32 doanh nghiệp chốt quyền chia cổ tức tuần tới, cao nhất 37% tiền mặt
CTCP Phụ tùng Máy số 1 (Mã: FT1) thông báo ngày 19/8 là ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức năm 2023 bằng tiền, tỷ lệ 37% (1 cổ phiếu nhận 3.700 đồng). Ngày giao dịch không hưởng quyền là 16/8.
Với gần 7,1 triệu cổ phiếu đang lưu hành, FT1 cần chi khoảng 26 tỷ đồng trả cổ tức. Tổng Công ty Máy động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM - Mã: VEA) có thể bỏ túi 14 tỷ đồng do nắm 55% vốn.
Kể từ khi giao dịch trên UPCoM (2017), công ty thường trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ cao, mức cao nhất là 45% vào năm 2021.
FT1 được thành lập từ năm 1968, tiền thân là Nhà máy Phụ tùng ôtô số 1. Công ty chuyên sản xuất và cung cấp phụ tùng, linh kiện xe máy và các sản phẩm cơ khí cho các công ty liên doanh, doanh nghiệp nội địa và xuất khẩu.
Khách hàng của FT1 gồm nhiều tên tuổi lớn như Honda, Yamaha, Atsumitec, Sumitomo Heavy Industries Vietnam, Schaeffler Vietnam, Piaggio Vietnam..
Cổ đông CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Mã: RAL) sắp được tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2024 bằng tiền, tỷ lệ 25% (1 cổ phiếu nhận 2.500 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng là 19/8, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 16/8.
Với hơn 23,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty cần bỏ ra gần 59 tỷ đồng trả cổ tức. Thời gian thanh toán dự kiến là 28/8.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, cổ đông công ty đã thông qua phương án trả cổ tức năm 2024 bằng tiền, tỷ lệ 50%. Như vậy, tỷ lệ cổ tức còn lại là 25%.
Rạng Đông là doanh nghiệp thường xuyên trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông. Giai đoạn 2017 - 2023, tỷ lệ cổ tức được duy trì ở mức 50%.
Tuần tới, CTCP 32 (Mã: A32) là một trong những đơn vị chốt quyền trả cổ tức với tỷ lệ cao. Cụ thể, công ty chốt ngày 19/8 là ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức còn lại năm 2023 bằng tiền, tỷ lệ 25% (1 cổ phiếu nhận 2.500 đồng).
Với 6,8 triệu đang lưu hành, A32 cần bỏ ra 17 tỷ đồng trả cổ tức cho cổ đông. Trong đó, Tổng cục Hậu Cần – Bộ Quốc Phòng sẽ nhận gần 8,7 tỷ đồng nhờ nắm 51% vốn.
Hồi tháng 1, công ty đã tiến hành trả cổ tức đợt 1 bằng tiền với tỷ lệ 10%. Như vây, tổng tỷ lệ cổ tức năm 2023 là 35%, hoàn thành kế hoạch ĐHĐCĐ giao.
CTCP 32 tiền thân là Công ty 32 - Bộ Quốc Phòng được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 1980. Công ty chuyên sản xuất các mặt hàng như giày dép, đồng phục quân đội, giày dép và các sản phẩm bảo hộ lao động cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
CTCP May mặc Bình Dương (Mã: BDG) chốt ngày 19/8 là ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức năm 2023 bằng tiền, tỷ lệ 25% (1 cổ phiếu nhận 2.500 đồng). Tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 16/8.
Với gần 24,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty cần chi 62 tỷ đồng trả cổ tức. Hai cổ đông lớn của công ty là Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương – CTCP (nắm 47,71% vốn) và Công ty TNHH Thương mại Việt Vương (nắm 39,02% vốn) dự kiến nhận về lần lượt 30 tỷ đồng, 24 tỷ đồng.
May mặc Bình Dương được thành lập từ năm 1989, tiền thân là Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương. Công ty chuyên về sản xuất các sản phẩm áo sơ mi, quần jean, quần âu với tổng công suất hơn 5 triệu đơn vị mỗi năm.
Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco – Mã: BHN) thông báo ngày 16/8 sẽ chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền nhận cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt, tỷ lệ 15% (1 cổ phiếu nhận 1.500 đồng)
Với 231,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty sẽ chi ra 348 tỷ đồng trả cổ tức. Bộ Công thương nắm 81,79% vốn Habeco sẽ nhận về 284 tỷ đồng, Carlsberg Breweries A/S sở hữu 17,34% vốn sẽ bỏ túi 60 tỷ đồng.
Habeco giữ thói quen chia cổ tức tiền mặt kể từ năm 2014. Tỷ lệ cao nhất là 75,57% vào năm 2017, những năm còn lại dao động từ 10 - 24%.