Dư âm của sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez vẫn còn đọng lại trong chuỗi cung ứng thủy sản
Lợi dụng sự cố của Suez để tăng giá cước?
Sau 6 ngày mắc cạn làm tắc nghẽn nghiêm trọng kênh đào Suez, siêu tàu container Ever Given được giải thoát thành công vào ngày 29/3. Vì sự cố này, hàng trăm con tàu phải xếp hàng chờ đợi, trong khi số ít khác chấp nhận đi vòng qua Mũi Hảo Vọng ở phía nam châu Phi để vận chuyển hàng hóa kịp lúc.
Chia sẻ với Undercurrent News, các nguồn tin hoạt động trong lĩnh vực thủy sản Trung Quốc cho biết sự cố gián đoạn ở kênh đào Suez - một trong những tuyến đường biển huyết mạch của thế giới, đã gây ra tình trạng chậm trễ trong vận chuyển hàng và thiếu hụt container nghiêm trọng hơn. Cước phí vận tải cũng theo đó mà tăng phi mã.
Ông Andy Shen, Giám đốc Tiếp thị của công ty xuất khẩu thủy sản Ocean Treasure (trụ sở tại Nam Thông, Trung Quốc), cho biết cước vận tải cho một container từ Trung Quốc đến châu Âu hoặc Mỹ đã giảm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay, nhưng xu hướng này dừng lại từ sau sự cố của Suez.
"Trước khi tàu Ever Given mắc cạn ở kênh đào Suez, mỗi tuần giá cước vận tải biển giảm 300 - 500 USD/container. Tin tốt không kéo dài lâu khi kênh đào Suez tắc nghẽn vào đầu tháng 3", ông Shen chia sẻ với Undercurrent News.
Tính đến giữa tháng 4, cước vận tải biển từ Trung Quốc đến Mỹ Latin rơi vào khoảng 4.800 - 5.300 USD/container; đến Mỹ là 5.000 - 5.500 USD/container; và đến các nước châu Âu (không bao gồm Anh) khoảng 7.000 USD/container, ông Shen cung cấp thêm thông tin.
Song, vị giám đốc của Ocean Treasure nói các công ty vận tải biển đã thông báo trước rằng giá cước của tất cả hãng tàu sẽ sớm tăng thêm 1.000 USD/container dù họ không nói rõ thời điểm chính xác.
"Có vẻ các công ty logistics ngầm đồng thuận tăng giá cước. Giá cước tăng chung nhưng nguyên nhân là do siêu tàu container Ever Given mắc cạn", ông Shen nhấn mạnh.
Theo Giám đốc Andy Shen, một số công ty vận tải biển đang sử dụng sự cố tại kênh đào Suez như một cái cớ để tăng cước vận tải trên các tuyến đường, mặc dù Sue chỉ là cầu nối chính cho giao thương giữa châu Á, châu Phi và châu Âu. Ông Shen dự đoán giá cước vận chuyển sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới.
Lĩnh vực thủy sản chịu thiệt
Một công ty chế biến thủy sản ở Đại Liên, Trung Quốc cho biết họ cũng đang nhận thấy tình trạng thiếu container để xuất khẩu thủy sản.
"Vấn đề thiếu container chủ yếu tập trung ở các tuyến đường dọc bờ Địa Trung Hải, chẳng hạn như Valencia ở Tây Ban Nha. Hoạt động vận chuyển cá bị ảnh hưởng. Chúng tôi không chắc khi nào tình trạng này chấm dứt", nguồn tin giấu tên từ công ty chia sẻ.
Ngoài ra, giám đốc cấp cao của một doanh nghiệp chế biến thủy sản ở Thanh Đảo cũng cho biết chi phí vận chuyển hàng đến châu Âu và Bắc Mỹ đã bắt đầu tăng trở lại do Trung Quốc bị thiếu nguồn cung container.
Trước sự cố của kênh đào Suez, từ tháng 10 năm ngoái, cước vận tải cho một container cá minh thái đông lạnh và các loại hải sản khác từ Trung Quốc đã tăng cao do các biện pháp kiểm soát COVID-19 nghiêm ngặt của chính phủ tại các cảng. Điều này gây ra tình trạng khan hiếm container và buộc nhiều nhà máy phải đóng cửa sớm trước Tết Nguyên đán.
Thời điểm đó, giá cước vận chuyển hàng thủy sản từ Trung Quốc sang châu Âu và Mỹ đã tăng vọt tới 10.000 USD/container.
Giá cước dần giảm xuống khi các lệnh hạn chế được nới lỏng và các cảng biển ở Trung Quốc bắt đầu hoạt động bình thường trở lại sau Tết Nguyên đán. Cước phí vận chuyển hàng đến Mỹ và châu Âu giảm xuống còn 5.000 - 7.000 USD/container vào giữa tháng 3.
Song, xu hưởng này đảo ngược sau khi tàu Ever Given mắc cạn. Hãng vận tải biển Maersk Line thông báo đoàn dài tàu chở hàng chờ đi qua kênh đào Suez đã nhanh chóng giảm bớt khi Ever Given được giải thoát, nhưng ảnh hưởng của vụ việc lên lịch trình và việc vận hành cảng trên khắp thế giới có thể kéo dài đến tháng 5.