Một container phân bón kẹt tại cảng hơn nửa năm và hậu quả cay đắng mà COVID-19 gây ra cho chuỗi cung ứng
Ở đâu đó tại cảng Thượng Hải sầm uất nhất thế giới, một container phân bón vẫn phải nằm lại cùng hàng chục nghìn container khác, chờ đợi ngày được lên đường sang Mỹ. Theo Bloomberg, container phân bón này đã nằm im lìm trên bến tàu trong nhiều tháng qua, hết bị kẹt vì bão lớn lại phải đương đầu với đại dịch COVID-19.
Tình trạng nghẽn ứ trong hoạt động vận tải biển khiến một container hàng đáng lẽ chỉ mất vài tuần để đặt chân lên đất Mỹ lại kéo dài đến hơn nửa năm. Chưa kể, thời gian chờ đợi sẽ còn tăng lên, vì container phân bón này vẫn chưa thể bắt đầu chuyến hành trình khoảng 15.000 km như kế hoạch ban đầu.
Bloomberg cho rằng, dù chỉ là một ví dụ nhỏ, cuộc hành trình gian nan của container phân bón trên vẫn là minh chứng cho sức ì đang kìm hãm lĩnh vực mại toàn cầu trong thời kỳ đại dịch.
Khi mỗi container hàng bị đình trệ như vậy, hoạt động kinh tế cũng bị hạn chế theo và người tiêu dùng cuối cùng sẽ phải chịu thêm thiệt hại, bất luận đó là món bánh mì trên bàn ăn hay món quà cho dịp Giáng sinh sắp tới.
Hơn nữa, đây cũng là một bài học về hiệu ứng dây chuyền trên khắp chuỗi cung ứng, khi mà lĩnh vực thương mại quốc tế vẫn còn liên kết chặt chẽ với Trung Quốc và doanh nghiệp vẫn chưa thực sự đa dạng hóa nguồn cung.
Bà Dawn Tiura, người đứng đầu hiệp hội vận tải biển Sourcing Industry Group (Mỹ), nhận xét: "Mọi con đường đều dẫn về Trung Quốc và điều đó có ảnh hưởng lớn tới toàn chuỗi cung ứng".
"Sự tắc nghẽn tại một cảng biển hoặc một nhà máy ở Trung Quốc có tác động sâu rộng đến các cơ sở lân cận và từ đó lan tràn ra toàn thế giới", bà Tiura nhấn mạnh.
Cuộc hành trình của lô hàng ammonium phosphate bắt đầu vào tháng 2 năm nay. Từ vùng trung tây - trung tâm nông nghiệp của nước Mỹ, một nhà cung ứng cho nông dân ở Illinois đã đặt hàng 8 container phân bón từ các nhà máy ở miền trung Trung Quốc.
Ông Steve Kranig, người phụ trách logistics của IM-EX Global (công ty hỗ trợ vận chuyển 8 container), cho biết trước đại dịch COVID-19, một lô hàng như thế này thường sẽ đến cảng Chicago vào tháng 4, kịp lúc để nông dân bón phân cho hoa màu.
Tuy nhiên, đến tháng 5, lô phân bón vẫn nằm im ở nhà máy tại thành phố Trùng Khánh, cách cảng Thượng Hải khoảng 2.400 km về phía tây. Nguyên nhân là do các hãng vận tải thiếu container rỗng để vận chuyển hàng.
Container rỗng từ Mỹ và châu Âu không thể quay lại Trung Quốc vì các cảng biển ở phương Tây vừa thiếu nhân lực vừa thiếu xe tải đến chở hàng hóa đi, Bloomberg mô tả.
Ông Kranig phải mất hàng tháng ròng để xoay xở đủ container và chỗ trống trên nhiều con tàu khác nhau để vận chuyển hàng đến Mỹ. Cuối cùng, phân bón được chất vào các container và đưa đến cảng Thượng Hải bằng tàu sà lan đi dọc sông Dương Tử.
Hành trình đưa 8 container đi dọc sông Dương Tử, tuyến đường thủy nội địa nhộn nhịp nhất của Trung Quốc, mất khoảng 8 ngày. Lô hàng rất may mắn vì đã được vận chuyển trước mùa mưa bão.
Năm 2019, sông Dương Tử giúp lưu thông khoảng 2,93 tỷ tấn hàng hóa, là con số cao kỷ lục từ trước đến nay. Mùa hè năm nay, hoạt động giao thông trên con sông này đã bị ảnh hưởng bởi chuỗi sự kiện thời tiết khắc nghiệt.
Có thời điểm, giới chức trách phải đóng cửa sông Dương Tử vì bão lớn, hàng hóa tại các cảng biển của Trung Quốc ứ đọng, phải mất nhiều ngày mới có thể được vận chuyển đi nơi khác.
Lô phân bón không mắc bão, nhưng nó cũng không thể thoát khỏi cước phí vận tải cao ngất ngưởng, trong bối cảnh giá cước trên các tuyến đường biển quốc tế và dọc sông Dương Tủ nhảy vọt.
"Số lượng container trên tuyến sông Dương Tử bị thiếu hụt nghiêm trọng. Một số công ty chấp nhận trả bộn tiền để giành container, như thế họ sẽ không phải cố gắng đưa hàng đến Thượng Hải qua các tuyến đường bộ", ông Kranig chia sẻ.
Cuối cùng, 8 container phân bón đến Thượng Hải vào ngày 27/5 và một chiếc xe tải đã trung chuyển lô hàng đến cảng biển sầm uất nhất thế giới.
Sau đó, 7 trong tổng cộng 8 container trong lô hàng phân bón đã lên đường đến Chicago, nhưng một chiếc vẫn mắc kẹt ở Thượng Hải. Ông Kranig không rõ lý do, nhưng ông nghi ngờ tình trạng hỗn loạn tại các cảng biển của Trung Quốc là nguyên nhân chính.
Đại dịch khiến ngành vận tải hàng hóa trở nên biến động thất thường trong hơn một năm rưỡi qua, và Trung Quốc là một điểm nghẽn lớn, Bloomberg nhấn mạnh.
Cảng Yantian ở Thâm Quyến phải đóng cửa hồi tháng 5 sau khi đại dịch bùng phát, toàn bộ hoạt động hàng hải ở bờ phía đông Trung Quốc bị tắc nghẽn và gây ra phản ứng dây chuyển cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đầu tháng 8 này, Ninh Ba - Chu Sơn, cảng biển sầm uất thứ ba thế giới, cũng bị gián đoạn sau khi một công nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Toàn bộ hoạt động tại ga Meishan bị tạm ngưng trong hơn hai tuần, khiến doanh nghiệp đứng ngồi không yên.
Bão tố và thời tiết khắc nghiệt càng làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Hồi tháng 7 vừa qua, bão In-Fa đổ bộ, khiến cảng Thượng Hải và các cảng gần đó phải đóng cửa trong 4 ngày.
Giờ đây, chiếc container kém may mắn trong lô hàng phân bón vẫn im lìm trong hàng đống container mắc kẹt tại cảng Thượng Hải, chưa biết khi nào có thể lên đường đến nước Mỹ.
Dù đã lên đường đến Mỹ, rủi ro cho 7 container phân bón kia vẫn chưa kết thúc. Thái Bình Dương có thể là một chặng đường nguy hiểm cho các thuyền trưởng đang chạy đua để kịp thời hạn giao hàng.
Chưa kể, khi hàng hóa đến bờ biển ở Bắc Mỹ một cách an toàn, sẽ còn nhiều vấn đề đau đầu hơn chờ đợi chúng.
Trong hơn 6 tháng qua, cửa ngõ giao thương lớn nhất của Mỹ với châu Á đã bị tắc nghẽn nghiêm trọng, tàu container nối đuôi nhau chờ được cập cảng. Đầu tháng 8, 35 con tàu đã phải neo đậu chờ bên ngoài hai cảng Los Angeles và Long Beach, California. Để hạn chế trễ chuyến, nhiều tàu đã chuyển hướng đến Vancouver, Canada.
Khi tàu đã cập cảng, hành trình nội địa cũng chưa hết khó khăn. Các container có thể phải mất thêm ba tháng khác để di chuyển từ các cảng ở bờ Tây nước Mỹ đến Chicago bằng đường sắt hoặc xe tải.
Câu chuyện của chiếc container phân bón "mắc cạn" tại Thượng Hải dường như là cơn ác mộng tồi tệ nhất đối với bất kỳ ai tham gia vào ngành thương mại toàn cầu. Và Giám đốc Kranig của IM-EX Global lại sắp đương đầu với một cơn ác mộng khác: đưa thêm 8 container từ Trung Quốc đến Mỹ.