|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nhìn lại cơn sốt đất 'lịch sử': [Bài 1] 'Virus' sốt đất lan nhanh chóng mặt, 'càn quét' từ đô thị phồn hoa tới bụi tre, ao cá

15:46 | 17/04/2019
Chia sẻ
Từ sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đến nay, thị trường bất động sản trên cả nước liên tục chứng kiến những cơn sốt đất xuất hiện và bùng nổ, nhiều địa phương rơi vào tình cảnh hỗn loạn bởi giá đất không ngừng bị đẩy lên cao. Hiện tình trạng sốt đất tại nhiều nơi đang ở mức báo động và chưa có dấu hiệu dừng lại.

"Virus" sốt đất càn quét khắp cả nước

Nhìn lại cơn sốt đất lịch sử: [Bài 1] Virus sốt đất lan nhanh chóng mặt, càn quét từ đô thị phồn hoa tới bụi tre, ao cá - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Thu Hà)

Từ sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đến nay, thị trường bất động sản trên cả nước liên tục chứng kiến những cơn sốt đất xuất hiện và bùng nổ, nhiều địa phương rơi vào tình cảnh hỗn loạn bởi giá đất không ngừng bị đẩy lên cao. Mở màn cho căn "bệnh dịch" sốt đất tràn lan này ngay sau kỳ nghỉ Tết âm lịch Kỷ Hợi đó là cơn sốt đất tại 2 tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng. 

Trong cơn sốt đất bùng phát thời gian qua tại Đà Nẵng, nơi được xem là nóng sốt và đáng chú ý nhất đó là khu vực Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ. Trước Tết Kỷ Hợi, các sản phẩm đất nền diện tích khoảng 100 m2 ở khu vực Hòa Xuân có mức giá từ 3 - 5 tỷ đồng (tùy vị trí). Tuy nhiên, chỉ trong 2 tuần sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các sản phẩm đất nền tại đây đã nhanh chóng tăng thêm 600 - 800 triệu đồng mỗi lô và lập đỉnh mức giá mới.

Còn tại các phường Điện Nam, Điện Ngọc, Điện Dương của thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam thời gian vừa qua cũng hứng kiến giá đất tăng hàng ngày, nhất là khu vực Điện Nam, Điện Ngọc. Chỉ từ sau tết đến nay giá đất đã tăng gấp 3 - 4 lần. Thị trường đất hỗn loạn đến mức lãnh đạo 2 địa phương là huyện Hòa Vang và thị xã Điện Bàn phải gấp rút ban hành các văn bản đính chính những thông tin sai lệch.

Theo phản ánh của báo chí, đợt sốt đất ở Đà Nẵng và Quảng Nam ngay sau tết Kỷ Hợi lan tận tới các vùng quê khiến những mảnh đất còn nguyên bờ tre, gốc rạ cũng được hét giá "trên trời". Cụ thể, tại xã Hòa Tiến, Hòa Châu…, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), một mảnh đất còn nguyên bụi tre, gốc rạ cũng được cò trả giá thấp nhất 700 triệu đồng lô 200 m2. Đặc biệt, một tháng sau Tết, mức giá đã lên 1,5-2 tỉ đồng.

Khi cơn sốt đất ở Quảng Nam, Đà Nẵng vẫn đang ở đỉnh điểm thì tại TP HCM, hiện tượng sốt đất bắt đầu quay trở lại vào thời điểm đầu tháng 3. Những địa bàn rục rịch tái sốt có thể kể đến như Cần Giờ, quận 9... 

Cụ thể, ngay khi thông tin duyệt xây cầu tại Cần Giờ, giá đất tại đây nhanh chóng nóng trở lại. Nhà đầu tư rồng rắn kéo đuôi nhau trở lại với Cần Giờ sau một thời gian dài bỏ bê.

Điểm nóng hút sự quan tâm của giới buôn địa ốc thời gian vừa qua tập trung vào 2 xã Bình Khánh và Cần Thạnh, giá đất tại hai địa bàn này được phản ánh tăng từ 10-15% chỉ trong 2 tuần nhờ những cuộc săn đất quy mô của giới đại gia và những giao dịch sang tay chênh lệch.

Quận 9, tâm điểm đất nền khu Đông hồi đầu tháng 3 cũng ghi nhận sức nóng gia tăng sau một thời gian tạm lắng nhờ sự xuất hiện của đại dự án Vincity. Giá đất nhích lên từng ngày, nhà đầu tư ùn ùn đổ về giao dịch. Trên tuyến đường Nguyễn Xiển, Liên Phường đang mở rộng giá đất được phản ánh vào khoảng 80-120 triệu/m2, khu vực đối diện với Vincity được chào bán với giá từ 80-100 triệu/m2. Đường Nguyễn Văn Tăng đoạn gần BV Ung bướu TP HCM giá đất lên đến 100-120 triệu/m2.

Tình trạng nóng sốt cục bộ cũng được ghi nhận trên địa bàn TP Cần Thơ những ngày đầu năm. Cụ thể, theo phản ánh của báo chí, giao dịch tại khu đô thị Nam Cần Thơ, dự án có hoạt động mua đi bán lại thứ cấp vô cùng sôi động hồi đầu tháng 3, nhiều lô đất từng rao bán với giá 20-22 triệu/m2 thời điểm đầu năm thì được sang tay với giá lên đến 30 triệu/m2. Tình trạng mua nhanh bán vội xuất hiện phổ biến với mức chênh mỗi lần giao dịch có thể từ 50-100 triệu/nền.

Không chỉ KĐT Nam Cần Thơ, loạt dự án khu dân cư, khu tái định cư triển khai trước đó khá lâu cũng tăng giá bán khi nhận thấy nhu cầu mua tốt lên. Cụ thể, tại dự án Trung tâm văn hóa Tây Đô, dự án khu dân cư Hồng Phát, dự án khu dân cư Hưng Phú 1... giá đất được giao dịch ở mức từ 27-43 triệu/m2 tùy vị trí, tăng 100-150% so với cùng kỳ 2018.

Tại Vân Đồn, sau khi được cởi trói giao dịch, giá đất tại thị trường này thời gian gần đây cũng rục rịch sốt trở lại. Tuy nhiên, giá đất vẫn thấp hơn so với thời điểm sốt nóng hồi đầu năm 2018.

Cụ thể, theo thông tin từ Báo đầu tư Bất động sản hồi tháng 2/2019, giá đất dọc trục đường 334 được giao dịch ở mức 22 - 26 triệu đồng/m2, một số lô đất thổ cư tại khu vực trung tâm có thể lên đến 50 - 60 triệu đồng/m2. Khu Thống Nhất giá đất giao dịch ở mức từ 25 - 45 triệu đồng/m2.

Với đất nền khu tái định cư Đoàn Kết, những lô đất mặt trong tăng giá từ mức 11 - 13 triệu đồng/m2 lên 12,5 - 15 triệu đồng/m2. Những lô 2 mặt tiền, đường ô tô có thể đi vào, gần trung tâm, giá tăng từ 15 - 17 triệu đồng/m2 lên mức 18 - 20 triệu đồng/m2…

Tình trạng sốt đất cũng xảy ra ở một số huyện tại Hà Nội như Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh,… Theo thông tin báo chí phản ánh, tại huyện Hoài Đức, hiện đất mặt tiền ở thị trấn Trạm Trôi đang được chào với giá thấp nhất từ 36 triệu đồng/m2 đến hơn 100 triệu đồng/m2 tùy từng vị trí.

Còn đất nền thị trấn Đông Anh có giá khoảng 100 - 120 triệu đồng/m2, hay khu vực Tiên Dương, giá đất thổ cư tại mặt đường lớn dao động khoảng 30 - 35 triệu đồng/m2. Tại nhiều con ngõ rộng tầm 3 m dọc trục đường Võ Nguyên Giáp, đoạn thuộc xã Vĩnh Ngọc lên đến 60 triệu đồng/m2, một số ngõ nhỏ hơn, giá cũng có thể lên đến 30 - 40 triệu đồng/m2.

Tại Bình Thuận, quanh Dự án Sân bay Phan Thiết, theo thông tin báo chí phản ánh, giá đất nông nghiệp cũng được cò đất thổi lên 20-40 tỉ đồng/ha, cao gấp đôi so với năm 2018. Cò đất cho biết, nếu như năm ngoái, 1 sào (1.000 m2) đất nông nghiệp ở mặt đường có giá khoảng từ vài trăm triệu đến 1 tỉ, thì nay đã lên 1,5 đến 2 tỉ đồng, tùy vị trí xa gần trung tâm. Riêng tại khu vực trước cây xăng Dương Đông Hòa Phú, đất được "hét" với giá đến 2,8 tỉ đồng/sào.

Hay gần đây nhất, bên cạnh Thừa Thiên Huế thì tình trạng sốt đất còn lan đến một trong những tỉnh nghèo nhất nước đó là Quảng Trị. Theo thông tin từ báo Tuổi trẻ, dọc vùng quy hoạch khu đô thị Phú Mỹ Thượng (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang), một  mảnh đất rộng khoảng 105 m2 có giá bán gần 2 tỉ đồng, tăng mạnh so với thời điểm trước Tết.

Tại Quảng Trị, tại khu vực tây nam thuộc TP Đông Hà (khu mới mở rộng của đô thị TP Đông Hà), giá đất thời điểm bán đấu giá tại khu vực này hơn 2 năm trước vào khoảng 500 - 600 triệu đồng/nền. Tuy nhiên, thời gian khoảng đầu tháng 4 đến nay giá đất tại đây đã nhảy lên mức từ 800 - 900 triệu đồng/nền.

Nghìn lẻ nguồn cơn đẩy giá đất sốt nóng

Nhìn lại cơn sốt đất lịch sử: [Bài 1] Virus sốt đất lan nhanh chóng mặt, càn quét từ đô thị phồn hoa tới bụi tre, ao cá - Ảnh 2.

Cò đất tụ tập khắp nơi ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng (Nguồn: Dân trí)

Trên thực tế, có không ít nguyên nhân gây nên tình trạng sốt đất và một trong những nguyên chủ yếu đó là do cò thổi giá. 

Tại Đà Nẵng, nguyên nhân chính khiến cho một số khu vực ở tỉnh thành này xảy ra tình trạng sốt đất cục bộ là do cò đất tung tin đồn thành lập quận mới, cụ thể là quận Hiếu Đức ở Hòa Vang... 

Tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nguyên nhân sốt đất một phần cũng là do cò thổi giá. Thời gian vừa qua, tại phường Điện Ngọc, các kiốt bất động sản mọc lên như nấm, giới "cò" đất cũng hoạt động rầm rộ, từ sinh viên mới ra trường đến cả những cụ ông cũng rủ nhau đi "cò" đất.

Ngày 10/3, Văn phòng UBND thị xã Điện Bàn cho biết, chính quyền thị xã đã có văn bản cảnh báo người dân về những tin đồn thất thiệt như một số đơn vị hành chính cấp xã của địa phương này sẽ sáp nhập vào TP Đà Nẵng. Giới cò đất đã tung tin đồn này để thổi giá đất...

Bên cạnh nguyên nhân cò đất thổi giá, tung tin đồn thất thiệt, thì một nguyên nhân chính khác khiến thị trường bất động sản dậy sóng thời gian qua chính là các yếu tố mang tính kích thích thị trường như chủ trương đầu tư các dự án hạ tầng như sân bay, đường xá, dự án khu đô thị, khu du lịch, trung tâm thương mại lớn, thông tin lên quận, thông tin lên đặc khu kinh tế,…

Sở dĩ giá đất tại nhiều huyện ngoại thành ở Hà Nội như Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm thời gian qua sốt nóng "bỏng tay" là bởi thông tin 4 huyện này được duyệt lên quận vào năm 2020.

Nhiều khu vực sốt đất là nhờ ăn theo các thông tin quy hoạch như sốt đất tại khu vực quanh dự án sân bay Phan Thiết (Bình Thuận); giá đất tăng "chóng mặt" tại khu vực quanh trung tâm Hòa Bình, chợ Đà Lạt tại Thành phố Đà Lạt nhờ uyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tại khu vực Hòa Bình...

Ngoài ra, hiện nay, số lượng "cò đất" hoạt động ngoài tầm kiểm soát quá lớn cũng là nguyên nhân chính dẫn đến những cơn "sốt đất tại mồm".

Trước tình trạng này, giới chuyên gia cũng đã đưa ra không ít những cảnh báo về tình trạng chạy theo danh xưng và đón đầu quy hoạch khi chưa có thông tin rõ ràng để rồi vấp phải những bài học đáng tiếc trong quá khứ như Ba Vì, Hoài Đức,…

Liên quan đến việc sốt đất ở một số vùng như Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, chia sẻ tại buổi họp báo mới đây, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết: "Đây chỉ là hiện tượng nóng một chiều. Tôi đồng ý đối với việc các địa phương có kế hoạch, có quy hoạch từ nông thôn chuyển đổi thành đô thị thì thông tin đó chắc chắn sẽ làm tăng giá bất động sản nhưng tỉ lệ tăng chỉ ở mức 3 - 5% là phù hợp. Còn nếu tăng cao hơn là bất hợp lý".

Bên cạnh đó, theo ông Đính, ở những vùng trên, nếu đất nền có mức tăng giá từ 3 - 5% đúng với quy luật của thị trường thì sẽ nằm ở các dự án bất động sản. Còn tăng nóng, tăng đến 20 – 30% thường xảy ra chủ yếu đối với đất thổ cư ở các khu dân cư và thậm chí không phải là đất ở cũng tăng giá rất mạnh. "Còn theo ghi nhận của chúng tôi, các giao dịch mua bán ở những khu vực này gần như không có nhu cầu thực", ông Đính nhấn mạnh.

Thu Hà