Trung Quốc đóng cửa một phần cảng lớn thứ ba thế giới dù chỉ có một ca COVID-19, chuỗi cung ứng rơi vào chảo lửa?
Chiến lược "không khoan nhượng" với COVID-19
Đầu tuần này, Trung Quốc đã quyết định đóng cửa một ga lớn tại cảng Ninh Ba - Chu Sơn sau khi một nam công nhân tại ga này phát hiện dương tính với COVID-19. Đây là lần thứ hai trong năm nay chính quyền Bắc kinh đóng cửa một trong các cảng biển lớn trong nước vì đại dịch.
Theo truyền thông Trung Quốc, toàn bộ dịch vụ đến và đi từ ga Meishan sẽ phải tạm dừng từ ngày 11/8 cho đến khi có thông báo mới. Ga Meishan là điểm trung chuyển quan trọng cho các chuyến hàng đi châu Âu và Bắc Mỹ.
Bình luận về chiến lược "không khoan nhượng" với COVID-19 của Trung Quốc, bà Dawn Tiura, CEO của hiệp hội Sourcing Industry Group, nhấn mạnh: "Chỉ cần một người dương tính cũng đủ để Trung Quốc đóng cửa cảng biển", bà nhấn mạnh.
Ninh Ba - Chu Sơn là cảng biển sầm suất thứ ba thế giới tính theo khối lượng container. Năm 2019, cảng này xử lý khoảng 26,49 triệu TEU container, theo Hội đồng Vận tải Thế giới. Khối lượng container năm 2020 của cảng Ninh Ba - Chu Sơn tăng gần 5% lên 28,72 triệu TEU.
Chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị gián đoạn đáng kể trong năm nay sau một loạt các cuộc khủng hoảng như thiếu hụt container và sự cố kênh đào Suez. Đến tháng 6, đại dịch còn khiến hoạt động tại các trung tâm vận tải lớn ở miền nam Trung Quốc trục trặc, trong đó có các cảng quan trọng ở Thâm Quyến và Quảng Châu.
Chuỗi cung ứng như nằm trên chảo lửa trước mùa lễ hội cuối năm
Giới phân tích cho rằng, chiến lược kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng đứt gãy của chuỗi cung ứng. Một số còn cảnh báo rằng cảng Ninh Ba - Chu Sơn có thể chưa phải cảng cuối cùng bị đóng cửa nếu chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình duy trì đường lối cứng rắn và quyết liệt này.
Ông Nick Marro, trưởng bộ phận thương mại toàn cầu của Economist Intelligence Unit, giải thích: "Chính sách của Trung Quốc cho thấy các quan chức sẽ ưu tiên giảm thiểu thiệt hại của đại dịch hơn các vấn đề khác".
"Điều này đặc biệt đúng khi biến chủng Delta lây lan quá nhanh chóng và Bắc Kinh đã lường trước những rủi ro mà đợt bùng phát hiện tại gây ra cho hoạt động kinh tế trong quý III", ông Marro nhấn mạnh.
"Trung Quốc còn duy trì lập trường 'không khoan nhượng' với COVID-19 thì nguy cơ gián đoạn đột ngột chuỗi cung ứng vẫn còn", ông Marro nói thêm.
Theo Reuters, số ca nhiễm mới liên quan biến chủng Delta ở đất nước tỷ dân đang tăng lên. Hôm 9/8, Trung Quốc đã vượt mốc 140 ca nhiễm mới/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 1 năm nay. Giới chức đã ra lệnh xét nghiệm hàng loạt ở một số khu vực và áp đặt lệnh hạn chế di chuyển ở nhiều thành phố lớn, bao gồm Bắc Kinh.
Quyết định tạm ngừng dịch vụ tại ga Meishan diễn ra trong bối cảnh cước vận tải biển đang tiếp tục leo thang. Theo dữ liệu của Freightos Baltic, cước vận chuyển container từ Trung Quốc và Đông Á đến bờ tây ở Bắc Mỹ đã nhảy vọt hơn 270% trong năm nay lên hơn 15.800 USD/TEU. Trong khi đó, giá cước đến bờ đông tăng hơn 220% lên hơn 17.500 USD/TEU.
Các nhà phân tích cảnh báo trong thời gian tới, các chuyến hàng sẽ chậm trễ hơn và người tiêu dùng có thể phải gánh thêm chi phí khi mùa mua sắm cuối năm đến gần.
Bà Tiura của Sourcing Industry Group cho biết, đợt bùng phát dịch hồi tháng 6 đã khiến ga Yantian của cảng Thâm Quyến phải cắt giảm 70% lượng hàng hóa xuất khẩu. Thời gian chờ để xử lý đơn hàng tăng gấp ba lần từ 3 ngày lên 8 hoặc 9 ngày.
Do Ninh Ba - Chu Sơn là cảng lớn thứ ba thế giới, hậu quả có thể còn tồi tệ hơn. Bà Tiura nói: "Nếu chúng ta gặp phải tình cảnh tương tự ở cảng Ninh Ba - Chu Sơn, thời gian di chuyển tàu qua cảng tăng gấp đôi hoặc gấp ba, hoạt động xuất khẩu và hàng hóa mùa mua sắm cuối năm sẽ chịu tác động lớn...".
Hơn nữa, theo vị CEO, giá cước container có thể sẽ đắt hơn và các chủ hàng nhiều khả năng sẽ đẩy chi phí sang người tiêu dùng, làm lạm phát toàn cầu tăng nóng trước kỳ nghỉ lớn trong năm.
Đồng quan điểm, ông Mario Ciabarra, CEO của hãng phân tích dữ liệu Quantum Metric, cảnh báo các nhà bán lẻ sẽ đối mặt với nhiều khó khăn khi bước vào kỳ nghỉ lễ cuối năm. Kiểm soát lượng hàng tồn kho sẽ là một trong các thách thức này.
Ông Marro của Economist Intelligence Unit còn nhấn mạnh thêm: "Sự gián đoạn trong hoạt động thương mại không chỉ đặt ra vấn đề cho các hãng vận tải và người tiêu dùng, mà còn gây trở ngại cho các nhà sản xuất phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu".