|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đại gia bán lẻ Việt tìm cách thoát 'bẫy' doanh thu 30.000 tỷ đồng

14:31 | 02/06/2022
Chia sẻ
Mốc doanh thu 30.000 tỷ đồng thường được gọi là "bẫy" khi các doanh nghiệp bán lẻ Việt luôn dừng chân ở con số này.

"Điểm chết" doanh thu 30.000 tỷ đồng

Đầu tiên phải kể đến hệ thống siêu thị/cửa hàng tiện lợi WinMart/WinMart+ của Masan Group. Đây được coi là doanh nghiệp bán lẻ tiêu dùng có thị phần lớn nhất Việt Nam nếu xét về quy mô doanh thu lẫn số lượng cửa hàng.

Giai đoạn 2018 - 2021 là giai đoạn chuyển giao của WinCommerce từ Vingroup sang Masan Group, song đây cũng là giai đoạn đánh dấu sự bứt tốc của WinCommerce trên thị trường bán lẻ Việt khi doanh thu tăng liên tục qua từng năm.

Tuy nhiên, năm 2021, doanh thu WinCommerce dừng ở mức 31.900 tỷ đồng, tương đương với 31.978 tỷ đồng doanh thu đạt được năm 2020. Doanh thu đi ngang được đơn vị này lý giải là do ảnh hưởng chung từ dịch bệnh COVID-19.

Mốc 30.000 tỷ doanh thu của WinCommerce có thể được coi là bình thường nếu không xét đến hai đối thủ "sừng sỏ" khác là Go! (Central Retail) vàSaigon Co.op cũng đang mắc kẹt ở khoảng doanh thu này trong hai năm nay.

Cụ thể, vớiSaigon Co.op -một trong những bán lẻ lâu đời, từng lọt top 500 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á – Thái Bình Dương (theo tạp chí Retail Asia), doanh thu đơn vị này năm 2021 là 30.671 tỷ đồng, giảm 7,8% so với năm liền trước đó.

Giống WinCommerce, lý giải cho việc "quanh quẩn" doanh thu ở mốc 30.000 tỷ đồng trong suốt hai năm,ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 kéo dài đã kéo theo doanh thu ngành bán lẻ năm 2021 giảm 3,8% so với cùng kỳ, mức thấp nhất kể từ năm 2015.

 Đồ họa: Quốc Anh. Nguồn: Tổng hợp từ BCTC Masan Group.

Một đơn vị khác có biểu đồ phát triển tương tự WinCommerce là Big C (sau đổi thành Go! thuộc Central Retail - một tập đoàn của Thái Lan). Chuỗi siêu thị này từng có giai đoạn phát triển ấn tượng khi thâu tóm chuỗi Nguyễn Kim và Lanchi Mart vào năm 2015.

Thời điểm đó, Central Retail đã ghi nhận doanh thu tại thị trường Việt tăng từ 9,5 triệu USD năm 2014 lên 1,18 tỷ USD năm 2019 (gấp 123 lần). Năm 2020, tập đoàn này đạt doanh thu 31.600 tỷ đồng, nhưng đáng nói cũng bị sụt giảm chỉ còn 27.000 tỷ đồng trong năm 2021.

Nỗ lực thoát bẫy của Bách Hóa Xanh

Nếu so với những tên tuổi trên, Bách Hóa Xanh (BHX) của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động có phần non trẻ hơn và độ phủ sóng thấp hơn khi chỉ hiện diện tại khu vực phía Nam dù nhiều lần được hứa hẹn Bắc tiến.

Tuy nhiên, tốc độ phát triển của "chú ngựa non" này cũng đáng để bàn luận. Được Thế Giới Di Động thử nghiệm từ năm 2015 khi nhận thấy thị trường smartphone và điện máy đang tiến tới điểm bão hòa, BHX được định vị là chuỗi cửa hàng cạnh tranh với chợ truyền thống khi chủ yếu bánthực phẩm tươi sống (thịt cá, rau củ, trái cây,…).

Năm 2017, BHX có tổng cộng 238 cửa hàng doanh thu 700 triệu đồng/tháng. Nhưng sau một năm thay đổi layout cửa hàng BHX ghi nhận doanh thu trung bình mỗi điểm bán tăng lên 1,2 tỷ đồng/tháng, tổng số cửa hàng lúc này là 405 cửa hàng (90% là ở TP. HCM). Tới tháng 8/2021, BHX có gần 2.000 cửa hàng trên khắp các tỉnh ở miền Nam, miền Đông và Nam Trung Bộ.

Trong giai đoạn này, chuỗi BHX chứng kiến mức tăng trưởng doanh thu phi mã, lần lượt là 1.387 tỷ đồng (2017), 4.272 tỷ đồng (2018), 10.769 tỷ đồng (2019).

Đáng nói, năm 2020, doanh thu của chuỗi BHX đã thần tốc tăng gấp đôi so với năm liền trước khi đạt cán mốc 21.260 tỷ đồng, đóng góp xấp xỉ 20% trong tổng doanh thu của Thế Giới Di Động.  Tới năm 2021, BHX đạt doanh thu 28.200 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2020 - chính thức vượt mốc 1 tỷ USD và lọt vào top 3 nhà bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng lớn nhất Việt Nam với hơn 2.000 điểm bán.

Doanh thu của chuỗi Bách Hóa Xanh giai đoạn 2016 - 2021. (Nguồn: MWG - Doanh Chính tổng hợp).

Trong cuộc gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cho biết BHX đang thay đổi toàn bộ nhìn nhận từ phía khách hàng.

Nếu như trước đây BHX nói là mô hình cạnh tranh với chợ truyền thống, có nghĩa là tạo ra nhưng dịch vụ trên chợ truyền thống là ổn. "Nhưng chúng tôi đang định hướng lại, bằng việc tạo ra mô hình có trải nghiệm vượt trội so với chợ truyền thống, với những dịch vụ cao hơn rất nhiều so với trước đây, ở mức đại siêu thị", ông Tài nói.

BHX đang hướng tới mô hình 200 m2 sàn kinh doanh - là vị trí mà khách hàng có thể bước đến được để lấy hàng hóa và để thanh toán. Ngoài ra, còn có hai mô hình phụ là 300 m2 - nơi có mật độ cư dân đông và tối thiểu là 150 m2, đây là những nơi mật độ dân cư thấp/tìm kiếm mặt bằng 200 m2 khó khăn. 

Ông Tài cũng cho biết, trong mảng kinh doanh online hàng tiêu dùng, điều cần nhất là độ tin cậy và thời gian giao hàng nhanh. Do đó, sắp tới BHX online sẽ xây dựng mô hình giao hàng 1-1, có nghĩa là người tiêu dùng cần cái gì đó gấp, thì trong vòng 60 phút shipper sẽ lấy hàng và giao thẳng đến nhà khách hàng.

Với những động thái "làm mới" quyết liệt từ vị chủ tịch Nguyễn Đức Tài, có thể thấy Bách Hóa Xanh đang nỗ lực để tránh rơi vào bẫy doanh thu 30.000 tỷ đồng như các "đàn anh". Trong một lần trao đổi với các nhà đầu tư hồi năm ngoái, lãnh đạo Thế Giới Di Động cũng tự tin khẳng định Bách Hóa Xanh vẫn còn rất nhiều cách tăng trưởng trong tương lai.

Doanh Chính