|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá đường đầu tháng 1 lên mức cao nhất trong hơn 3 năm

11:21 | 22/01/2021
Chia sẻ
Cả giá đường thế giới và trong nước đồng loạt tăng giá trong nửa đầu tháng 1. Đặc biệt, ngày 14/1 giá đường thế giới đã đạt mức cao nhất trong 3 năm rưỡi qua.

Báo cáo sản xuất mía - đường kỳ 1 tháng 1/2021 của Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) dẫn thông tin từ tổ chức ISO cho biết trong nửa đầu tháng 1/2021 chỉ số giá giao dịch hàng hóa đường thô và đường trắng tiếp tục dao động theo xu hướng tăng của các tháng gần đây và ngày 14/1 đã đạt mức cao nhất trong 3 năm rưỡi qua.

Nhận định của các nhà phân tích thị trường cho rằng xu hướng tăng giá do tác động của đồng USD suy yếu dẫn đến trạng thái tăng mua khống của các quỹ đầu cơ, bất chấp các yếu tố tích cực về nguồn cung đường là thời tiết đang thuận lợi tại các vùng trồng mía đường của Brazil, sản lượng đường tăng và xuất khẩu tăng tại Ấn Độ.

Giá đường đầu tháng 1 lên mức cao nhất trong hơn 3 năm  - Ảnh 1.

Giá đường thô và đường trăng trong nửa đầu tháng 1/2021. (Nguồn: ISO. VSSA)

Tại thị trường Việt Nam, tính đến ngày 15/1 đã có thêm một số nhà máy của ngành đường Việt Nam vào vụ ép 2020/21. Lũy kế tổng lượng mía ép 752.992 tấn sản xuất được 67.517 tấn đường.

Trong nửa đầu tháng 1/2021 lần đầu tiên trong nhiều những năm gần đây đường có nguồn gốc nhập khẩu bao gồm nhập chính ngạch và nhập lậu đã bị hụt nguồn cung và không còn khả năng làm chủ thị trường. 

Nguồn cung thiếu hụt do khủng hoảng logistic toàn cầu và mức độ kiểm soát đường biên giới gia tăng để phòng chống dịch bệnh COVID-19 khiến chuỗi cung ứng đường nhập khẩu bị gián đoạn tạm thời. 

Giá thị trường vào đầu tháng tiếp tục đà tăng của tháng 12/2020 do không còn bị áp lực ép giá, kìm giá của của các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu. Giá đường sản xuất từ mía trong nước tùy phẩm cấp đường (chất lượng và cỡ hạt) giá (có VAT, đ/kg) dao động ở mức như sau:

Giá đường đầu tháng 1 lên mức cao nhất trong hơn 3 năm  - Ảnh 2.

Diễn biến giá đường trong nước nửa đầu tháng 1/2021. (Nguồn: VSSA)

Tuy nhiên, các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu như nhập khẩu chính ngạch hoặc nhập lậu qua biên giới không còn làm chủ thị trường nhưng vẫn tồn kho một lượng khá lớn do đã nhập khẩu những tháng trước đây, cộng với đường sản xuất từ mía trong nước bắt đầu xuất hiện do vụ ép đã bắt đầu. 

Theo VSSA nguồn cung đường đang đủ cung ứng cho nhu cầu thị trường và giá đường trong nước khi áp lực ép giá bởi khối đường nhập khẩu được dỡ bỏ có xu hướng tăng. 

"Ngay lập tức nhiều nhà máy đường đã công bố điều chỉnh tăng giá mua mía. Bà con nông dân trồng mía nhiều địa phương đang rất phấn khởi vì giá mua mía miền nam và miền trung đã tăng đến mức bình quân 950.000 đồng/tấn tại ruộng, tại miền bắc bình quân 900.000 đồng/tấn tại ruộng", VSSA cho hay.

Vụ mía 2020-2021 của ngành đường Việt Nam đã bắt đầu cộng với lượng đường nhập khẩu kỷ lục trong quý IV/2020, như vậy các nguồn cung vẫn dồi dào, do đó không có hiện tượng thiếu hụt đường trong tháng 1/2021 và các tháng tới tại thị trường trong nước.

Tuy nhiên, giá đường trong nước sẽ thiết lập mặt bằng mới phụ thuộc vào diễn biến áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường xuất xứ từ Thái Lan trong thời gian tới và khả năng kiểm soát đường nhập lậu cũng như gian lận thương mại đường nhập lậu.

Như Huỳnh