|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Habeco lần đầu báo lỗ sau 3 năm

11:28 | 02/05/2023
Chia sẻ
Ba tháng đầu năm, Habeco lỗ gần 4 tỷ đồng trong bối cảnh doanh thu sụt giảm do chi phí đầu vào tăng và chính sách kiểm soát chặt chẽ vi phạm nồng độ cồn.

Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco - Mã: BHN) vừa công bố BCTC hợp nhất quý I với 1.173 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 13% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp giảm từ 26% xuống 21%.

Trong kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 10% xuống 85 tỷ đồng, chi phí bán hàng giảm 13% xuống 205 tỷ đồng, chủ yếu nhờ cắt giảm chi phí quảng cáo và khuyến mãi.

Trừ đi các chi phí, lợi nhuận sau thuế của công ty âm gần 4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 35 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Habeco báo lỗ sau 3 năm, kể từ quý I/2020.

Giải trình về kết quả kinh doanh, Habeco cho rằng, lợi nhuận công ty “đi xuống” do doanh thu bán hàng ảnh hưởng bởi chính sách kiểm soát chặt chẽ vi phạm về nồng độ cồn cũng như thói quen chi tiêu của người tiêu dùng đang có xu hướng giảm. Thêm vào đó, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh so với cùng kỳ cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận suy giảm.

Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ BCTC của Habeco.

Tại ngày 31/3, tổng tài sản của Habeco đạt 6.582 tỷ đồng, giảm 9% so với đầu năm. Hàng tồn kho giảm 7% xuống 671 tỷ đồng.

Cuối quý I, công ty có 3.004 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, chiếm 46% tài sản. Với lượng tiền gửi lớn, ba tháng đầu năm, Habeco đã nhận về hơn 45 tỷ đồng tiền lãi.

Tổng nợ vay của Habeco khoảng 81 tỷ đồng vào cuối kỳ, hoàn toàn là nợ vay ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu đạt 5.301 tỷ đồng, bao gồm 774 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Sản phẩm của Habeco được bày bán trong siêu thị. (Ảnh: Lâm Anh).

Mới đây, một doanh nghiệp lớn trong ngành bia là Sabeco đã công bố kết quả kinh doanh quý I với 1.004 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 19% so với cùng kỳ. Nguyên nhân được công ty đưa ra cũng tương tự như Habeco là do thị trường suy yếu, Nghị định 100 có dấu hiệu siết chắt tại các thành phố trọng điểm, kết hợp với bất ổn kinh tế toàn cầu và tiêu dùng chậm lại.

Lâm Anh

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.