Quản trị ngân hàng dự kiến trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ năm 2025 nhằm nâng cao năng lực tài chính, quy mô và chất lượng tài sản sinh lời, tăng cường năng lực cạnh tranh,....
Cụ thể, VietABank dự kiến nâng vốn từ gần 5.400 tỷ đồng lên 11.582 tỷ đồng, tương ứng tăng vốn thêm 6.183 tỷ, thông qua ba hình thức phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ (2.851 tỷ đồng); phát hành cổ phiếu chào bán cho người lao động (200 tỷ đồng) ; phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu (3.132 tỷ đồng).
Đối với phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu và lợi nhuận còn lại chưa phân phối, ngân hàng dự kiến phát hành tối đa hơn 285 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cp, tương ứng tỷ lệ 52,8% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được thêm 52,8 cổ phiếu mới).
Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là gần 2.851 tỷ đồng, nguồn thực hiện là từ nguồn lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức sau khi nguồn thực hiện trích lập đầy đủ các quỹ và lợi nhuận năm trước còn lại chưa chia và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Vốn điều lệ dự kiến sẽ tăng lên 8.251 tỷ đồng sau phương án này.

Đối với hình thức chào bán cho người lao động, ngân hàng dự kiến phát hành 20 triệu cổ phiếu ESOP, tỷ lệ phát hành 3,7% với tổng mệnh giá phát hành là 200 tỷ đồng. Thời gian hạn chế chuyển nhượng tối thiểu một năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.
Thời gian dự kiến hoàn thành chương trình ESOP trong vòng 12 tháng kể từ thời điểm được Ngân hàng Nhà nước và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận phương án phát hành ESOP.
Cấu phần thứ ba là phát hành hơn 313 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu, với tỷ lệ thực hiện quyền là 58% (cổ đông sở hữu 100 quyền mua sẽ nhận được quyền mua 58 cổ phiếu mới).
Mệnh giá cổ phiếu 10.000 đồng/cp, tổng giá trị phát hành dự kiến là gần 3.132 tỷ đồng. Vốn điều lệ sau khi phát hành được nâng lên 11.582 tỷ đồng. Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2025.
Nếu hoàn tất ba cấu phần tăng vốn trên, vốn điều lệ ngân hàng dự kiến tăng từ gần 5.400 tỷ đồng lên 11.582 tỷ đồng, tăng 114,5%.
Kế hoạch lợi nhuận tăng hơn 20%
Trong năm 2025, HĐQT ngân hàng đề xuất kế hoạch lợi nhuận 1.306 tỷ đồng, tăng 20,3% so với kết quả thực hiện năm 2024.
Về các chỉ tiêu khác, VietABank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 7,1% lên gần 128.381 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng tăng 10,3% lên 88.110 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá dự kiến sẽ tăng 9,3% lên 101.007 tỷ đồng.
Vốn điều lệ sẽ tăng 114,5%, lên 11.582 tỷ đồng như đã trình bày trong phương án chia cổ tức. Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu sẽ được kiểm soát dưới 3%. Cuối năm ngoái, tỷ lệ nợ xấu của VietABank ở mức 1,37%, thuộc nhóm tương đối thấp trong các ngân hàng TMCP quy mô nhỏ.

Kế hoạch kinh doanh năm 2025 ngân hàng VietABank (Nguồn: VietABank)
Bên cạnh đó, đại hội dự kiến trình cổ đông thông qua chủ trương đầu tư góp vốn/mua cổ phần, thành lập, mua lại công ty con, công ty liên kết.
Thành lập, mua lại công ty con hoặc công ty liên kết trong các lĩnh vực chứng khoán, cho thuê tài chính, bảo hiểm, quản lý nợ, kiều hối, vàng, tín dụng tiêu dùng, dịch vụ thanh toán, và thông tin tín dụng.
Ngoài ra, góp vốn hoặc mua cổ phần vào doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, tín dụng và dịch vụ thanh toán, hoặc các lĩnh vực khác khi có sự chấp thuận bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước.
Tỷ lệ tham gia góp vốn/mua cổ phần: toàn bộ hoặc một phần vốn điều lệ của doanh nghiệp mà VietABank sẽ tham gia góp vốn, mua cổ phần tùy thuộc vào thỏa thuận với các bên liên quan và tối đa trong phạm vi pháp luật cho phép.

Niêm yết lên HOSE hoặc HNX
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025", đến năm 2025 hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Dự báo tình hình kinh tế năm 2025 sẽ có nhiều thuận lợi, thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc, tăng cường tính minh bạch và củng cố niềm tin của nhà đầu tư, tại Đại hội năm nay, HĐQT VietABank có tờ trình ĐHĐCĐ về việc niêm yết toàn bộ số cổ phiếu đang lưu hành của ngân hàng (sau khi được cơ quan quản lý chấp thuận) tại Sở Giao dịch Chứng khoán khi điều kiện thị trường thuận lợi, đúng trình tự, thủ tục của pháp luật.
Việc lựa chọn niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) hay Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ do HĐQT quyết định. Ngoài ra, HĐQT sẽ được ủy quyền trong các công việc khác liên quan đến hoạt động niêm yết trên sàn.
Bầu bổ sung thành viên HĐQT
Tại ĐHĐCĐ năm 2024, VietABank dự kiến sẽ bầu thêm hai thành viên trong đó có một thành viên HĐQT độc lập) vào HĐQT nhiệm kỳ 2023 - 2028, nâng tổng số thành viên lên 7 người.
Theo báo cáo quản trị ngân hàng năm 2024, HĐQT ngân hàng VietABank bao gồm 5 thành viên, trong đó ông Phương Thành Long đảm nhiệm Chủ tịch HĐQT ngân hàng, cùng Phó Chủ tịch là ông Phan Văn Tới, hai thành viên HĐQT là ông Trần Tiến Dũng, ông Nguyễn Hồng Hải và ôngLê Hồng Phương, thành viên HĐQT độc lập.

Danh sách thành viên HĐQT ngân hàng VietABank (Nguồn: Báo cáo quản trị ngân hàng năm 2024)
Ngoài những nội dung trên, đại hội dự kiến thông qua mức thù lao năm 2024 và dự kiến mức thù lao năm 2025 của HĐQT và Ban Kiểm soát, phương án khắc phục dự kiến trong trường hợp được can thiệp sớm và các nội dung khác.