|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Grab thâu tóm Uber: Lo ngại độc quyền và cuộc đổ bộ của Go-Jek

16:06 | 06/04/2018
Chia sẻ
Quá trình kiểm soát của cơ quan quản lý có thể làm phức tạp thêm thương vụ thâu tóm Uber của Grab tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, chính quyền các nước khó có thể ngăn Uber rút khỏi thị trường này, giới luật sư và phân tích cho biết.
grab thau tom uber lo ngai doc quyen va cuoc do bo cua go jek Go-Jek đầu tư vào Việt Nam, nỗi lo không chỉ cho Grab
grab thau tom uber lo ngai doc quyen va cuoc do bo cua go jek Grab khẳng định không trả nợ hơn 53 tỷ đồng tiền thuế thay Uber

Lo ngại Grab độc quyền

Vài ngày sau khi thương vụ Grab mua lại Uber được công bố, các cơ quan chống độc quyền tại Singapore và Philippines bắt đầu xem xét lại thương vụ này, Malaysia cho biết cũng sẽ làm điều tương tự.

Các luật sư chống độc quyền cho biết Grab có thể ra sức “xoa dịu” cơ quan quản lý bằng các đề xuất nhượng bộ như giới hạn giá và tự trói mình vào quy định chặt chẽ hơn. Hãng cũng có thể viện lý do rằng khách hàng vẫn có thể lựa chọn nhiều dịch vụ gọi xe khác.

“Thay vì từ bỏ thương vụ này, đặc biệt trong bối cảnh nhiều đối thủ mới đang tham gia thị trường, tôi tin rằng với biện pháp phòng vệ đúng đắn, những cam kết đúng đắn, thương vụ này vẫn có thể được thông qua”, ông Gerald Singham từ hãng luật Dentons Rodyk (Singapore) cho biết.

Theo các chuyên gia, nếu thỏa thuận này bất thành, Uber có thể rời khỏi Singapore và cho Grab cơ hội chiếm lĩnh thị trường này.

Uber hiện đã bắt đầu thu hẹp hoạt động tại thị trường Đông Nam Á, đồng thời yêu cầu khách hàng và tài xế chuyển sang dịch vụ của Grab. 500 nhân viên Uber cũng sẽ “dọn nhà” sang Grab.

Số liệu thị phần trong lĩnh vực dịch vụ gọi xe hiện rất chắp vá, nhưng hãng phân tích dữ liệu di động App Annie xếp hạng Grab cao hơn Uber tại tất cả các nền kinh tế lớn tại khu vực Đông Nam Á theo số người dùng mỗi tháng. Chỉ riêng tại thị trường Indonesia, Go-Jek xếp trên cả Grab và Uber.

“Vấn đề chống độc quyền ở đây là, bằng cách nào ta có thể giảm thiểu tình trạng độc quyền vốn tạo ưu thế định giá và gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Nhưng thực tế thì người tiêu dùng có các lựa chọn khác với các hãng taxi hiện hành ở mọi thị trường”, Reuters dẫn một nguồn tin thân cận với thương vụ của Grab cho biết.

Uber đang bán lại hoạt động của hãng tại khu vực Đông Nam Á cho Grab sau cuộc chiến kéo dài 5 năm khiến Uber thiệt hại 700 triệu USD. Đổi lại, Uber sẽ nhận được 27,5% cổ phần tại Grab, tương đương khoảng 6 tỷ USD.

Trao đổi với Reuters hồi tuần trước, ông Ming Maa, Chủ tịch Grab, cho biết cả người dùng và tài xế vẫn còn nhiều lựa chọn khác, từ taxi truyền thống đến các phương tiện vận tải công cộng.

grab thau tom uber lo ngai doc quyen va cuoc do bo cua go jek
Một nhà chờ xe Grab bên cạnh văn phòng hãng Uber tại Penang, Malaysia. Nguồn: Edgar Su/Reuters.

Cuộc ‘đổ bộ’ của Go-Jek

Tờ Straits Times tuần qua đưa tin, Go-Jek dự kiến sẽ sớm tham gia thị trường Singapore. Đây sẽ là đợt bành trướng ra khỏi Indonesia lần đầu tiên của dịch vụ gọi xe này.

Theo bà Kala Anandarajah, người đứng đầu mảng cạnh tranh và chống độc quyền tại hãng luật Rajah & Tann Singapore, dù các rào cản để gia nhập thị trường dịch vụ gọi xe khá thấp tại Singapore và Đông Nam Á, các dịch vụ mới vẫn phải có màn ra mắt đủ hoành tráng để cạnh tranh hiệu quả với Grab-Uber.

Cơ quan chống độc quyền Singapore cho biết sẽ xem Go-Jek và các hãng taxi như ComfortDelgro là một phần của thị trường khi cơ quan này xem xét tính cạnh tranh trong quá trình điều tra thương vụ Grab thâu tóm Uber.

Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Singapore (CCCS) yêu cầu Grab và Uber giữ nguyên hệ thống định giá độc lập như trước đây và không chia sẻ bất kỳ dữ liệu mật nào. Tuần qua, Grab đã trình các đề xuất bằng văn bản liên quan đến thương vụ thâu tóm Uber lên CCCS.

Uber từ chối đưa ra bình luận, trong khi Grab lặp lại tuyên bố trước đó rằng thương vụ này không làm giảm cạnh tranh và sẽ có lợi cho cả hành khách và tài xế.

Trường Giang