|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hàng còn nhiều, nhưng làm sao để chuyển đến nơi cần khi cơn bão COVID-19 vẫn càn quét?

22:15 | 21/03/2020
Chia sẻ
Hệ thống kho bãi trên toàn cầu đang chứa đầy thịt heo, bánh phô mai, gạo và các thực phẩm khác. Tuy nhiên, khi đại dịch COVID-19 gây gián đoạn hoạt động logistics, bài toán mới đặt ra là: Làm thế nào để mang toàn bộ số thực phẩm này đến tay người dân?

Mặc dù có sẵn hàng tồn kho, các cửa hàng tạp hóa vẫn trông như ngày tận thế khi kệ hàng trống trơn. Tình trạng mua sắm trong hoảng loạn khiến nhiều nhà bán lẻ và nhà cung ứng gần như không thể bắt kịp với nhu cầu gia tăng đột biến chưa từng thấy như vậy.

Chỉ một số lượng xe tải nhất định có thể đến kho hàng và vận chuyển thịt gà, kem hay giấy vệ sinh mà người tiêu dùng cần mua về cửa hàng. Đó là một ví dụ cho thấy sức ép mà chuỗi cung ứng thực phẩm đang gặp phải.

Thời gian dự trữ hoặc vận chuyển thực phẩm thường có hạn. Đại dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc khiến tình hình thêm trầm trọng: Tháng trước, châu Á xuất đi ít hàng hóa hơn, dẫn đến việc hiện nay không có đủ container trống ở các nước như Canada để phân phối hàng ra thế giới.

Ông Jayson Lusk - người đứng đầu khoa kinh tế nông nghiệp tại Đại học Purdue, cho biết: "Có một mạng lưới liên kết phức tạp mà chúng ta thường không nghĩ đến trong chuỗi cung ứng thực phẩm: tài xế xe tải, tàu hỏa, tàu biển, công nhân nhà máy".

Ông Lusk cho hay "có nhiều khả năng gây gián đoạn chuỗi cung ứng" và có thể chuỗi cung ứng thực phẩm "mong manh hơn chúng ta tưởng rất nhiều".

Kệ hàng trống trơn chỉ mới là khởi đầu

Khi đại dịch COVID-19 lây lan và số ca nhiễm tăng lên, hệ thống cung ứng thực phẩm dường như sẽ được thử thách và kéo căng qua vô số kịch bản trong vài tuần hoặc vài tháng tới.

Bloomberg nhận định chuỗi cung ứng thực phẩm có khả năng thiếu hụt nhân công khi người lao động buộc phải cách li tại nhà do nhiễm COVID-19 hoặc tiếp xúc với người nhiễm.

Đồng thời, khi trường học đóng cửa, nhà máy có thể giảm sản lượng vì bố mẹ cần phải ưu tiên chăm sóc con cái. Hàng loạt chính phủ trên thế giới đã áp lệnh hạn chế di chuyển, khiến công nhân tỉnh lẻ - thường đóng vai trò chủ lực trong lực lượng lao động, khó tham gia sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, cảng biển đóng cửa và giao thương bị hạn chế có thể làm gián đoạn dòng chảy hàng hóa và nguyên liệu.

Kệ hàng trống trơn chỉ mới là khởi đầu, đại dịch COVID-19 sẽ còn kéo căng chuỗi cung ứng thực phẩm mong manh của thế giới - Ảnh 1.

Người dân mua sắm trong hoảng loạn, kệ hàng tại nhiều nơi trên thế giới trống vắng đến lạ kì. (Ảnh: Getty Images)

"Chúng tôi hiện không nhận thấy cú sốc nguồn cung nào", ông Abdolreza Abbassian - nhà kinh tế cấp cao tại Tổ chức Nông nghiệp và Thực phẩm (FAO) của Liên Hợp Quốc, cho hay.

"Tuy nhiên, có thể có cú sốc về mặt logistics khi không thể vận chuyển hàng hóa từ điểm A đến điểm B. Đây là một vấn đề mới và khó dự đoán. Bất ổn chính là mối đe dọa nguy hiểm nhất lúc này", ông Abbassian nhấn mạnh.

Các nhóm nông dân, nhà bán lẻ và tài xế xe tải ở một số quốc gia như Brazil, Mỹ và Pháp đang cảnh báo về vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng có thể phát sinh từ các lệnh phong tỏa và cách li, bên cạnh khả năng xảy ra khủng hoảng nguồn lao động.

Giới chức Australia, Đức và Kazakhstan đang lo ngại chuỗi cung ứng bị kéo căng khi người tiêu dùng mua hàng trong hoảng loạn và khó khăn về mặt logistics.

Khủng hoảng chuỗi cung ứng thực phẩm

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Đức Julia Kloekner cho rằng một cuộc khủng hoảng kéo dài có thể dẫn đến sự "thiếu hụt hàng hóa thực sự", bắt đầu từ trái cây và rau củ trước khi tác động đến các mặt hàng chủ lực.

Đối với người tiêu dùng, tác động của cuộc khủng hoảng sẽ thay đổi tùy thuộc vào nơi họ sinh sống. Ở các nước phụ thuộc vào thực phẩm nhập khẩu, tình hình có thể nghiêm trọng hơn.

Ông Adnan Durrani - CEO của công ty thực phẩm đông lạnh Saffron Road, nhận định: "Bạn sẽ khó lòng mà tránh được cảnh giá thực phẩm leo thang. Chuyện này không giống bất kì cuộc khủng hoảng nào mà tôi từng thấy. Nếu tình hình kéo dài thêm hai tháng nữa hoặc hơn, áp lực lên chuỗi cung ứng thực phẩm sẽ trở nên nghiêm trọng hơn".

Nhà phân tích Christine McCracken của Rabobank dự đoán dây chuyền chế biến của một số công ty sản xuất thịt tại Mỹ sẽ chững lại 20 - 30% do nhân công ở nhà chữa bệnh hoặc chăm sóc gia đình.

Theo Bloomberg, nhiều quốc gia định hướng sản xuất nông nghiệp để xuất khẩu một số sản phẩm chủ lực thay vì để dùng trong nước. Do đó, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm có thể khiến người dân tại các quốc gia này dễ bị tổn hại hơn nếu giao thương nông sản bị chậm. Chẳng hạn hiện nay hoạt động nhập khẩu hạnh nhân vào tâm dịch Italy đã bị tạm ngừng.

Mặt trái của vấn đề là trong một vài trường hợp, một số quốc gia chiếm phần lớn nguồn cung có thể xuất khẩu của vài mặt hàng nhất định. Gián đoạn trong việc vận chuyển các mặt hàng đó có thể gây ra những hệ quả trên toàn cầu.

Ông Christian Gloor - giám đốc tại công ty giao dịch hàng hóa Heinz & Co. (có trụ sở tại Zurich), đã dẫn ra ví dụ về Serbia. Mới đây, Serbia đã áp lệnh cấm xuất khẩu lên sản phẩm dầu hướng dương của họ.

"Nếu nhiều nước bắt đầu hành động như vậy, thị trường sẽ rất hỗn loạn", ông Gloor cho biết.

Kệ hàng trống trơn chỉ mới là khởi đầu, đại dịch COVID-19 sẽ còn kéo căng chuỗi cung ứng thực phẩm mong manh của thế giới - Ảnh 2.

Hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Vietnamnet)

"Chẳng hạn, nếu Pháp không còn cung ứng bột mì, thị trường sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng. Nếu một nước khơi mào, các nước khác sẽ bắt chước theo, và bạn sẽ thực sự thấy một thảm họa", ông Gloor nhấn mạnh.

Người dân ở các nước có vấn đề về thực phẩm ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát cũng đặc biệt dễ bị tổn hại, ông Abbassian của FAO chia sẻ, đồng thời ông chỉ ra một số khu vực như vùng châu Phi cận Sahara.

Giữa lúc đồng nội tệ lao dốc so với đồng USD, một số quốc gia sẽ thấy sức mua của họ bị hạn chế.

Ngoài ra, vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm còn diễn ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thời tiết thất thường đang tàn phá hoạt động sản xuất trên toàn cầu. Năm nay, hạn hán đang cản trở sản lượng cây trồng tại một số khu vực của Uruguay, New Zealand và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam.

Báo Tài nguyên và Môi trường dẫn dự báo của Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Kong Việt Nam cho biết trong tháng 3, dòng chảy về ĐBSCL vẫn sẽ bị sụt giảm; trong khi dự báo chế độ triều cho thấy hiện tượng xâm nhập mặn tháng 3 vẫn sẽ tăng mạnh.

Yên Khê

[LIVE] ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.