|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bức tranh đối nghịch của Sabeco và Habeco

15:54 | 07/08/2024
Chia sẻ
Ngành bia đang đứng trước nhiều thách thức từ Nghị định 100, cạnh tranh gay gắt trong ngành và sức cầu yếu. Đổ hàng trăm tỷ đồng vào các chương trình quảng cáo, khuyến mại song kết quả kinh doanh của Habeco và Sabeco ghi nhận sự trái chiều trong quý II - mùa cao điểm nắng nóng và có sự kiện thể thao lớn.

Giải vô địch bóng đá châu Âu 2024 (Euro) và Thế vận hội mùa hè (Olympic) được kỳ vọng sẽ là cú hích thúc đẩy ngành bia. Song, sản lượng bia Việt Nam vẫn còn rất nhạy cảm với Nghị định 100 về xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, cùng với đó là sức cầu vẫn yếu khiến nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể bứt phá.

Dù vậy, theo lãnh đạo Sabeco, năm 2024 tiếp tục mang đến các cơ hội "vàng" cho ngành bia Việt Nam như cơ cấu dân số vàng, thu nhập tăng nhanh, tiềm năng lớn của phân khúc "bia không cồn" và tiềm năng về thị trường xuất khẩu. Song, doanh nghiệp bia này cũng thừa nhận, sự cạnh tranh tiếp tục diễn ra gay gắt giữa các công ty sản xuất bia nhằm giành thị phần cao hơn.

Dữ liệu từ Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tính đến cuối năm ngoái, thị phần bia Việt Nam hiện nằm trong tay các ông lớn như Heineken, Sabeco, Carlsberg, Habeco. Trong giai đoạn 2020 – 2023, vị trí đầu bảng đã có sự đổi ngôi từ Sabeco sang Heineken. Năm 2023, Sabeco chỉ còn nắm giữ 34,4% thị phần.

 Thị phần các thương hiệu bia ở Việt Nam giai đoạn 2013 - 2023. (Nguồn: VDSC).

Kết quả kinh doanh trái chiều

Trong quý II, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - Mã: SAB) ghi nhận doanh thu thuần giảm gần 3% so với cùng kỳ xuống 8.086 tỷ đồng do việc thực thi nghiêm ngặt Nghị định 100 và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt tiếp tục tác động đến đà tiêu dùng.

Tuy nhiên, yếu tố then chốt giúp Sabeco báo lãi sau thuế tăng 9% so với cùng kỳ lên 1.319 tỷ đồng là nhờ tiết giảm được một số chi phí hoạt động. Trong đó, khoản lớn nhất chính là chi phí quảng cáo và khuyến mại, ước tính khoảng 583 tỷ đồng, giảm 21% so với quý II/2023.

Tiết giảm chi phí quảng cáo, khuyến mại hiện là chiến lược của Sabeco trong khi cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài vẫn diễn ra gay gắt. Tuy nhiên, công ty cho biết chi phí quảng cáo khuyến mại vẫn có thể tăng trong năm với điều kiện thuận lợi, thông tin từ báo cáo phân tích của SSI.

Tính chung nửa đầu năm nay, chi phí dành cho quảng cáo và khuyến mại của Sabeco khoảng 1.031 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ.

Nhờ kiểm soát chặt chẽ khoản chi phí, công ty báo lãi sau thuế 2.343 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng 6% so với cùng kỳ và đã thực hiện được 51% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

 Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ BCTC.

 Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ BCTC.

Đối với Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco – Mã: BHN), trong quý II công ty ghi nhận 2.306 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 11% so với cùng kỳ. Song, trước áp lực gia tăng của các khoản chi phí hoạt động, lãi sau thuế của Habeco giảm 9% xuống 172 tỷ đồng.

Khoản chi phí lớn nhất mà Habeco đang phải gánh là chi phí quảng cáo, khuyến mại với 165 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ. Tính chung trong 6 tháng, công ty phải chi ra hơn 270 tỷ đồng cho khoản mục này.

Kết thúc nửa đầu năm, doanh nghiệp bia đến từ Hà Nội báo lãi sau thuế 151 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ. So sánh với kế hoạch đặt ra, công ty đã thực hiện được 75% mục tiêu lợi nhuận.

Khó khăn bủa vây ngành bia

Theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), từ năm 2020 tới nay, ngành đồ uống rượu, bia, nước giải khát đã liên tục chịu tác động tiêu cực như dịch bệnh, các chính sách hạn chế đồ uống có cồn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Bên cạnh đó, ngành đồ uống có cồn còn không thuộc đối tượng giảm thuế VAT nên không được hỗ trợ mà chịu nhiều hạn chế từ 4 Luật lớn: Luật phòng chống tác hại rượu bia, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thương mại, Luật quảng cáo, thương mại điện tử, bảo vệ môi trường.

Mới đây, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về đề xuất tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm rượu, bia, theo đó các mặt hàng này sẽ phải chịu mức thuế suất cao, dự kiến sẽ tăng liên tục bắt đầu từ năm 2026 đến năm 2030, từ mức 65% lên đến 100%.

 Ngành bia đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. (Ảnh minh hoạ: Lâm Anh).

Trước những khó khăn trên, ngành bia đã bị sụt giảm mạnh về sản lượng. Chỉ số tồn kho toàn ngành đồ uống năm 2023 ước tính tăng 120% so với năm 2022. Tính trong quý II/2024, chỉ số tăng gần 129% so với cùng kỳ.

Theo VBA, Sabeco hiện có 26 nhà máy ở 20 tỉnh thành ở Việt Nam, từ năm 2021 tới nay tăng trưởng của doanh nghiệp đều tăng trưởng âm so với năm 2019 cả về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận. Các nhà máy sản xuất gia công trong hệ thống kiệt quệ bởi giá đầu vào tăng 20 - 40%, trong khi giá bán không thể tăng.

Tương tự, sản lượng tiêu thụ Habeco trong năm 2023 giảm khoảng 30% so với năm 2019, ngân sách giảm 10% và phải cắt giảm 25% lao động.

Động lực nào thúc đẩy ngành bia?

Trong cuộc họp với nhà đầu tư quý I, lãnh đạo Sabeco cũng cho rằng công ty sẽ duy trì đà phục hồi trong năm 2024 nhờ kết quả kinh doanh tích cực qua các tháng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp bia này cũng duy trì quan điểm lạc quan đối với mức tiêu thụ bia dài hạn của Việt Nam.

Sabeco dự kiến duy trì biên lợi nhuận gộp trong nửa cuối năm bằng với mức trong nửa đầu năm. Bất chấp những thách thức do chi phí nguyên liệu đầu vào được phòng hộ rủi ro quá mức trong năm 2024, công ty có kế hoạch giảm thiểu các tác động thông qua việc cải thiện tiêu chuẩn sản xuất và giảm thiểu lãng phí.

Đối với năm 2025, Sabeco kỳ vọng chi phí đầu vào sẽ trở về mức bình thường khi chi phí cao hơn từ năm 2024 đã được hấp thụ hoàn toàn. Việc chi phí đầu vào trở về mức bình thường được kỳ vọng sẽ bắt đầu tác động tích cực lên biên lợi nhuận gộp từ năm 2025, tạo ra môi trường chi phí thuận lợi hơn cho công ty.

Còn với Habeco, kế hoạch trong năm 2024 của công ty là gia tăng thị phần ở phía Bắc, tiếp tục phát triển và mở rộng thị trường tại miền Trung và miền Nam. Đồng thời, gia tăng giá trị thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm và dịch vụ của Habeco đến người tiêu dùng. Trong đó, phấn đấu doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính tăng trưởng 5% so với cùng kỳ.

Lâm Anh

Thống đốc NHNN giải thích lý do không thể đồng thời mở rộng chính sách tiền tệ và tài khoá
Theo Thống đốc do tình hình kinh tế khó lường, không thể có chính sách tiền tệ và tài khóa đồng thời mở rộng, NHNN đã chọn phương án phù hợp để kiểm soát lạm phát, giảm lãi suất, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ.