Ngành thủy sản Trung Quốc tiếp tục kêu cứu vì giá cước vận tải
Doanh nghiệp thủy sản tại Trung Quốc than khó cầm cự
Chia sẻ với Undercurrent News, giám đốc của một nhà cung ứng thủy sản có trụ sở tại thành phố Trạm Giang (tỉnh Quảng Đông) cho biết chi phí vận chuyển một container thủy sản đã "tăng vọt" trong vài tuần qua. Trạm Giang chính là trung tâm của ngành công nghiệp chế biến tôm Trung Quốc.
"Logistics là vấn đề rất nghiêm trọng, chúng tôi rất khó đặt được container. Giá cước vận chuyển từ Trung Quốc đến Bờ Đông của Mỹ hiện là hơn 20.000 USD/container, trong khi cước đến châu Âu đã nhảy vọt từ 7.000 USD lên 12.100 USD/container", vị giám đốc cho hay.
Nguồn tin này còn tiết lộ thêm rằng giá cước của tất cả các tuyến đường biển có thể tăng thêm 2.000 USD/container vào giữa tháng 8. Theo vị giám đốc, ngành logistics đang rơi vào "hỗn loạn" vì một số khách hàng từ chối chia sẻ chi phí cùng các công ty thủy sản.
"Một số cơ sở chế biến tại Trung Quốc sẽ chấp nhận hủy bỏ thỏa thuận vì họ không thể tự trang trải chi phí", nguồn tin trên cho hay. "May mắn thay, một số khác hàng sẵn lòng chia sẻ cùng chúng tôi. Chẳng hạn, nếu cước vận tải tăng thêm 5.000 USD/container, chúng tôi có thể cưa đôi và đơn hàng có thể lên đường..."
Một công ty xuất khẩu khác có trụ sở ở Thanh Đảo cho biết, cước phí từ Thanh Đảo đến New York, Chicago hoặc Boston (Mỹ) đã leo lên hơn 22.000 USD/container; trong khi các lô hàng đến Bremerhaven (Đức) hoặc Felixstowe (Anh) thì vọt lên 12.000 USD/container.
Giá cước vận tải biển đang leo thang từng ngày vì tình trạng gián đoạn logistics trên toàn cầu. Vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn sau khi kênh đào Suez bị ách tắc hồi tháng 3 và các cảng lớn ở miền nam Trung Quốc tạm ngừng hoạt động trong giai đoạn tháng 5 - 6.
Hồi tháng 5, cảng Yantian ở Thâm Quyến - cảng biển lớn thứ ba thế giới, phải tạm ngừng tiếp nhận tàu container vì các đợt bùng phát mới của đại dịch COVID-19. Hãng vận tải Maersk từng mô tả tình trạng tắc nghẽn ở cảng Yantian là "nút thắt cổ chai nghiêm trọng nhất" trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sau đó vào tháng 6, cảng Trạm Giang phải đình chỉ nhập khẩu các lô hàng thủy sản từ Ấn Độ, Việt Nam và 9 nước châu Á khác trong 25 ngày do sản phẩm phát hiện có virus SARS-CoV-2.
Dư âm của sự việc đang được phản ánh trong kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp thủy sản. Baiyang Investment Group, một trong những nhà xuất khẩu cá rô phi lớn nhất Trung Quốc, ước tính khoản lỗ tạm thời khoảng 15,6 triệu nhân dân tệ (tương đương 2,4 triệu USD) trong 6 tháng đầu năm nay, một phần nguyên nhân là cước vận tải quá cao.
Nhập khẩu thủy sản ở Trung Quốc: Miền nam gián đoạn, miền bắc bình ổn
Ngoài xuất khẩu, hoạt động trong nước của các doanh nghiệp thủy sản Trung Quốc cũng phải đối mặt với những thách thức lớn trong bối cảnh chính quyền nhiều địa phương áp dụng lệnh hạn chế nhập khẩu, đặc biệt là ở miền nam nước này.
Theo đưa tin của Undercurrent News vào tuần trước, cảng Trạm Giang gần đây đã áp đặt các giới hạn mới đối với container đến từ 11 nước châu Á. Mỗi ngày, cảng Trạm Giang chỉ thông quan cho 20 container thủy sản nhập khẩu từ 11 nước này.
Ocean Treasure, một nhà cung ứng thủy sản ở thành phố Nam Thông (tỉnh Giang Tô), cho biết quy định mới của cảng Trạm Giang đang làm chậm tốc độ vận chuyển container đến các nhà máy chế biến thủy sản.
"Nhiều container còn kẹt tại cảng Trạm Giang, phải mất ít nhất một tháng để xử lý hết", Ocean Treasure nói thêm.
Ngoài ra, các cảng ở Jiaoxin và Lianhuashan (tỉnh Quảng Đông) cũng đã thông báo tạm ngừng tiếp nhận container thủy sản đông lạnh. Cảng Fuqing ở thành phố Phúc Châu (tỉnh Phúc Kiến) còn áp dụng phụ phí tắc nghẽn đối với các container hàng đông lạnh.
Ngược lại, hoạt động của cảng Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh) - một trung tâm thủy sản lớn ở miền bắc Trung Quốc, đang trở lại bình thường sau khi giới chức nới lỏng một số biện pháp chống COVID-19.
Các nhà máy không còn phải đợi lâu để nhận container, một nhà chế biến thủy sản có trụ sở tại tỉnh Liêu Ninh chia sẻ với Undercurrent News. Đầu năm nay, các nhà chức trách của cảng Đại Liên đã siết chặt các biện pháp hạn chế nhập khẩu trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh. Quá trình kiểm tra và khử trùng container cũng khiến hoạt động tháo dỡ và vận chuyển container bị gián đoạn nghiêm trọng.
Ở diễn biến khác, Trung Quốc từng tạm ngừng tiếp nhận các lô hàng cá minh thái đi từ Nga qua cảng Busan của Hàn Quốc nếu các container không có giấy chứng nhận đã qua kiểm tra COVID-19.
Song, giám đốc của một công ty thủy sản ở Thanh Đảo nói rằng vấn đề đã được giải quyết. Các công ty đánh cá của Nga có thể xin chứng nhận từ Hàn Quốc trước khi đưa hàng sang Trung Quốc, nhưng họ phải trả một khoản phụ phí và mất thêm thời gian để được cấp giấy tờ.