|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Gọi vốn bất thành trên Shark Tank Việt Nam, nữ doanh nhân đấu giá đặt mục tiêu tăng doanh thu 10 lần

16:26 | 29/10/2019
Chia sẻ
Thất bại trong việc kêu gọi các nhà đầu tư Shark Tank Việt Nam rót vốn, người đồng sáng lập startup đấu giá vẫn đặt mục tiêu tăng doanh thu gấp 10 lần trong 3 năm tới.

Xuất hiện trong chương trình Shark Tank Việt Nam vào tối 23/10, Đỗ Thị Hồng Hạnh – người sáng lập Công ty Đấu giá Hợp doanh Lạc Việt - kêu gọi 1 triệu USD cho 20% cổ phần công ty. 

Nhà sáng lập cho biết, tổng giá trị giao dịch của Lạc Việt đạt 3.000 tỉ đồng/năm. Do sự  khống chế của Luật đấu giá nên doanh thu năm 2018 chỉ ở mức 6 tỉ đồng, lợi nhuận 20%. 

Năm 2015 – 2016, công ty tổ chức đấu giá cho các tài sản tư nhân ở khách sạn 5 sao với chi phí 300 – 500 triệu/phiên. Tuy nhiên, hình thức truyền thống này không hiệu quả về mặt chi phí nên đến năm 2018, doanh nghiệp dừng lại và chuyển sang đấu giá trực tuyến.

Hong Hanh

Đỗ Thị Hồng Hạnh – người sáng lập Công ty Đấu giá Hợp doanh Lạc Việt - thuyết trình trong chương trình Shark Tank Việt Nam vào tối 23/10. Ảnh: Shark Tank Việt Nam

"Ưu điểm của đấu giá trực tuyến so với offline là người tham gia đấu giá không bao giờ phải xuất hiện trong phiên đấu giá. Họ có thể ngồi một chỗ trả giá và tất cả việc đăng ký, nhập rồi trả giá đều được công khai minh bạch trên hệ thống mạng", Hạnh nhấn mạnh.

Đang đảm nhận vai trò Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thẩm định giá Thế kỷ (CENVALUE), ông Phạm Thanh Hưng nhanh chóng lên tiếng rút lui khỏi thương vụ vì không được quyền đầu tư vào hoạt động đấu giá. 

"Quy mô doanh nghiệp năm 2018 tầm 3.000 tỉ đồng nhưng doanh số chỉ tầm 6 tỉ đồng. Bạn đã làm 8 năm rồi mà mới tổ chức 100 phiên/ năm, mỗi lần tổ chức mất cả trăm triệu. Tôi cảm giác càng đấu giá càng lỗ. Quy mô thị trường bé mặc dù có rất nhiều tài sản đang cần đấu giá ở ngoài kia", ông Dũng nhận xét.

Không đúng sở trường, lần lượt các "cá mập" còn lại cũng đưa ra lời từ chối đầu tư.

Phát biểu sau chương trình, chị Hạnh thừa nhận đấu giá trực tuyến là ngành quá mới mẻ ở Việt Nam nên hoạt động kinh doanh của chị rất khó khăn. Ngành đấu giá cũng rất hẹp nên chỉ những người trong nghề hoặc hay tham gia đấu giá mới hiểu.

"Ngay cả một doanh nhân như shark Liên mà còn chưa từng tham dự một phiên đấu giá trực tiếp, chứ chưa nói gì tới đấu giá online", chị Hạnh phát biểu.

Công ty hợp danh khó thu hút vốn đầu tư 

Loại hình công ty hợp danh cũng là một trở ngại đối với hoạt động gọi vốn. Vì thế, ông Nguyễn Mạnh Dũng và ông Nguyễn Thanh Việt thắc mắc về cơ cấu sở hữu và mô hình của công ty.

"Các nhà đầu tư thường đầu tư vào công ty cổ phần, hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn, do Sở Kế hoạch đầu tư quản lí", ông Nguyễn Mạnh Dũng chia sẻ.

Giải đáp thắc mắc, bà Hạnh cho biết các nhà đầu tư có thể rót vốn vào một nhóm công ty, chứ không chỉ đầu tư cho công ty hợp danh Lạc Việt.

Cụ thể hơn, các "cá mập" sẽ đầu tư vào công ty Cổ phần trực tuyến Lạc Việt. Công ty này sẽ có hợp đồng liên kết với công ty hợp danh Lạc Việt và công ty IERP để tạo thành những hợp đồng liên kết.

Lí lẽ của bà Hạnh không thể thuyết phục các nhà đầu tư. Trong số những lí do mà các "cá mập" đưa ra, ngoài việc phức tạp của cách rót vốn còn có sự băn khoăn về mô hình công ty hợp danh.

Việc đầu tư vào công ty hợp danh khiến người rót vốn đối mặt vài rủi ro nhất định. Trong trường hợp các "cá mập" trở thành thành viên hợp danh, họ sẽ phải chịu trách nhiệm tới cùng về hoạt động kinh doanh và thậm chí có thể mất thêm nhiều hơn số tiền đầu tư ban đầu nếu như công ty hoạt động thua lỗ.

Ngược lại, nếu chỉ tham gia dưới tư cách thành viên góp vốn, các nhà đầu tư sẽ không có quyền can thiệp vào việc các thành viên hợp danh sử dụng danh nghĩa công ty đi kí kết  hợp đồng. Do đó, hình thức này cũng rất mạo hiểm.

Việc bà Hạnh mời chào các shark đầu tư vào công ty cổ phần trực tuyến Lạc Việt, rồi sau đó tạo các hợp đồng liên kết gần như là con đường khả thi duy nhất. Tuy nhiên, việc đầu tư gián tiếp và sở hữu chồng chéo khiến các nhà đầu tư lo ngại.

Mục tiêu tăng doanh thu gấp 10 lần trong 3 năm

Hiểu tình cảnh ấy nên Hồng Hạnh không thấy buồn khi cả 5 nhà đầu tư không rót vốn. 

"Chúng tôi sẽ tiếp tục hành trình. Shark Tank Việt Nam là cơ hội đối với chúng tôi, chứ không phải nơi chúng tôi mong lấy tiền. Thông qua chương trình, chúng tôi muốn nhiều người biết đến đấu giá hơn", chị Hạnh khẳng định.

Nữ doanh nhân nhắc lại rằng chương trình Shark Tank Việt Nam có hiệu ứng lan tỏa mạnh hơn quảng cáo và những công nghệ quảng bá khác.

"Số lượng người xem Shark Tank Việt Nam rất lớn. Tuy tôi không nhận được vốn đầu tư, song chương trình góp phần quảng bá cho ngành, nghề và công ty. Những khách hàng hiện tại và tương lai của công ty sẽ hiểu tầm nhìn của chúng tôi", chị bình luận.

Mục tiêu của Hồng Hạnh là tăng gấp 10 lần doanh thu trong 3 năm tới, tương đương 60 tỉ đồng mỗi năm. Công ty sẽ phải mở rất nhiều chi nhánh và văn phòng đại diện ở các tỉnh, thành phố.

"Hệ thống đấu giá trực tuyến sẽ hỗ trợ hoạt động đấu giá truyền thống, giúp chúng tôi thu hút thêm số người gửi tài sản của để chúng tôi bán hộ", chị Hạnh thổ lộ.

Nhạc Phong