|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Giá đất ‘đu’ theo thông tin hạ tầng - Bài 1: Công trình trên giấy, giá đất tăng vọt

12:41 | 09/05/2019
Chia sẻ
LTS: Trên thị trường bất động sản khi xuất hiện một thông tin về hạ tầng, đặc biệt là những dự án có tính ảnh hưởng cho cả một địa phương, lập tức thị trường bất động sản khu vực đó được đẩy giá lên ngay, mặc dù những công trình này có thể 10 năm hay lâu hơn nữa mới thực hiện và thậm chí đó chỉ là những đề xuất của các cơ quan chức năng. Người dân, nhà đầu tư cần hết bức bình tĩnh trước những thông tin đồn thổi kiểu này.
Giá đất ‘đu’ theo thông tin hạ tầng - Bài 1: Công trình trên giấy, giá đất tăng vọt - Ảnh 1.

Nhiều khu đất ở Bảo Lộc được chủ đất tự san lấp mặt bằng, rồi được cò quảng cáo sẽ trở thành vị trí đắc địa trong tương lai gần, để dụ người mua. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Kích thích bởi các yếu tố hạ tầng và do giới cò đất đua nhau vẽ ra các viễn cảnh sinh lợi khi các công trình được thi công và hoàn thành, những ngày gần đây, trên nhiều tỉnh thành diễn ra những điểm nóng sốt giá đất, do nhiều nhà đầu tư lao vào “lướt sóng”.

Giá đất vùng ven TP HCM và các tỉnh lân cận tăng vọt 

Ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, tại khu vực Tây Bắc TP HCM, thời gian gần đây giá đất tăng đột biến khi có thông tin cao tốc TP HCM - Mộc Bài (Tây Ninh) đã được lãnh đạo TP HCM và tỉnh Tây Ninh họp bàn phương thức triển khai. Cụ thể, dự án nhà phố - Shophouse do Công ty Bất động sản (BĐS) Mỹ Vân công bố tại khu vực An Sương (quận 12), lô cao nhất đã lên đến 103 triệu đồng/m², còn lại dao động từ 80 - 85 triệu đồng/m². 

Dọc theo quốc lộ 22 chạy lên các huyện Hóc Môn, Củ Chi đến tỉnh Tây Ninh, thị trường nhà đất cũng tăng đột biến, chộn rộn kẻ bán người mua. Anh Bình, một nhân viên môi giới đường Nguyễn Văn Bứa (Hóc Môn), cho biết, mới nghe thông tin “họp” cao tốc TP HCM - Mộc Bài, giá nhà đất khu này tự động tăng từ 1 - 3 triệu đồng/m².

Ở phía Đông TP HCM, sau khi thông tin lãnh đạo TP HCM và tỉnh Đồng Nai họp bàn về dự án cầu Cát Lái nối quận 2 (TP HCM) với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), lập tức giá đất xung quanh khu vực cầu, đường dự kiến đi qua cũng nhanh chóng được thổi giá. Trên trục đường phà Cát Lái, đường Đồng Văn Cống, quận 2, TP HCM, giá đất thổ cư hiện là 25 - 40 triệu đồng/m², tăng so với đầu năm khoảng 2 - 3 triệu đồng/m2. 

Tại huyện Nhơn Trạch, đất thổ cư có giá trung bình 8 - 10 triệu đồng/m², còn đất nông nghiệp dao động 2,5 - 3 triệu đồng/m². Khu vực dự án sân bay Long Thành cũng được giới đầu tư bơm thổi, mỗi lô đất diện tích 100m² khu vực này có giá từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng; đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm có giá từ 2 - 3 tỷ đồng/sào…

Tại khu vực thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương), giá BĐS đã tăng theo chiều thẳng đứng khi thông tin địa phương này sắp lên thành phố. Cụ thể, hầu hết các dự án đất nền tại vị trí trung tâm thị xã tăng giá từ 20% - 40%. Mức giá hiện tại từ 27 - 40 triệu đồng/m². Tại các vị trí tiếp giáp siêu thị, khu công nghiệp có mức giá là 37 triệu đồng/m², các vị trí tiếp giáp với TP HCM ở khu vực quốc lộ 13 có mức độ tăng giá mạnh nhất, nhiều lô đất tăng tới 150% chỉ sau vài tháng qua tay nhà đầu tư thứ cấp.

Những ngày gần đây cũng nổi lên cơn “sốt đất cấp tính” ở tỉnh Long An. Tại TP Tân An, cách nay khoảng 1 tháng, nếu muốn có một lô đất ở (ngang 5m, dài 20 - 30m) tại các phường 2, 3, 4, 5, 6… thì người mua phải trả từ 1 - 1,8 tỷ đồng, tùy vị trí của miếng đất. Đất ở, nhà xây sẵn tại các dự án khu dân cư - đô thị trong thành phố cũng tăng chóng mặt, giá từ 2,5 - 6 tỷ đồng, nhưng nhiều người vẫn đổ xô mua. 

Tại các huyện Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc… giá đất nền, đất thổ cư, đất vườn cũng liên tục nhảy nhót. Nguyên nhân là do có tin đồn là đất ở các huyện này sẽ được nhập về TP HCM, cùng với các dự án giao thông trọng điểm đang triển khai như cao tốc Bến Lức - Long Thành. 

Tại Bến Lức, có những khu đất nằm trong “hóc bà tó”, nhưng khi có tin mở rộng lộ, rồi đấu nối với TP HCM, thì bất chợt trở thành “đất vàng”, đụng vô là chục tỷ, vài chục tỷ đồng/ha. Tương tự, tại Đức Hòa, giá đất cũng tăng 5 - 10 lần so với giá cách đây 2 năm. Ở huyện Cần Giuộc, nhiều nơi trước đây là đất hoang, giờ giá mỗi mét vuông lên đến 20 - 30 triệu đồng.

Xuất hiện thêm nhiều điểm nóng giá đất

Tại Lâm Đồng, Bộ GTVT vừa thống nhất triển khai tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có tổng chiều dài hơn 200km, bắt đầu tại nút Dầu Giây, huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) và kết thúc tại chân đèo Prenn, TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Dự án có tổng vốn đầu tư 65.000 tỷ đồng. Giai đoạn 1 ưu tiên triển khai trong năm 2019 đoạn Dầu Giây - Tân Phú với chiều dài khoảng 60km. 

Thế là, dù những thông tin về tuyến cao tốc đi ngang qua địa bàn tỉnh Lâm Đồng chưa đầy đủ, nhưng nhiều nhà đầu tư bất động sản đã đầu cơ, sang nhượng các khu vực được cho là cao tốc đi qua, khiến giá đất tại một số nơi được đẩy lên cao.

Sôi động nhất là các dự án khu dân cư, đô thị tại TP Bảo Lộc có vị trí nằm gần tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương đi qua, các nhà môi giới đất tại TP Bảo Lộc gắn “mác” gần cao tốc để quảng cáo làm tăng thêm sức hấp dẫn của vị trí. Hiện giá đất nông nghiệp tại một số địa phương có xu hướng tăng, như tại xã Đam B’ri là 450.000 - 500.000 triệu đồng/1.000m².

Là địa phương ven biển, được đánh giá còn nhiều dư địa để phát triển, ngay từ đầu năm, thị trường BĐS Bà Rịa - Vũng Tàu đã lên cơn sốt đất từ thành thị đến nông thôn. Giá đất tăng nóng nhất là TX Phú Mỹ - nơi tập trung nhiều khu công nghiệp và hệ thống cảng biển lớn nhất nhì cả vùng. Mặc dù là đất nông nghiệp nhưng vẫn nhiều người mua đi bán lại khiến giá đất tăng 3 - 4 lần so với cuối năm ngoái. Còn tại huyện Xuyên Mộc, với các bãi biển khá hoang sơ chưa được khai thác, giá đất cũng tăng 3 - 5 lần so với một năm trước và lượng giao dịch cũng tăng gấp đôi.

Với TP Bà Rịa, nơi đặt trung tâm hành chính của tỉnh, giá đất cũng tăng mạnh khi nhiều nhà đầu tư lớn từ TP HCM đổ về. Giá đất đã phân lô ngay gần mặt tiền quốc lộ 51 trung bình khoảng 15 triệu đồng/m², cao gần gấp 2 lần so với năm ngoái.

Theo nhìn nhận của các chuyên gia BĐS thuộc câu lạc bộ BĐS ở Bình Định, hiện giá đất ở TP Quy Nhơn đang tăng rất cao. Tại khu vực trung tâm TP Quy Nhơn, giá đất tăng lên gấp 5 lần so với thực tế. Giá đất nền cao nhất hiện là mặt tiền TP Quy Nhơn, từ 200 triệu đồng/m², thậm chí có người hô lên đến 250 triệu đồng/m² (loại 1, giáp biển). Đối với đất loại 2 (cách biển trên 500m) có giá trên 100 triệu đồng/m². Ở xã biển Nhơn Lý, cách trung tâm TP Quy Nhơn chừng 23km, cũng đang lên cơn “sốt” đất. Năm 2006, giá đất nền nơi đây chỉ 1 - 3 triệu đồng/m², kiếm không ra người mua, bây giờ đã đội lên 30 - 35 triệu đồng/m² (2018-2019), các trục đường chính ở xã này cũng từ 20 - 25 triệu đồng/m².

Từ sau Tết Nguyên đán 2019 đến nay, thị trường đất nền TP Đà Nẵng liên tục diễn ra những “cơn sốt” giá. Tâm điểm của cơn sốt là đất ở khu đô thị sinh thái Golden Hills (quận Liên Chiểu). Nhân viên tư vấn giá đất ở đây cho biết, đất ở khu A với diện tích 125m² có giá dao động từ 28-30 triệu đồng/m². Nhưng thực tế cò đất đã đẩy giá lên đến gần 5 tỷ đồng/lô. Giá đất nền khu vực Xuân Thiều của quận Liên Chiểu hơn 10 triệu đồng/m², nay đã tăng khoảng gần 50 triệu đồng/m²… Nguyên nhân “sốt” giá vì tác động của những dự án trọng điểm đang khởi động mạnh mẽ như: Cảng Liên Chiểu, Khu Công nghệ thông tin, Khu Công nghệ cao.

Với thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, những thông tin về việc khởi động lại dự án làng đại học, hay thúc đẩy xây dựng Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, mở rộng TP Đà Nẵng… cũng đã trở thành chiêu trò để giới đầu cơ đẩy giá.

Tại Huế, việc đề xuất dự án đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt năm 2017, hiện chưa khởi công, nhưng từ đầu năm 2019 đến nay, nhiều đối tượng cò đất vẫn vịn vào dự án này để đồn thổi, tăng giá đất tại các khu quy hoạch lân cận dự án. Đây là đất khu đô thị mới, cách đường từ TP Huế về sân bay quốc tế Phú Bài hơn 100m. Nhiều khu đất liền kề khu quy hoạch này hiện cũng dao động trên 20 triệu đồng/m².

Ở các tỉnh phía Bắc, khu vực Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh những ngày qua là “tâm điểm” của thị trường BĐS. Sau khi được Chính phủ định hướng xây dựng đặc khu kinh tế, thị trường BĐS Vân Đồn tăng vọt. Cơn sốt này tạm giảm nhiệt trong khoảng thời gian từ khoảng tháng 7-2018, khi Quốc hội quyết định lùi thời hạn thông qua Luật Đặc khu

Tuy nhiên, từ đầu năm 2019, cơn sốt quay lại ở đây. Lý do là hàng loạt các công trình hạ tầng giao thông đã và đang được xây dựng, bao gồm: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái và sắp tới là đường trục đô thị Vân Đồn rộng 58m, khu công nghiệp Cảng nước sâu Bắc đảo Cái Bầu… 

Hiện các văn phòng giao dịch BĐS tại đây khá nhộn nhịp, giá đất tăng 20% - 30% so với thời điểm tháng 7-2018, một số khu vực tăng giá tới 40% - 50%. Cụ thể, giá đất tại các khu đô thị từ 30 - 50 triệu đồng/m², giá đất tại khu tái định cư 15 - 25 triệu đồng/m², giá đất thị trấn Cái Rồng 50 - 80 triệu đồng/m², giá đất tại các khu dân cư, vùng ven cũng đã được đẩy lên 5 - 10 triệu đồng/m²…

Rủi ro đang rình rập nhà đầu tư trong cơn sốt giá đất, nhất là đất nền của thị trường BĐS năm 2019. Các chuyên gia lý giải, sau nhiều năm tập trung đầu tư tại đô thị trung tâm như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng..., hiện quỹ đất nội thành của những khu vực này rất hạn chế. Hơn thế, việc triển khai thủ tục đầu tư cũng kéo dài gây khó khăn về nguồn cung hàng hóa.

Nhóm PV

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.