|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hàng loạt doanh nghiệp rơi vào tình cảnh của Nike, ngành bán lẻ điêu đứng dù chưa đến Giáng sinh

17:26 | 06/10/2021
Chia sẻ
Hiện tại chỉ mới đầu tháng 10, chưa phải mùa cao điểm bán lẻ trên khắp thế giới. Song, ngành công nghiệp bán lẻ đã phải trải qua nhiều cấp độ hoảng loạn khác nhau vì nguồn cung hàng hóa từ Việt Nam đến Trung Quốc đều bị đứt đoạn.

Không có tệ, chỉ có tệ hơn

Nỗi lòng của nhà bán lẻ

Khi đại dịch đánh sập nền kinh tế toàn cầu hồi đầu năm 2020, nhiều nhà máy phải giảm quy mô hoạt động hoặc thậm chí đóng cửa. Song, dường như đó chỉ mới là một "khởi đầu" nhẹ nhàng.

Tái khởi động các nhà máy còn khó khăn hơn nhiều. Sang đến năm nay, chuỗi cung ứng lại bị bóp nghẹt bởi nhiều sự cố khác, như kênh đào Suez bị tắc nghẽn, thiếu hụt lao động và chi phí vận tải tăng phi mã,…

Theo lời nhà phân tích logistics Lee Klaskow của Bloomberg Intelligence, liên tiếp các sự kiện "thiên nga đen" xuất hiện, đè nặng ngành công nghiệp bán lẻ. "Chuỗi cung ứng chưa bao giờ có cơ hội quay trở lại bình thường", ông Klaskow nhấn mạnh.

Cho đến giờ, tình hình chỉ càng trở nên tồi tệ hơn, và bằng chứng là mùa mua sắm cuối năm đang lâm nguy vì thiếu hụt nguồn hàng.

Tại châu Âu, các chuỗi cửa hàng thời trang như H&M không thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng vì các chuyến hàng bị giao trễ. Tại Mỹ, Nike đã hạ dự báo doanh số bán hàng sau khi làn sóng COVID-19 mới nhất khiến hàng loạt nhà máy tại Việt Nam phải đóng cửa nhiều tháng.

CEO Mark Tritton của chuỗi nội thất Bed Bath & Beyond (Mỹ) cảnh báo rằng tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng có thể kéo dài sang năm tới. "Toàn ngành bán lẻ đang đối mặt với áp lực lớn, tương lai sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp chịu thiệt hại", ông Tritton nhấn mạnh.

Hàng loạt doanh nghiệp rơi vào tình cảnh của Nike, ngành bán lẻ điêu đứng dù chưa đến Giáng sinh - Ảnh 1.

Chuỗi cung ứng kẹt cứng, khiến doanh nghiệp bán lẻ ở Mỹ điêu đứng. (Ảnh: Getty Images/Bloomberg).

Các đợt bùng phát dữ dội của COVID-19 buộc nhiều cảng biển phải đóng cửa, còn các hãng vận tải biển lại thiếu container, khiến cước phí tăng gấp 10 lần so với một năm trước.

Ngoài ra, ngành bán lẻ còn vướng phải tình trạng thiếu hụt lao động, ngay trước cả khi UPS, Walmart và các ông lớn khác bắt tay vào tuyển dụng hàng trăm nghìn nhân viên thời vụ cho mùa cao điểm mua sắm vào cuối năm.

Tôi đã làm việc trong lĩnh vực bán lẻ 43 năm nhưng chưa bao giờ thấy cảnh này. Mọi biến cố cùng xảy ra một lúc

Ông Isaac Laria, nhà sáng lập kiêm CEO của MGA Entertainment - một trong những công ty sản xuất đồ chơi lớn nhất thế giới, bày tỏ

Giờ đây, doanh nghiệp phải chật vật gom hàng cho mùa Giáng sinh, cuộc khủng hoảng sẽ càng trở nên trầm trọng hơn, Bloomberg cảnh báo. Giới chuyên gia cảnh báo cú sốc này có thể sẽ ăn mòn vào lợi nhuận của nhiều nhà bán lẻ, bao gồm cả Amazon, Macy's và Best Buy.

Hơn nữa, còn một rủi ro lớn và mang tính hệ thống hơn là người tiêu dùng sẽ hạn chế rút hầu bao vì lượng hàng hóa quá khiêm tốn và không hấp dẫn. "Khách hàng sẽ chán nản vì có quá ít lựa chọn mua sắm", CEO Jon Bass của chuỗi nội thất Whom Home cho hay.

Về phía nhà cung ứng

Ông Jay Foreman đã hợp tác sản xuất đồ chơi với các nhà máy ở Trung Quốc trong hơn ba thập kỷ và ông cũng chưa bao giờ chứng kiến một sự kiện lạ lùng như hiện nay. Basic Fun, công ty đồ chơi quy mô tầm trung của ông Foreman, có thể sắp sửa ghi nhận kết quả kinh doanh thành công nhất từ trước đến nay.

Nhu cầu đối với các sản phẩm đồ chơi hiện không thiếu, khi mà các bậc phụ huynh thoải mái mua quà cáp cho con cái trong bối cảnh đại dịch kéo dài.

Song, tình trạng khan hiếm container chở hàng đã khiến hàng nghìn chiếc Lite Brites và TinkerToys của Basic Fun bị kẹt lại Trung Quốc. Chỉ tại một nhà máy ở Thâm Quyến, lượng hàng thành phẩm trị giá khoảng 8 triệu USD có thể chất đầy 140 container, Bloomberg cho hay.

"…vấn đề là chúng tôi không biết công ty có thể nhận kịp hàng trong 4 tháng cuối năm hay không. Chuỗi cung ứng bây giờ không khác gì một thảm họa, và không có tệ, chỉ có tệ hơn", ông Foreman chia sẻ.

Hãng sản xuất đồ chơi MGA của CEO Larian sẵn sàng trả hơn 20.000 USD cho mỗi container chở hàng và hy vọng vận rủi sẽ không đeo bám công ty ông. Cùng kỳ năm trước, giá cước container chỉ dao động quanh mốc 2.000 USD.

Hiện, một số lô hàng của MGA đã đến cảng Los Angeles, đâu đó hơn 600 container. Tuy nhiên, công ty vẫn phải chờ khoảng 6 tuần để tìm được công nhân bốc dỡ hàng ra khỏi container.

Hàng loạt doanh nghiệp rơi vào tình cảnh của Nike, ngành bán lẻ điêu đứng dù chưa đến Giáng sinh - Ảnh 3.

Le lói một vài đốm sáng

Một trong những kịch bản khả quan cho quý IV là các nhà bán lẻ sẽ tăng mạnh chi tiêu cho dịch vụ logistics, chẳng hạn như vận chuyển hàng hóa bằng máy bay hoặc thuê toàn bộ một tàu chở hàng.

Nếu chọn biện pháp này, dễ thấy biên lợi nhuận của các công ty bán lẻ sẽ bị ăn mòn, nhưng họ có thể tranh thủ chiếm thị phần từ các đối thủ nhỏ hơn, những doanh nghiệp không có nguồn tài chính vững chắc để theo đuổi những dịch vụ đắt đỏ như vậy.

Ông Michael Mathias, CFO của chuỗi cửa hàng may mặc American Eagle Outfitters, cho hay: "Chúng tôi cảm thấy thoải mái hơn hầu hết đối thủ vì sẽ có đủ nguồn cung cho kỳ nghỉ lễ sắp tới. Một số công ty khác thậm chí còn không tiếp cận được sản phẩm của họ".

CEO của hãng Academy Sports and Outdoors, ông Ken Hicks, cũng đang dựa vào lợi thế tài chính để thúc đẩy kết quả kinh doanh. Chuỗi cửa hàng có trụ sở tại Texas này đã tận dụng quy mô lớn để chuẩn bị hàng hóa cho mùa cao điểm mua sắm trong nhiều tháng qua.

Cụ thể, Academy Sports and Outdoors nhập khẩu sản phẩm sớm hơn, chuyển các tàu chở hàng từ các cảng đông đúc ở bờ phía tây đến những cảng như Galveston (Texas),…

Hãng giàu Steve Madden thì chuyển một nửa công suất sang Mexico và Brazil, giảm lượng hàng từ các thị trường châu Á như Việt Nam. Sản xuất hàng hóa gần Mỹ giúp Steve Madden rút ngắn thời gian giao nhận hàng lên gấp hai lần so với các đối thủ.

Yên Khê

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định sẽ không buông bỏ VinFast và tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.