|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nhân sự ngành vận tải chán nản muốn bỏ việc vì không được ưu tiên, hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu có thể bị sụp đổ?

08:15 | 01/10/2021
Chia sẻ
Không được coi trọng như đội ngũ tuyến đầu, những công nhân ngành vận tải hàng hóa - người giữ chuỗi cung ứng được hoạt động thông suốt đang dần chán nản vì không thể chịu đựng thêm được.

Trong một bức thư được Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Liên minh Vận tải Đường bộ Quốc tế (IRU) và Liên đoàn Công nhân Vận tải Quốc tế (ITF) gửi tới các nguyên thủ quốc gia tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, phòng Vận tải biển Quốc tế (ICS) và các nhóm ngành liên quan khác, một cảnh báo về sự sụp đổ của chuỗi cung ứng đã được đưa ra, theo CNN.

Cụ thể, bức thư này đại diện cho 65 triệu nhân sự trong ngành vận tải toàn cầu cho biết họ - những tài xế, thuyền viên, nhân viên hàng không đã phải chịu đựng các đợt xét nghiệm, tiêm vắc xin, cũng như lệnh hạn chế đi lại để giữ cho chuỗi cung ứng hoạt động trong suốt đại dịch. Tuy vậy, nhiều công ty đã đạt đến giới hạn, điều này gây ra một mối đe dọa đến mạng lưới các cảng, tàu container và cả các công ty vận tải đường bộ.

Nếu chính phủ các nước không ưu tiên tiêm vắc xin và gỡ bỏ lệnh hạn chế đi lại cho những nhân sự phục vụ chuỗi cung ứng, rất có thể một sự sụp đổ mang tính toàn cầu sẽ diễn ra. Bức thư có viết: "Trong hai năm qua, chuỗi cung ứng toàn cầu đã trở nên vô cùng khó khăn khi dịch bệnh đã gây ra nhiều trở ngại với nhân sự trong ngành vận tải."

Guy Platten, Tổng thư ký của ICS, cho biết tình trạng thiếu hụt nhân sự có khả năng trầm trọng hơn vào cuối năm vì các thuyền viên có thể không còn muốn ký kết các hợp đồng mới vì họ khó có thể về nhà trong đợt Giáng sinh và cả những thay đổi liên tục về các lệnh hạn chế.

Những chuỗi cung ứng mong manh

Stephen Cotton, Tổng thư ký ITF cho biết: "Chuỗi cung ứng toàn cầu đang rất mỏng manh và phụ thuộc nhiều vào thuyền viên từ Philippines cũng như tài xế xe tải để giao hàng. Đã đến lúc những người đứng đầu chính phủ phải đáp ứng nhu cầu ưu tiên của người lao động." 

Việc Karynn Marchal và thủy thủ đoàn của cô ấy được thông báo rằng họ sẽ không được phép lên bờ khi cập cảng ở Hokkaido (Nhật Bản), có thể xem như một tổn thất về tinh thần "Không ai trong chúng tôi biết chuyện đó sẽ kéo dài trong bao lâu", Giám đốc 28 tuổi của một con tàu vận tải nói với CNN Business. 

Kể từ hơn 18 tháng trước, Marchal và hàng trăm nghìn người đi biển như cô ấy đã không được phép rời bờ. Cô nói: "Có những người đã bị mắc kẹt trên biển hơn một năm. Thời kỳ đầu của đại dịch, nhiều thuyền viên đã đồng ý gia hạn hợp đồng thêm vài tháng để giữ cho nguồn cung cho thực phẩm, nhiên liệu, thuốc men và các mặt hàng tiêu dùng khác đi khắp thế giới." Song các lệnh hạn chế lại gây ra trở ngại cho họ.

Theo ICS, đỉnh điểm vào năm 2020, 400.000 thuyền viên đã không thể rời tàu của họ để đổi tàu định kỳ, một số làm việc trong 18 tháng sau khi kết thúc hợp đồng ban đầu.

Dù con số này đã được cải thiện nhưng khi biến chủng Delta xuất hiện, nhiều thủy thủ đoàn, nhân sự vận tải phải gặp trở ngại vì các yêu cầu xét nghiệm liên tục.

Theo ông Platten, do các quốc gia không nhất quán về yêu cầu vắc xin, nhiều trường hợp đã phải tiêm tới 6 liều vắc xin hoặc có tới 3 phác đồ tiêm hai liều. "Đó tuyệt đối là một cơn ác mộng. Tôi không thể hiểu tại sao chúng ta không có một số loại tiêu chuẩn toàn cầu", ông nói với CNN Business. 

Trong khi đó, việc phân phối vắc xin không đồng đều trên toàn cầu có nghĩa là chỉ có khoảng 25% đến 30% thuyền viên, với đa số đến từ Ấn Độ và Philippines được tiêm chủng đầy đủ, theo ông Platten. 

Vào tháng 2, Đức đã đơn phương áp dụng thử nghiệm PCR bắt buộc mà không miễn trừ cho tài xế xe tải, khiến các quốc gia láng giềng bao gồm Ý áp đặt các hạn chế tương tự để tránh hàng nghìn tài xế mắc kẹt trong lãnh thổ của họ. 

Những biện pháp này đã ảnh hưởng đến hàng nghìn tài xế xe tải, đặc biệt là trên đèo Brenner giữa Ý và Áo, buộc họ phải xếp hàng nhiều ngày trong điều kiện nhiệt độ dưới 0 mà không có thức ăn hoặc được cung cấp y tế.

Ông Umberto de Pretto, Tổng thư ký IRU cho biết: "Những người lái xe đã phải đối mặt với hàng trăm vấn đề biên giới cùng lệnh phong tỏa trong suốt đại dịch." Ông Pretto cho rằng các công ty vận tải, nhân sự của họ và người dân đang phải chịu thiệt hại do các lệnh phong tỏa.

Marchal và thủy thủ đoàn của cô đã phải thực hiện 10 cuộc xét nghiệm trong bảy ngày trước khi họ được phép vào xưởng đóng tàu ở Singapore để sửa chữa trong tháng trước. Việc bảo trì đã bị trì hoãn một tuần sau đợt bùng phát dịch tại cảng và con tàu dự kiến sẽ rời đi trước trung tuần tháng 10. Trong thời gian chờ đợi, thủy thủ đoàn vẫn phải ở trên tàu. 

Ngoài ra, việc cách ly bắt buộc cũng có thể khiến nhiều nhân sự ngành hàng không hoặc thuyền viên tốn mất một khoảng thời gian dài trước khi được trở về nhà.

Shaailesh Sukte, thuyền trưởng của tàu container Seaspan Amazon cho rằng những người thủy thủ đang giữ cho lấy huyết mạch của chuỗi cung ứng đang không được xem trọng như đội ngũ tuyến đầu. Ông nói với CNN Business: "Nếu muốn thế giới tiếp tục chuyển động, họ cần phải nới lỏng các hạn chế đi lại".

Thùy Trang