|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tăng trưởng thương mại điện tử Việt Nam không cao như kì vọng

10:52 | 12/11/2020
Chia sẻ
Báo cáo của Temasek cho thấy tốc độ tăng trưởng ngành thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam ở mức 16%. Tuy nhiên con số thực tiễn sẽ được công bố vào đầu năm 2021.

Theo báo cáo của Niesel Việt Nam, COVID-19 khiến người tiêu dùng mua sắm online nhiều hơn 25%. Nhiều mặt hàng trước đây vốn không thường được giao dịch trực tuyến nhưng hiện tại lại rất đắt hàng.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp và Chuyển đổi số Việt Nam 2020 với chủ đề "Thoát hiểm và bứt tốc sau COVID-19" hôm 11/11, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, nhận định rằng với dữ liệu mà Niesel đưa ra như trên cho thấy lòng tin của người tiêu dùng với mua hàng online ngày được cải thiện.

Sách Trắng TMĐT Việt Nam 2020 cho biết qui mô tăng trưởng TMĐT giai đoạn 2015 – 2019 trung bình tăng 30%/năm. 

Tăng trưởng TMĐT 2020 đạt 16%, giảm đi so với năm 2019 - Ảnh 1.

Qui mô thị trường TMĐT B2C Việt Nam giai đoạn 2015 - 2019. Nguồn: Sách trắng TMĐT Việt Nam 2019

Với mức tăng trưởng trong quá khứ cùng với động lực từ COVID-19, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số kì vọng rằng con số này sẽ tăng trưởng khá cao trong năm 2020. Tuy nhiên số liệu thực tế Cục thu thập được lại cho thấy điều ngược lại. Tại buổi diễn đàn, ông Hải tiết lộ tăng trưởng TMĐT 2020 của nước ta sẽ giảm so với năm ngoái.

"Một số mảng đã bị sụt giảm nghiêm trọng trong thời kì COVID-19, chẳng hạn như dịch vụ du lịch, hàng không và các dịch vụ liên quan", ông Hải chia sẻ.

Tuy con số chính xác của Cục vẫn còn là "một ẩn số" nhưng theo dữ liệu chính thức mới công bố từ Temasek, một cơ quan thuộc bộ phận đầu tư của chính phủ Singapore, cho thấy tại khu vực Đông Nam Á, chỉ có hai quốc gia, trong đó có Việt Nam (tăng 16% lên 14 tỉ USD) tăng trưởng TMĐT 2020 đạt hai chữ số. 

Số liệu gần với thực tiễn hơn từ Cục sẽ công bố trong Sách Trắng phát hành vào đầu năm 2021.

Đối với doanh nghiệp, COVID-19 khiến cho tỉ lệ làm việc trực tuyến làm việc online 67%. Rất nhiều doanh nghiệp nhận ra rằng làm việc online không khó khăn mà tiết kiệm nhiều chi phí. Cục đánh giá đây là một tín hiệu tích cực.

Tăng trưởng TMĐT 2020 đạt 16%, giảm đi so với năm 2019 - Ảnh 2.

COVID-19 khiến cho tỉ lệ làm việc online tăng. Nguồn: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số.

"Nhiều quan điểm cho rằng kinh tế toàn cầu đi xuống trong đó ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế Việt Nam, tuy nhiên phần lớn doanh nghiệp rất lạc quan sau COVID-19. Các doanh nghiệp TMĐT tin rằng số người tham gia mua sắm trực tuyến tăng lên rất nhiều, do đó giá trị giao dịch online cũng tăng lên", ông Hải cho biết.

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng doanh thu TMĐT chỉ tăng chủ yếu ở các mặt hàng nhu yếu phẩm. Doanh thu từ nhiều mặt hàng khác sụt giảm do ảnh hưởng bởi kinh tế suy thoái, người tiêu dùng mua sắm ít hơn.

Tăng trưởng TMĐT 2020 đạt 16%, giảm đi so với năm 2019 - Ảnh 3.

Tác động của COVID-19 đến nhóm doanh nghiệp cung cấp giải pháp và công nghệ. Nguồn: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số.

Ngoài ra, chỉ có 29% số doanh nghiệp giải pháp và công nghệ tăng trưởng về số lượng khách. Lượng khách hàng của phần còn lại đều có xu hướng giảm. Ông Hải cho rằng sẽ không dễ để doanh nghiệp khách hàng tiếp cận tới giải pháp công nghệ.

"Các doanh nghiệp sử dụng một thứ mà mình không hiểu có thể bị lệ thuộc vào nó hoặc rủi ro từ nó. Đây là một vấn đề cần phải suy nghĩ và khắc phục nếu các doanh nghiệp muốn đẩy nhanh chuyển đổi số", ông Hải nhấn mạnh.

Đối với nhóm doanh nghiệp kinh doanh trên sàn TMĐT trong giai đoạn dịch COVID-19, dữ liệu của Cục cho thấy nhóm doanh nghiệp có tỉ lệ tăng trưởng đơn hàng phát sinh trên sàn so với giai đoạn tháng 2-4/2019 chỉ là 20%.

Tăng trưởng TMĐT 2020 đạt 16%, giảm đi so với năm 2019 - Ảnh 4.

Tác động của COVID-19 đến nhóm doanh nghiệp kinh doanh sàn TMĐT. Nguồn: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số.

Tuy nhiên, ông Hải cho rằng nhìn chung tất cả doanh nghiệp đều lạc quan sau COVID-19, tạo ra sự gia tăng về lượng người mua sắm trực tuyến và người tiêu dùng sẵn sàng mua sắm đồ có giá trị lớn.

Tường Vy