|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Hai mũi giáp công' để sản xuất vắc xin COVID-19 tại Việt Nam

08:21 | 13/06/2021
Chia sẻ
Trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu phát triển vắc xin trong nước, đồng thời thông qua việc mua, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin COVID-19 tiên tiến (công nghệ mRNA) từ nước ngoài.
'Hai mũi giáp công' để sản xuất vaccine COVID-19 tại Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế. (Ảnh: VGP/Hiền Minh).

Trong nhiều cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính luôn nhấn mạnh hai trụ cột của chiến lược vắc xin phòng COVID-19 là: Phải huy động mọi nguồn lực, mọi khả năng, tiếp cận dưới mọi hình thức, bằng mọi cách để mua được vắc xin nhiều nhất, nhanh nhất; đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc xin trong nước. 

Để tìm hiểu về tiến độ nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước cũng như tiến độ nghiên cứu chuyển giao công nghệ vắc xin từ nước ngoài về Việt Nam hiện nay, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế. 

Xin ông cho biết, tiến độ nghiên cứu và sản xuất vắc xin phòng COVID-19 hiện nay ở nước ta như thế nào?

Ông Nguyễn Ngô Quang: Đến nay, cả nước có 2 nhà sản xuất đang nghiên cứu vắc xin phòng COVID-19 ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Trong đó, có vắc xin Nanocovax của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen, đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2. Tuy nhiên, để thúc đẩy tiến độ, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia đã cho phép triển khai gối đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Hiện đơn vị này đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Ngày 11/6, Bộ Y tế đã chính thức phê duyệt đề cương thử nghiệm giai đoạn 3 vắc xin này. 

vắc xin thứ 2 là COVIVAC của Viện vắc xin và sinh phẩm Nha Trang (IVAC) đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1.

Quy mô sản xuất trên nền cơ sở vật chất hiện có của IVAC là 6 triệu liều/năm, của Nanogen là 20-30 triệu liều/năm. Cả hai đơn vị này đều có thể nâng công suất khi được đầu tư. Để nâng công suất, các nhà sản xuất cần đầu tư thêm các trang thiết bị chuyên dụng và mở rộng nhà xưởng.

Tiến độ nghiên cứu chuyển giao công nghệ vắc xin từ nước ngoài về Việt Nam hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngô Quang: Đối với việc nghiên cứu chuyển giao công nghệ vắc xin từ nước ngoài, ngày 7/5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế đã thành lập Ban Chỉ đạo chương trình nghiên cứu chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc xin phòng COVID-19. 

Một tập đoàn lớn đã thảo luận, đàm phán với nhà sản xuất Hoa Kỳ về điều kiện chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin COVID-19 từ tinh chất mRNA. vắc xin này chỉ cần tiêm 1 liều duy nhất 5 mg, có khả năng bảo vệ cao (dựa trên kết quả thử nghiệm lâm sàn giai đoạn 1, 2), có nhiệt độ bảo quản 20C-80C. Hiện tại, vắc xin đã kết thúc thử nghiệm giai đoạn 1, 2. 

Nhà máy do tập đoàn này đầu tư theo chuẩn công nghệ của nhà sản xuất sẽ có công suất 100-200 triệu liều/năm. Dự định bắt đầu sản xuất từ quý IV/2021 hoặc đến quý I/2022.

Từ tháng 7/2021, Công ty TNHH MTV vắc xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) cũng đã ký thỏa thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga về việc đóng ống vắc xin Sputnik-V từ bán thành phẩm, với quy mô 5 triệu liều/tháng, tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều/năm. 

'Hai mũi giáp công' để sản xuất vaccine COVID-19 tại Việt Nam - Ảnh 2.

vắc xin Nanocovax đã tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 cho 554 tình nguyện viên. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Không so sánh các vắc xin phòng COVID-19 với nhau

Các vắc xin Việt Nam đang nghiên cứu có tính an toàn và hiệu quả như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngô Quang: Tổ chức WHO không so sánh các vắc xin phòng COVID-19 với nhau. Các vắc xin được WHO cấp phép đều đạt yêu cầu về tính an toàn và hiệu lực bảo vệ. Để đánh giá hiệu lực bảo vệ của vắc xin không cho phép so sánh với vắc xin không cùng công nghệ.

Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 nhằm đánh giá bước đầu tính an toàn trên người, giai đoạn 2 nhằm đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vắc xin. Từ đó lựa chọn ra liều, phác đồ tối ưu để chuyển sang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và giai đoạn 2 không đánh giá được hiệu quả bảo vệ của vắc xin, không đánh giá được ảnh hưởng của vắc xin đối với việc tăng nặng hay giảm nhẹ bệnh.

Trong trường hợp thiếu hụt nguồn cung cấp vắc xin COVID-19, Bộ Y tế đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho phép Bộ Y tế sử dụng kết quả đánh giá giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 về tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vắc xin COVID-19 sản xuất trong nước, để cấp phép lưu hành có điều kiện, phục vụ phòng chống dịch.

Vậy Bộ đã có những thay đổi quyết sách như thế nào để đẩy nhanh tiến độ sản xuất vắc xin COVID-19 trong nước, đảm bảo an toàn và hiệu quả, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngô Quang: Ngay từ tháng 8/2020, Bộ Y tế đã có hướng dẫn về nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, đăng ký lưu hành, sử dụng vắc xin phòng COVID-19 nhằm cắt giảm thời gian của các thủ tục hành chính, cho phép gối đầu giữa các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, để sớm phát triển vắc xin, tuy nhiên, vẫn bảo đảm các yêu cầu về chuyên môn, khoa học.

Theo quy định tại Điều 89, Luật Dược (năm 2016), vắc xin phải thử nghiệm lâm sàng đầy đủ các giai đoạn, trừ trường hợp vắc xin đã được cấp phép lưu hành tại ít nhất một nước trên thế giới và có dữ liệu lâm sàng về an toàn, hiệu quả.

Việt Nam là một trong các nước có hệ thống quản lý chất lượng quốc gia về vắc xin (National Regulatory Authority-NRA) đạt tiêu chuẩn quốc tế, được WHO công nhận.

Vì vậy, chúng ta phải tuân thủ nghiêm ngặt các chuẩn mực quốc tế, trong đó có các quy định về thử nghiệm lâm sàng vắc xin. Trong thử nghiệm lâm sàng cần đảm bảo nguyên tắc tự nguyện.

Hiện số ca mắc bệnh COVID-19 đang tăng dần mốc 10.000 ca, vậy Bộ có phương án hay kế hoạch như thế nào để thực hiện việc khẩn cấp sản xuất vắc xin trong nước nhưng vẫn đảm bảo an toàn, hiệu quả, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngô Quang: Trong giai đoạn tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu phát triển vắc xin trong nước, đồng thời thông qua việc mua, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin COVID-19 tiên tiến (công nghệ mRNA) từ nước ngoài.

Chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu phát triển các kỹ thuật chẩn đoán như xét nghiệm qua hơi thở, xét nghiệm bằng bệnh phẩm nước bọt để giảm chi phí và nhân lực; nghiên cứu hỗ trợ điều trị như máy thở oxy cao áp HFNC, máy monitor, nghiên cứu thuốc và phác đồ điều trị mới; nghiên cứu các vấn đề liên quan trạng thái bình thường mới như hệ thống cách ly di động; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát dịch bệnh và hỗ trợ điều trị.

Cảm ơn ông!


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hiền Minh (thực hiện)

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.