VSSA: Giá đường tiếp tục bị ép giá vì đường nhập khẩu và đường lậu
Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết do diễn biến thời tiết không thuận lợi, mưa đến muộn trong vụ trồng và chăm sóc mía 2019/2020 tại hầu hết các vùng nguyên liệu của ngành đường Việt Nam nên cây mía phát triển chậm hơn mọi năm, dẫn đến việc thu hoạch cho chế biến bị chậm lại
Trong tháng 11, mới chỉ có duy nhất nhà máy đường Phụng Hiệp thuộc công ty mía đường Cần Thơ đã tiếp nhận mía và bắt đầu ép vào ngày 6/11. Đây là nhà máy mía đầu tiên của ngành mía đường Việt Nam vào vụ ép 202020/21.
Lũy kế đến cuối tháng nhà máy mới ép được 36.000 tấn mía, sản xuất được gần 2.400 tấn đường.
Cũng theo VSSA trong nửa đầu tháng 11/2020 đường nhập khẩu tiếp tục thâm nhập thị trường. Từ cuối tháng 10/2020, đã có tình trạng bùng nổ trong nhập khẩu đường có xuất xứ ASEAN (Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Myanmar, Campuchia) vào thị trường Việt Nam và khối lượng đường nhập khẩu kỉ lục đã tiếp tục ép giá, kìm giá đường nội địa.
Đến nửa sau tháng 11/2020, giá đường bắt đầu nhích lên do nguồn cung đường Thái Lan đã cạn dần và giá tăng theo giá thế giới. Tuy nhiên đến cuối tháng lượng đường nhập lậu qua biên giới tây nam xuất hiện nhiều hơn đã kìm giá đường lại.
VSSA cho rằng giá đường trong tháng 11 có cải thiện một chút so với tháng 10, tuy nhiên so với giá đường thị trường nội địa trong khu vực bao gồm các nước ASEAN và Trung Quốc, giá đường của Việt Nam vẫn tiếp tục nằm ở mức thấp nhất.
Bên cạnh đó, một số nhà máy mía đang chuẩn bị vào vụ ép 2020-2021 trong tháng 12. Với sự xuất hiện của Quyết định số 2466 về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía xuất xứ từ Thái Lan, giá đường đã cải thiện được một phần và mang đến hy vọng cho nông dân trồng mía và nhà máy trong công tác chuẩn bị vào vụ 2020-2021.
Tuy nhiên giá đường vừa mới được cải thiện đôi chút đã lập tức bị khối đường khổng lồ từ nhập chính ngạch và nhập lậu dìm giá xuống, khiến ý định của các nhà máy muốn nâng thêm giá mía đến mức kỳ vọng để khuyến khích nông dân chăm sóc và phát triển trở lại diện tích mía gặp trở ngại lớn và hầu như không thể thực hiện được.
"Nhập khẩu đường chính ngạch bùng nổ cộng với hoạt động tích cực của gian lận thương mại đường nhập lậu đã đưa một lượng đường lớn vào thị trường Việt Nam. Nguồn cung đường đang thừa cung ứng cho nhu cầu thị trường, kèm theo là hiện tượng ép giá kìm giá đường sản xuất từ mía trong nước", VSSA nhận định.
Dự báo tháng 12, Hiệp hội mía đường Việt Nam thông tin các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu vẫn tiếp tục tràn về thông qua nhập khẩu chính ngạch hoặc nhập lậu qua biên giới, cộng với đường sản xuất từ mía trong nước bắt đầu xuất hiện do vụ ép đã bắt đầu.
Như vậy các nguồn cung vẫn sẵn có, do đó không có hiện tượng thiếu hụt đường trong tháng 12/2020 và các tháng tới tại thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, mặc dù Quyết định số 2466 về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía xuất xứ từ Thái Lan đã được triển khai, nhưng lại có tác động kích hoạt gia tăng nhập khẩu đường giá rẻ và các dấu hiệu của hành vi lẩn tránh phòng vệ thương mại.
Điều này khiến giá đường vẫn đang tiếp tục bị ép giá và vẫn chưa đạt đến mức kỳ vọng của nhà máy và nông dân, theo đó, khó khăn vẫn đang chờ đón phía trước đối với nông dân trồng mía và các nhà máy cho vụ ép 2020-2021.