|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Giá đất tại Phan Thiết bị đẩy lên cao, người dân có hưởng lợi?

15:02 | 26/04/2019
Chia sẻ
Theo ông Trần Hoàng Khôi, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thiết, cơn sốt đất vừa qua chủ yếu là do các đối tượng đã đầu cơ mua đất tự giao dịch với nhau.

Giá đất tại Phan Thiết bị đẩy lên cao, người dân có hưởng lợi? Đó là câu hỏi được ông Dương Tự, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bình Thuận đặt ra trong cuộc họp giao ban báo chí tỉnh Bình Thuận vào chiều 25/4 trước vấn đề giá đất ảo tại khu vực quanh dự án sân bay Phan Thiết, xã Thiện Nghiệp, TP Phan Thiết.

Theo lãnh đạo Thành phố Phan Thiết, đợt sốt ảo này người dân không hưởng lợi gì, vì đất của họ đã được các nhóm đầu cơ thu gom trước đó.

Giá đất tại Phan Thiết bị đẩy lên cao, người dân có hưởng lợi? - Ảnh 1.

Ông Trần Hoàng Khôi, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thiết khẳng định có các nhóm đầu cơ (đã gom đất trước đó) dùng thủ đoạn tung thông tin ảo để bán đất với giá cao.

Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thiết, ông Trần Hoàng Khôi, cho biết, thành ủy Phan Thiết rất quan tâm vấn đề này và đã mời Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã  Thiện Nghiệp lên làm việc.

Ông Khôi cũng đã trực tiếp dẫn đoàn kiểm tra ra đến xã Thiện Nghiệp. Ban đầu ai cũng nghĩ giá đất tăng cao thì người dân có thể trở nên giàu có. Lúc đầu đất nông nghiệp có giá khoảng 200 - 300 triệu đồng/1 sào (1.000m2), giờ đẩy lên 2-3 tỷ đồng, thậm chí có chỗ lên tới 4 tỷ đồng 1 sào, cao hơn gấp 10 lần. Nhưng trên thực tế, trước đó người dân đã bán hết cho những người trong và ngoài tỉnh đến thu gom, đầu cơ.

Giá đất tại Phan Thiết bị đẩy lên cao, người dân có hưởng lợi? - Ảnh 2.

Lãnh đạo TP Phan Thiết cho biết các nhóm cò đất đã rút lui sau khi lực lượng chức năng địa phương vào cuộc, tình hình nay đã ổn định trở lại.

Ông Trần Hoàng Khôi khẳng định: "Cơn sốt đất vừa qua chủ yếu là do các đối tượng đã đầu cơ mua đất tự giao dịch với nhau. Có hiện tượng xuất hiện nhóm lừa đảo".

UBND TP Phan Thiết xác định các nhóm thu gom đất này đã tự đẩy giá lên. Một số người nhảy vào mua kiểu như “lướt sóng” để kiếm lời. Phần đông người dân địa phương trước đây đã bán đất hết. Có một số ít chưa bán hoặc chậm bán thì trong đợt vừa qua cũng có trúng, nhưng rất ít. Còn đa số mấy nhóm đầu cơ gom đất trước đó tự giao dịch với nhau, gây nên tình trạng sốt đất ảo để bán với giá cao, kiếm lợi nhuận khủng.

Qua cơn sốt đất, người dân địa phương có bị thiệt hại hay không? Lãnh đạo TP Phan Thiết khẳng định, dân địa phương không bị thiệt hại vì dân không đủ tiền để mua đất ở thời điểm này. Người dân đã bán trước đó cảm thấy tiếc và cho rằng thiệt hại, nhưng thực tế không phải thiệt hại.

Giá đất tại Phan Thiết bị đẩy lên cao, người dân có hưởng lợi? - Ảnh 3.

Sau hơn 4 năm khởi công, đến nay Sân bay Phan Thiết ở xã Thiện Nghiệp vẫn là bãi đất hoang.

Ông Khôi nói: "Có người hôm nay bán 2 tỷ, cũng lô đất đó, hôm sau người kia mua lại thổi lên 4 tỷ. Chủ đất ban đầu cảm thấy tiếc và cho rằng nếu để chậm lại sẽ có giá cao hơn. Nhưng đó không phải là thiệt hại vì giá đó là do các nhóm cò tự đẩy lên. Mức giá cao là do dân đầu cơ tự mua bán với nhau, nên nếu ở thời điểm này người khác nhảy vào mua giá cao là dính bẫy hết".

Nhận định việc giá đất bị làm ảo sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thu hút đầu tư sau này của tỉnh, do vậy Ông Dương Tự, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bình Thuận mong các cơ quan báo chí thông tin nhiều hơn về tình trạng các nhóm cò đất làm giá để giúp người dân và các nhà đầu tư hiểu rõ, không bị các nhóm đầu cơ dẫn dắt bởi những “thông tin ảo”.

Lãnh đạo UBND TP Phan Thiết cũng cho biết, vẫn tiếp tục theo dõi tình hình và sẽ có biện pháp ngăn chặn kịp thời nếu các nhóm cò đất quay trở lại gây xáo trộn tình hình tại xã Thiện Nghiệp nơi có Dự án Sân bay Phan Thiết.

Việt Quốc

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.