|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Giá đất 'nhảy múa' vì dự án bánh vẽ

07:07 | 08/04/2019
Chia sẻ
Kết thúc quý I/2019, bất động sản đất nền tại TP.HCM được ghi nhận tăng “phi mã”. Lý do đến từ bánh vẽ tiện ích và hạ tầng giao thông mà chủ đầu tư và dân môi giới quảng cáo.
Giá đất nhảy múa vì dự án bánh vẽ - Ảnh 1.

Giá đất tăng là do chủ đầu tư và môi giới dựa vào quy hoạch hạ tầng giao thông, cũng như quy hoạch hạ tầng dự án để làm giá.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, các khu vực quận 9, khu Tây Bắc, khu Nam, huyện Cần Giờ đang là nơi có giá đất tăng mạnh nhất, từ 30 đến 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Điểm chung khiến giá đất tăng là do chủ đầu tư và môi giới dựa vào quy hoạch hạ tầng giao thông, cũng như quy hoạch hạ tầng dự án để làm giá.

Tại quận 9, tuy không xuất hiện những dự án mới, nhưng giá đất vẫn tăng mạnh, đặc biệt là phân khúc đất nền, nhà phố trên trục đường Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Xiển, Trường Lu, nơi có bệnh viện Ung bướu và Bến xe Miền Đông mới (các dự án này đang xây dựng), giá đất được rao bán 70 - 80 triệu đồng/m2, đất phân lô hẻm sâu 35 - 40 triệu đồng/m2, tăng 15 - 20% so với cùng kỳ năm 2018.

Giá đất quanh khu vực Dự án VinCity của VinGroup cũng tăng cao nhất hiện nay. Cụ thể, đất nền dự án, đất phân lô thuộc quy hoạch khu dân cư xây dựng mới, sinh thái vườn trục đường Long Thuận, Long Phước, Lã Xuân Oai, Nguyễn Xiển, Nguyễn Duy Trinh… đã tăng 30 - 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Dọc trục đường Nguyễn Xiển, với những nền đất ở vị trí bình thường, diện tích trên 70 m2 có giá 47 - 49 triệu đồng/m2, diện tích dưới 60 m2 tầm giá 50 - 53 triệu đồng/m2, diện tích 50 m2 giá 53 - 55 triệu đồng/m2. Những vị trí đẹp, giá giao dịch có thể lên đến 60-70 triệu đồng/m2.

Sở dĩ giá bị đẩy lên cao vì dân môi giới khuếch trương rầm rộ việc Dự án VinCity được chấp nhận xây dựng 100 ha đầu tiên vào cuối tháng 2 vừa qua. Họ còn vẽ ra thông tin VinGroup sẽ làm đường trên cao kết nối vào trung tâm TP.HCM và những tiện ích lớn sẽ đổ bộ về đây để đẩy giá.

Tại huyện đảo Cần Giờ - một khu vực hẻo lánh của TP.HCM, từ tháng 2/2019 tới nay, khi thông tin duyệt thiết kế cầu Cần Giờ được UBND TP.HCM công bố, giá đất đã liên tục “nhảy múa”. Đáng nói là, khu vực này không có dự án bất động sản, quỹ đất chủ yếu là của người dân, họ tự ý san lấp, chia lô đất ruộng rau, đất trồng cây lâu năm để bán.

Trong vai người đi mua đất, chúng tôi được Nguyễn Văn Tuấn, một nhân viên môi giới bất động sản giới thiệu lô đất diện tích 500 m2 mặt tiền đường Thạch Thới (Cần Giờ). Giá bán hiện là 19 triệu đồng/m2, trong khi cùng kỳ năm 2018 chỉ có 11 triệu đồng/m2.

“Đất mới thì không có, đây là những khu đất mà chủ trước mua rồi giờ gửi bán lại. Các anh không mua ngay thì giá còn tăng nữa. Từ giữa tháng 3 tới nay, người tới hỏi mua đất rất nhiều”, Tuấn nói.

Tương tự, tại quận 12, huyện Củ Chi, giá đất cũng tăng mạnh. Giá đất nền (dự án nhà ở) tại khu dân cư 66 ha An Sương (quận 12) từ trước Tết đến nay tăng thêm 5-8 triệu đồng/m2. Những lô góc trên đường đi vào chợ An Sương được chào bán trên 100 triệu đồng/m2. Trong khi trước Tết, chủ đất kêu bán 90 triệu đồng/m2 không ai mua, nay họ tăng lên 100 triệu đồng/m2.

Tại khu vực Hóc Môn, các dự án phân lô cũng giao dịch tăng khoảng 4 triệu đồng/m2 so với trước Tết… Đặc biệt, đất lân cận khu Metro gần đây tăng mạnh sau khi có thông tin Chính phủ quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư và đẩy mạnh dự án trong năm 2019.

Theo giới phân tích thị trường, việc giá đất tăng chỉ là trò đẩy giá trục lợi, thực sự nhiều tiện ích mà dân môi giới quảng cáo với khách hàng chỉ là bánh vẽ.

Đầu năm 2018, chủ đầu tư Rio Land mở bán Dự án Rio Bonito trên đường Trường Lu (quận 9). Dự án được quảng cáo với công viên, hồ điều hòa… song hiện nay dù đã bán hết đất nền, giao sổ cho khách hàng, nhưng công viên và hồ điều hòa giữa dự án chưa thấy đâu.

“Việc thổi giá bất động sản thường diễn ra với các dự án đất nền, nhà phố. Mánh thổi giá rất đơn giản và không có gì mới, đó là dựa vào quy hoạch hạ tầng giao thông được công bố, dựa vào các dự án lớn đang triển khai, vẽ thêm tiện ích dự án để rồi giá đẩy lên cao bất thường”, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Asian Hoding cho biết.

Cũng theo ông Hậu, điều bất hợp lý là giá đất tăng lên cao, nhưng khi thị trường đi xuống, giá đất không giảm, mà giữ nguyên, để rồi đợt sau lại tiếp tục tăng, dựa trên giá nền khi trước. Điều này đã đẩy giá đất tăng mạnh từ 20 đến 60%. Nhiều người đầu tư theo phong trào, không suy nghĩ kỹ, dễ lâm vào cảnh mất tiền oan bởi giá trị thực của lô đất không đến vậy.

Gia Huy

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.