|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Giá đất tăng dựng đứng, lo đổ vỡ thị trường bất động sản

13:45 | 01/04/2021
Chia sẻ
Động thái vào cuộc của các bộ, ngành và địa phương trong việc “kiềm giá đất” thời gian gần đây phần nào phản ánh những bất ổn của thị trường bất động sản. Nỗi lo vỡ bong bóng là không thể tránh khỏi.

Hai bộ vào cuộc

Năm bản lề của giai đoạn mới, thị trường bất động sản chứng kiến cơn sốt đất như  "vết dầu loang" khắp cả nước với quy mô lớn chưa từng thấy. Thực tế, cơn sốt đất từ đầu năm đến nay đã càn quét qua hàng chục địa phương, vào cuộc dẫu muộn còn hơn không.

Giá đất tăng dựng đứng, lo đổ vỡ thị trường bất động sản - Ảnh 1.

Giá đất tăng khắp nơi, nhiều địa phương vào cuộc. (Ảnh: Hà Lê).

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) vừa có văn bản đề nghị các địa phương chấn chỉnh hiện tượng sốt đất ảo và gửi báo cáo kết quả về Bộ này trước ngày 31/5.

Theo Bộ này, giá đất ở một số địa phương, một số khu vực tăng lên một cách đột biến, gây nên hiện tượng sốt ảo, làm ảnh hưởng đến điều hành phát triển kinh tế - xã hội và việc triển khai các dự án đầu tư.

Bộ TNMT đề nghị các địa phương chỉ đạo Sở TNMT và các sở ngành có liên quan tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai. Đồng thời, có kế hoạch điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá,...

Trước đó vài ngày, Bộ Xây dựng cũng có công văn đề nghị các địa phương thực hiện kịp thời các biện pháp quản lý, không để xảy ra tình trạng sốt giá, bong bóng bất động sản trên địa bàn.

Các địa phương tổ chức công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính.

Bộ cũng đề nghị các địa phương thực hiện quản lý, kiểm soát việc tăng giá đất nhằm đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản. Đồng thời cần có biện pháp quản lý, kiểm soát hữu hiệu hoạt động môi giới,...

Các địa phương cũng "đứng ngồi không yên"

Không đứng ngoài cuộc, thời gian qua, nhiều địa phương cũng đã phải ra văn bản để cảnh báo tình trạng đầu cơ thổi giá.

Tại khu vực phía Bắc, UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan kiềm chế ngăn ngừa tình trạng mua bán và nâng giá đất trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, tại Cẩm Phả, Hạ Long, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều,... có tình trạng tăng giá đất đột biến ở một số khu vực, đặc biệt là TP Hạ Long. Một số dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật nhưng tình trạng mua bán đã diễn ra sôi động.

Có hiện tượng trên là do các đối tượng môi giới bất động sản đã mua đi, bán lại nhiều ô đất của một số dự án để hoạt động "làm thị trường".

Thực chất, đây đều là các hoạt động mua đi, bán lại với nhau trong chính các nhóm môi giới đang thao túng gây rối thị trường, tạo các giao dịch "mồi" để dụ khách hàng.

UBND tỉnh Bắc Giang cũng vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, xử lý các trường hợp để xảy ra tình trạng tự ý chia lô, tách thửa, xây dựng các công trình trái phép; tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất,...

Trong đó, các khu vực có dấu hiệu gia tăng đột biến tình trạng chuyển mục đích, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, "sốt ảo" phải được chú ý đặc biệt để phát hiện và xử lý kịp thời.

Tại khu vực miền Trung, UBND tỉnh Quảng Nam mới đây đã có vông văn yêu cầu các sở, ngành liên quan theo dõi nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn tỉnh.

Kiểm soát hoạt động môi giới, công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính,… tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.

Với Quảng Trị, thời gian gần đây, nhiều tập đoàn lớn và nhiều nhà đầu tư bất động sản, du lịch sinh thái, khu đô thị thương mại,… đã đến địa phương để tìm hiểu đầu tư theo quy hoạch của tỉnh. Lợi dụng thông tin này, giá đất tại một số khu đô thị tại TP Đông Hà tăng mạnh.

Do đó, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn đẩy nhanh tiến độ thực hiện lập quy hoạch đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2021;

Bên cạnh đó, các Sở, ban ngành cấp tỉnh căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, có văn bản hướng dẫn về chuyên môn, cung cấp các thông tin về quy hoạch. Đồng thời, cảnh báo cho người dân đề cao cảnh giác về các hành vi lừa đảo, mua bán không lành mạnh, các thông tin sai sự thật,…

Các đây gần một tháng, tại một số địa bàn cạnh khu vực thực hiện dự án sân bay Phan Thiết (Bình Thuận) xuất hiện tình trạng giao dịch đất đai đột biến.

Chủ tịch UBND TP Phan Thiết đã ban hành văn bản yêu cầu UBND xã Thiện Nghiệp chấn chỉnh, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi lấn chiếm đất đai, mua bán, chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng đất trái quy định của pháp luật, nhằm ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Hồi tháng 2/2021, ngay khi cơn sốt đất ảo diễn ra tại khu vực sân bay Técníc tại Bình Phước, huyện Hớn Quản đã có thông báo người dân cảnh giác trước các hình thức tư vấn, lôi kéo của các cò đất để không gây thiệt hại về tài sản cho bản thân, không mua đất khi chưa có pháp lý rõ ràng, nhất là khu đất còn là đất lâm nghiệp,...

Đã đến lúc cần có công cụ thuế

Bà Kim Ngọc, Giám đốc Bộ phận Thẩm định và Tư vấn Colliers Việt Nam đánh giá, sốt đất có thể khiến nợ xấu tăng và làm xáo trộn đời sống kinh tế - xã hội của cả khu vực. Nguy cơ đổ vỡ thị trường bất động sản là có thể trong bối cảnh người có nhu cầu thực lại không đủ tiềm lực tài chính để sở hữu nhà đất vì giá đất liên tục tăng cao.

Với nhà đầu tư, họ có thể rất khó để tìm ra người mua lại bất động sản trong bối cảnh khó khăn chung do dịch bệnh, vừa phải "chôn" vốn trong thời gian dài, vừa chịu áp lực lãi vay. Đến lúc đó thì nguy cơ họ mất khả năng trả nợ là rất cao, khoản vay của họ thành nợ xấu, ngân hàng cũng rất khó để thu hồi số tiền cho vay.

Ngoài ra, sốt đất làm mất cân bằng quy hoạch sử dụng đất, để lại những khu đất bỏ hoang, thành phố "ma".

Còn theo Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển, nhiều biện pháp hành chính được đề xuất thời gian gần đây có thể sẽ tạo cơ chế xin cho, đi ngược với kinh tế thị trường.

"Sốt đất được hiểu là giá tăng và thanh khoản tăng. Như vậy các địa phương thích sốt hay thích lạnh?", ông Hiển đặt vấn đề.

Song, theo vị chuyên gia này, về mặt quản lý Nhà nước cần có những chính sách, biện pháp để hướng thị trường tăng trưởng ổn định, tránh những cú sốc "sốt cao" hoặc "lạnh cóng". Và các biện pháp này phải theo cơ chế thị trường, không thay đổi liên tục. 

"Cái gốc của vấn đề là do thuế bất động sản thường niên của Việt Nam quá thấp. Khi nào chưa có thuế bất động sản và thuế tài sản hợp lý như các nước phát triển thì đầu tư vào bất động sản vẫn tốt hơn các loại hình khác và sốt đất vẫn xuất hiện", vị này nói.

Hà Lê