|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Quỹ đầu tư nước ngoài tăng tốc rót vốn vào thị trường bán lẻ Việt sau hai năm dịch bệnh

10:32 | 15/06/2022
Chia sẻ
Các quỹ đầu tư nước ngoài đã bắt đầu tăng cường rót vốn vào thị trường bán lẻ Việt sau thời kỳ bùng nổ của thị trường công nghệ trong suốt hai năm qua.

Dòng vốn đầu tư vào bán lẻ tăng nhanh

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 5 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 7,71 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức vốn thực hiện cao nhất của 5 tháng đầu năm các năm 2018-2022.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Lũy kế đến ngày 20/5, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 6,8 tỷ USD, chiếm 58,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 3 tỷ USD, chiếm 25,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Tiếp theo lần lượt là các ngành thông tin truyền thông; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 398 triệu USD và gần 374,8 triệu USD. Còn lại là các ngành khác.

Tuy nhiên, nếu xét về số lượng dự án mới thì bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ là các ngành thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 29,6%, 25,6% và 17,5% tổng số dự án.

Cơ cấu đầu tư nước ngoài 5 tháng đầu năm theo ngành. (Nguồn: Cục Đầu tư Nước ngoài/Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Có thể thấy, sau hai năm đại dịch COVID-19, khẩu vị của các nhà đầu tư nước ngoài đã có đôi chút thay đổi. Nếu như trong hai năm qua là sự lên ngôi của các doanh nghiệp công nghệ, thì sau khi đại dịch dần được kiểm soát, các nhà bán lẻ lại tiếp tục nhận được sự quan tâm của các quỹ đầu tư nước ngoài.

Theo dữ liệu từ Bộ Công thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tính riêng trong tháng 4 đạt 455,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 1.777,4 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm có sự tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ năm trước, hàng hóa dồi dào, sức mua có xu hướng tăng. Điều này có thể là một phần nguyên nhân giúp các nhà đầu tư nước ngoài có niềm tin vào sự phục hồi và tăng trưởng của thị trường bán lẻ Việt Nam.

Các quỹ đầu tư nước ngoài rót vốn vào công ty trong ngành bán lẻ Việt Nam

Theo đánh giá từ Vietdata, ngành bán lẻ được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, với xu hướng chung của toàn ngành là thương mại điện tử. Bên cạnh đó, nhiều mô hình logistic truyền thống đã thay đổi qua các hình thức chuyển phát nhanh hiện đại hình thức để thích nghi với bối cảnh kinh doanh hậu COVID-19. Tuy nhiên, thương mại điện tử không thể thay thế cửa hàng vật lý, do nhu cầu trải nghiệm người dùng ở một số ngành hàng, mà sẽ kết hợp để tạo nên một xu hướng bán hàn đa kênh.

Ngoài ra, hình thức thanh toán không tiền mặt (ví điện tử,chuyển khoản, thanh toán thẻ, các ứng dụng fintech,…) cũng là yếu tố hiện đại hóa ngành bán lẻ, tạo ra nhiều điểm chạm giữa người bán và người mua, tạo cú huých lớn để phục hồi hoàn toàn ngành bán lẻ và dịch vụ

Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam, từ những startup cho tới các ông lớn đã được các quỹ đầu tư quốc tế rót vốn kể từ đầu năm 2022. Một trong những ví dụ tiêu biểu có thể kể đến Con Cưng, một ông lớn trong ngành bán lẻ sản phẩm mẹ & bé.

Giai đoạn cuối tháng 1, Con Cưng cho biết đã kêu gọi thành công 90 triệu USD từ công ty đầu tư tập trung vào lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ Quadria Capital. Theo DealstreetAsia, dù các điều khoản tài chính cụ thể của thương vụ chưa được tiết lộ nhưng với những thông tin trước đó, Quadria sẽ nắm giữ 30% số cổ phần tại Con Cưng. 

Con Cưng dự định sẽ dùng số vốn mới kêu gọi được để triển khai thêm 2.000 cửa hàng trực tiếp cho tới năm 2025. Bên cạnh đó, Con Cưng cũng tiếp tục đầu tư phát triển thêm kênh ứng dụng. 

Con Cưng là một trong những doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam được quỹ đầu tư nước ngoài rót vốn từ đầu năm 2022. (Ảnh: Con Cưng).

Tháng 3, một startup Việt có tên SoBanHang, ứng dụng quản lý dành cho các tiểu thương, hộ kinh doanh nhỏ lẻ, bán hàng qua mạng cũng đã huy động vốn đầu tư thành công và nhận được 2,5 triệu USD từ các quỹ đầu tư nước ngoài như FEBE Ventures, Class 5, Trihill Capital,… Ông Bùi Hải Nam, CEO Sổ Bán Hàng cho biết với khoản đầu tư này, công ty sẽ tập trung vào sản phẩm, phát triển các tính năng hỗ trợ cho các nhà bán hàng.

Một ví dụ khác, đầu năm nay, thị trường bán lẻ mỹ phẩm Việt Nam, có giá trị khoảng 2,3 tỷ USD theo Mintel, đã chứng kiến sự gia nhập của Sephora, một hệ thống bán lẻ mỹ phẩm hàng đầu thế giới đến từ Pháp. Sau 5 tháng vận hành thử nghiệm, đơn vị này đã chính thức mở bán thông qua kênh thương mại điện tử. 

Theo ông Vivek Kaul, Giám đốc ngành Bán lẻ của công ty dịch vụ bất động sản CBRE khu vực châu Á, các nhà bán lẻ vẫn có niềm tin vào lĩnh vực này trong tương lai, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đã dần được kiểm soát và cuộc sống đang trở lại bình thường.

Đáng chú ý, lãnh đạo CBRE cho biết Việt Nam vẫn là một trong những thị trường mục tiêu hàng đầu mà các nhà bán lẻ được khảo sát lựa chọn để mở rộng kinh doanh. Điều này chỉ ra rằng thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn dư địa phát triển và có sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Doanh Chính