|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Giấc mơ tậu nhà và mua xe quá xa vời, giới trẻ Hàn Quốc chi tiêu không cần tiết kiệm, vung tiền chỉ để xả stress

07:45 | 22/10/2021
Chia sẻ
Đối với người trẻ Hàn Quốc, khoản chi tiêu này không cần thiết nhưng có thể giúp họ vượt qua một ngày tồi tệ.

Khoản chi vô thưởng vô phạt giúp giảm stress

Năm 2017, giới trẻ trên toàn thế giới đã lên tiếng phản ứng trước hành động của một triệu phú người Australia khi ông này quở trách họ "tiêu 40 USD/ngày (hơn 900.000 đồng) để ăn bơ nghiền và uống cà phê" trong khi vẫn ôm mộng mua nhà.

Nhưng ở Hàn Quốc, một thế hệ người trẻ tuổi lại coi việc chi tiêu phù phiếm, như đi taxi hay thưởng thức một bữa ăn sushi đắt đỏ, như là một cách để vượt qua khỏi những áp lực tâm lý, còn được biết đến với tên gọi "shibal biyong".

Chi tiêu không cần biết tới ngày mai, người trẻ Hàn Quốc có thể bỏ ra gần 100 USD chỉ để xả stress - Ảnh 1.

Hình minh họa: Misang/Foreign Policy.

Theo tờ Foreign Policy, thuật ngữ này tạm dịch là "chi tiêu mặc kệ đời", đây là từ ghép giữa "shibal" (một từ chửi thề thể hiện sự tức giận) và "biyong" (chi tiêu). "Shibal biyong" xuất hiện lần đầu trên Twitter vào cuối năm 2016 thể hiện ý nghĩa rằng "khoản chi tiêu đáng nhẽ không nên có nếu như tôi không bị stress".

Một shibal biyong là khoản chi tiêu không cần thiết nhưng có thể giúp bạn vượt qua một ngày tồi tệ. Đó có thể là khoản chi 20 USD (khoảng 450.000 đồng) cho một chuyến taxi đi về nhà thay vì ngồi tàu điện ngầm sau khi bạn không được thăng chức hay một bữa ăn sushi đắt tiền sau khi bị sếp quở trách.

Thuật ngữ này ám chỉ bạn có thể tự làm bản thân vui vẻ khi các mục tiêu dài hạn quá xa vời, hay những khi đang thất vọng. Mua chiếc áo khoác đẹp đó, vì bạn sẽ không bao giờ mua được nhà. Ăn bữa bít tết đó, vì bạn sẽ không bao giờ tiết kiệm đủ để nghỉ hưu.

Theo một cuộc khảo sát thực hiện năm 2017, số tiền lớn nhất mà một người Hàn Quốc thường bỏ ra cho một khoản chi shibal biyong là 90 USD (khoảng 2 triệu đồng). Tỷ lệ tăng trong chi tiêu của nhóm người thuộc thế hệ Millennial (những người sinh ra trong giai đoạn 1980 - 1995) gấp hai lần so với thế hệ Baby Boomer (những người sinh trong giai đoạn từ 1950 - 1969).

Nếu như những người thuộc thế hệ Millennial tại Hàn Quốc đang bị coi là phung phí tiền bạc, không phải do họ không nhận thức rõ thực tế. Ngược lại, đối với nhiều người trong số đó, tiêu dùng ngắn hạn trở thành một sự lựa chọn hợp lý nhằm tối đa hóa tiện ích của đồng tiền dựa trên đánh giá thực tế về tương lai.

Bất bình đẳng thu nhập - nguồn cơn của sự thay đổi nhận thức trong chi tiêu

Shibal biyong ra đời cùng lúc với các thuật ngữ như "geumsujeo" (ngậm thìa vàng) và "hell Joseon" (Hàn Quốc địa ngục), đều thể hiện sự bất mãn của một bộ phận người Hàn Quốc khi cuộc sống hiện tại của họ quá bất công, mệt mỏi vì dường như xã hội chỉ đem lại lợi ích cho người giàu.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Hàn Quốc, năm 2015, cứ 10 người trẻ tuổi thì có đến 7 người tin rằng sự bất bình đẳng là một vấn đề nghiêm trọng của xã hội. Trong các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc đứng thứ 31 trên tổng số 36 quốc gia về sự bất bình đẳng thu nhập.

Năm 2018, tình trạng thất nghiệp ở người trẻ chạm mốc cao nhất kể từ năm 1999, sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. 

Một phần nguyên nhân dẫn tới các vấn đề này xuất phát từ những tập đoàn gia đình tài phiệt Chaebol của Hàn Quốc, nhóm người thâu tóm phần lớn nền kinh tế quốc gia và kìm hãm các doanh nghiệp nhỏ hơn. Điều này khiến giới trẻ Hàn Quốc phải nỗ lực cạnh tranh để tham gia thị trường việc làm, vốn bị phân cấp và chuyên quyền bởi các đế chế Chaebol.

Chi tiêu không cần biết tới ngày mai, người trẻ Hàn Quốc có thể bỏ ra gần 100 USD chỉ để xả stress - Ảnh 2.

Người mua hàng trên phố tại quận Myeongdong, Seoul. (Ảnh: Foreign Policy).

Bên cạnh đó, trong một cuộc khảo sát năm 2018 của Viện Chính sách Thanh niên Quốc gia (Hàn Quốc), 46% người trẻ nước này tin rằng việc mua ngôi nhà sẽ phải mất tới "hơn 20 năm nữa" hoặc "không bao giờ sở hữu được".

Tại khu vực đô thị Seoul, nơi gần một nửa dân số sinh sống, giá nhà tại đây đã cao ngang ngửa giá nhà tại thành phố New York xa hoa ở Mỹ, trong khi lương trung bình của hai nước hoàn toàn chênh lệch.

Nhiều người trẻ thuộc thế hệ Millennial cũng bắt đầu không lựa chọn các phương án đầu tư truyền thống, như trái phiếu, cổ tức, vì họ nghĩ họ không thể tiết kiệm đủ hoặc tiền lãi cũng không là gì so với giá cả tăng nhanh một cách chóng mặt trong xã hội.

Ngoài ra, sự bất bình đẳng thu nhập và nỗi tuyệt vọng về kinh tế đã tác động rất lớn đến sức khỏe thần kinh người Hàn Quốc. Gần một nửa số vụ tử vong trong độ tuổi 20 của nước này là do tự tử, trong khi đối với Mỹ chỉ bằng 1/5. Tỷ lệ tự tử ở Hàn Quốc cũng nằm ở vị trí cao nhất trong số các nước thành viên OECD trong giai đoạn 2003 - 2016.

"Shibal biyong và tangjinjaem (niềm vui hoang phí) là ví dụ chi tiêu cá nhân điển hình phản ánh các vấn đề xã hội. Trái với trước kia, khi tiết kiệm không thể đảm bảo một tương lai, ý tưởng đầu tư cho hiện tại thay vì tương lai là một sự lựa chọn phổ biến hơn”, ông Alex Taek-Gwang Lee, Giáo sư tại Đại học Kyung Hee (Seoul), nhận định.

Mạng xã hội cũng là một yếu tố góp phần tạo nên làn sóng shibal biyong ở Hàn Quốc. Phần lớn người trẻ nước này sử dụng các nền tảng xã hội như Instagram, Facebook và KakaoTalk, nơi hoạt động chi tiêu hoang phí và chi tiêu "mặc kệ đời" được ủng hộ của xã hội.

Tờ Foreign Policy cho rằng, các nhà hoạch định chính sách cần phải nghiêm túc xem xét và giải quyết nỗi lo của thế hệ Millennial thay vì chỉ coi đó là thói tự mãn. 

Năm 2018, Ngân hàng Hàn Quốc báo cáo trong số nhóm người độ tuổi lao động, những người trong độ tuổi 20 bị đánh giá điểm thấp nhất về "thái độ và hành vi tài chính", mặc dù họ có trình độ cao nhất về kiến thức tài chính. 

Ngân hàng đã đề xuất chính phủ nên áp dụng các chính sách nhằm "nuôi dưỡng những giá trị đích thực khi giới trẻ ngày nay quá tập trung vào việc hưởng thụ".

Tường Vy