Giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng hơn 17% lên 3,2 tỉ USD
Ba thị trường nhập khẩu chính của nhóm mặt hàng này trong 9 tháng đầu năm là Argentina, Mỹ, và Brazil, chiếm thị phần lần lượt là 30,9%; 17,3% và 13,4%.
Các thị trường có giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng mạnh so với cùng kì năm 2017 là Brazil (gấp 3,7 lần), Mỹ (gấp 2,7 lần) và Trung Quốc (tăng 49,7%). Ngược lại, thị trường có giá trị nhập khẩu mặt hàng này giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm so với cùng kì năm ngoái là Italy (giảm 30,1%) và Argentina (giảm 24,9%).
Nhập khẩu một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong 10 tháng đầu năm cũng tăng so với cùng kì năm ngoái.
Cụ thể, Bộ NN&PTNT ước tính đậu nành nhập khẩu trong tháng 10 đạt 51.000 tấn với giá trị 22 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị đậu nành nhập khẩu trong 10 tháng đầu năm đạt 1,38 triệu tấn và 597 triệu USD, tương đương năm 2017 về khối lượng và tăng 1,1% về giá trị so với cùng kì năm ngoái.
Ảnh minh họa. |
Với cuộc chiến thuế quan đang diễn ra giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, khối lượng lớn đậu nành giá rẻ của Mỹ đang tìm kiếm thị trường mới thay thế Trung Quốc. Và có khả năng thị trường Việt Nam sẽ là điểm đến đầy triển vọng cho đậu nành Mỹ.
Hôm 30/10, hãng Bloomberg đưa tin, một con tàu chở đậu nành Mỹ đã thay đổi hướng đi từ Trung Quốc sang Việt Nam vào thứ Bảy (27/10). Theo đó, tàu chở hàng lớn Audacity đã rời cảng Pier 86 của công ty Louis Dreyfus tại Seattle, Mỹ vào ngày 21/10 để tới Thanh Đảo, Trung Quốc với 69.244 tấn đậu nành. Tuy nhiên, sau 6 ngày khởi hành, con tàu đã thay đổi lộ trình để tới cảng Phú Mỹ.
Dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, nhập khẩu đậu nành Mỹ của Việt Nam đã tăng 93% trong năm nay.
Còn khối lượng ngô nhập khẩu trong tháng 10 đạt 983.000 tấn với giá trị đạt 211 triệu USD, đưa tổng khối lượng nhập khẩu 10 tháng đầu năm tăng 28,2% so với cùng kì năm ngoái lên 8,27 triệu tấn và giá trị nhập khẩu 35,9% lên 1,72 tỉ USD.
Argentina và Brazil là hai thị trường nhập khẩu ngô chính trong 9 tháng đầu năm, chiếm thị phần lần lượt là 48,2% và 13,9% tổng giá trị nhập khẩu của mặt hàng này. Trong khi đó, thị trường có giá trị nhập khẩu tăng mạnh nhất trong 9 tháng đầu năm là Ấn Độ (gấp 19,6 lần) và Argentina (tăng 18,8%). Thị trường có giá trị nhập khẩu mặt hàng ngô giảm mạnh nhất trong 9 tháng đầu năm là Campuchia với mức giảm là 89,4% so với cùng kì năm 2017.