|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

[Gặp gỡ thứ Tư] Shark Thủy: 'Tạo ra doanh nghiệp tỷ đô chỉ mất 10-15 năm'

10:54 | 09/10/2019
Chia sẻ
Ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Egroup cho rằng nếu trước đây, để tạo ra doanh nghiệp tỷ đô mất đến vài chục năm thì ngày nay chỉ mất khoảng 10-15 năm.

Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Egroup Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) đã có cuộc trao đổi với Nhadautu.vn về tầm quan trọng của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế, chiến lược đầu tư của Egroup và các Startup.

Tạo ra doanh nghiệp tỷ đô chỉ mất 10-15 năm

Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của doanh nghiệp tư nhân trong sự phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt là những đóng góp của doanh nghiệp tư nhân ngành giáo dục trong thời đại 4.0?

Shark Nguyễn Ngọc Thủy: Cuộc cách mạng 4.0 đã tạo ra ảnh hưởng lớn đến vận mệnh đất nước, dân tộc và tương lai trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Nền kinh tế có những tăng trưởng tốt, ổn định, tín hiệu quốc tế cao. Có được điều này là nhờ vào sự thay đổi quan điểm về đường lối và cách nhìn nhận về doanh nghiệp tư nhân, lấy tư nhân làm động lực vận động, từ đó tạo ra được những đổi mới về nhận thức và thực tiễn.

Thời đại chúng ta đang sống có đặc trưng dựa trên nguồn lực trí tuệ, sự sáng tạo và công nghệ. Nếu như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 tập trung vào tự động hóa để giải phóng con người khỏi lao động chân tay thì cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 với sự bùng nổ về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo giúp giải phóng con người về trí não.

[Gặp gỡ thứ Tư] Shark Thủy: 'Tạo ra doanh nghiệp tỷ đô chỉ mất 10-15 năm' - Ảnh 1.

Shark Nguyễn Ngọc Thủy.

Dễ thấy rằng, việc lấy doanh nghiệp tư nhân làm chủ lực kinh tế sẽ là xu thế chính. Trong đó đặc biệt coi doanh nghiệp khởi nghiệp kiểu mới là động lực chính của kinh tế tư nhân. Tất nhiên, khởi nghiệp không chỉ kể đến những cá nhân khởi nghiệp mà còn là những doanh nghiệp lớn có sự thay đổi chuyển mình cũng được gọi là khởi nghiệp. Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phải được tạo điều kiện trong bối cảnh đổi mới.

Nhà nước sẽ hỗ trợ rất nhiều nếu tạo hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể sống và phát triển được. Nếu trước đây, để tạo ra doanh nghiệp tỷ đô mất đến vài chục năm thì ngày nay, chỉ mất khoảng 10-15 năm. Tốc độ thay đổi nhanh thì đòi hỏi mọi thứ cũng phải nhanh.

Theo ông, chúng ta cần tập trung vào điều gì trong giai đoạn này?

Shark Nguyễn Ngọc Thủy: Máy móc đang làm tốt hơn con người trong nhiều việc, nhiều người đã nghĩ đến vai trò nhỏ dần của con người, thậm chí bị thống trị bởi máy móc. Nhưng chỉ con người mới có thể liên tiếp tạo ra các cuộc cách mạng công nghiệp và làm chủ cuộc chơi. Trong 2 xu thế lớn nhất của nhân loại thời gian tới là toàn cầu hóa và số hóa, Việt Nam đang có lợi thế vượt trội về tài nguyên về con người.

Tuy nhiên, nếu chỉ cạnh tranh ở góc độ nhân công giá rẻ thì ưu thế này sẽ qua rất nhanh. Cái sâu xa vẫn là tính lợi thế chất lượng lao động. Trong đó tiếng Anh và công nghệ sẽ là nền tảng tối thiểu. Để phát triển con người thì phải nhờ đến giáo dục.

Muốn đào tạo được lượng lao động lớn có chất lượng cao giáo dục cần thay đổi cách tiếp cận vấn đề và giải quyết vấn đề. Thực tế ở nhiều quốc gia phát triển, tư nhân có vai trò lớn trong đổi mới dịch vụ giáo dục. Ở nước ta, hiện khá dễ dàng để tìm kiếm một dịch vụ giáo dục cơ bản. Nhiều doanh nghiệp đơn giản chỉ quan tâm đến việc thị trường muốn gì, thiết kế dịch vụ theo nhu cầu đó rồi bán thu tiền.

Nhưng đa số nhu cầu này của thị trường cũng được xây lên từ những hiểu biết hạn chế của cộng đồng do chính nền giáo dục cũ gây nên, thành ra nó bị méo mó sai lệch. Egroup hướng vào giải bài toán về đổi mới căn bản phương pháp giáo dục cho người Việt. Nếu làm được điều đó doanh nghiệp vừa có dịch vụ mới với sức cạnh tranh mới, lại vừa đem lại giá trị mới cho xã hội, qua đó nâng cao chất lượng nhân lực.

Doanh nghiệp phát triển dựa trên sự hài lòng của khách hàng

Thực tế ông và Egroup giải quyết điều đó như thế nào?

Shark Nguyễn Ngọc Thủy: Làm doanh nhân nên gắn bài toán kinh doanh vào việc giải quyết các vấn đề của xã hội. Tôi lấy ví dụ, tôi từng trăn trở tại sao người Việt học học nhiều, học cả ở trường lẫn học thêm trung tâm mà không nói được tiếng Anh. Nếu tôi cũng cung cấp một dịch vụ tương tự, chỉ cạnh tranh về giá hay cơ sở vật chất thì chắc chắn không giải quyết được vấn đề. Lời giải nằm ở phương pháp.

Tôi đi tìm và thấy giải pháp học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai (ESL) mà lẽ ra chúng ta cần áp dụng từ lầu rồi. Tuy nhiên, cơn sốt học tiếng Anh để lấy bằng cấp, lấy điểm và thành tích… đã đánh cắp cơ hội ấy của nhiều thế hệ. Khi áp dụng vào cho học sinh Apax English thì thấy kết quả hoàn toàn khác biệt. Một học sinh bình thường của Apax cũng có thể nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ với tâm thế tự tin rất hiếm thấy trước đây.

Đi xa hơn, chúng tôi nhận ra rằng tương lai thật gần, người ta không chỉ học tiếng Anh nữa mà sẽ học tiếng Anh thông qua hoạt động khác. Chính vì thế, chúng tôi áp dụng STEAM vào đào tạo tiếng Anh. Tiếp tục là đưa chương trình đào tạo tính cách nổi tiếng Hoa Kỳ là “The Leader in Me” tích hợp vào môi trường tiếng Anh để rèn luyện thói quen tích cực cho học sinh, giúp các em làm chủ bản thân, làm chủ cuộc sống của mình.

Xin nói thêm là việc làm chủ bản thân, với quan điểm của tôi, là sự cách tân vượt trội trong giáo dục ở Việt Nam. Chúng ta sẽ không thể thực hiện được nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm khi chính học sinh của chúng ta là những em bé thụ động, sợ hãi và luôn lo lắng vì áp lực đủ thứ.

Có làm chủ mới lắng nghe được những điều mình muốn, biết mình đam mê, thích thú cái gì. Người ta chỉ có thể đạt được kết quả tốt nhất và khác biệt với người khác khi làm những điều mình đam mê. Xã hội sẽ được hưởng lợi khi có những công dân tự chủ trong lối sống và có thể tạo ra những thành tựu đột phá từ những cá nhân đam mê.

Gần đây Egroup hợp tác với Hàn Quốc để liên kết, trao đổi về mô hình giáo dục, vì sao Egroup lại chọn Hàn Quốc mà không chọn quốc gia khác có nền giáo dục phát triển hơn?

Shark Nguyễn Ngọc Thủy: Việt Nam – Hàn Quốc có nhiều điểm chung từ văn hóa truyền thống đến cách nghĩ về cuộc sống. Một trong những yếu tố dẫn đến thành công của Hàn Quốc là giáo dục và người Việt Nam cũng thế. Điểm tương đồng là cho dù hoàn cảnh sống rất khó khăn vẫn muốn cho con cái học hành đầy đủ. Người Việt Nam hiếu học, coi trọng sự học giống người Hàn Quốc. Đây là điểm nhấn để Việt Nam thành công.

Có nhiều yếu tố dẫn đến kỳ tích sông Hàn của người Hàn Quốc. Nhưng yếu tố hàng đầu mà người Hàn Quốc luôn khẳng định đó là triết lý "Giáo dục thay đổi số phận". Giáo dục có khả năng cải biến xuất phát điểm thấp của cá nhân, sự sống còn của doanh nghiệp và thay đổi vận mệnh dân tộc. Việt Nam với truyền thống hiếu học cùng thế mạnh về thời điểm dân số vàng cũng sẽ tạo sự khác biệt từ nhân tố con người.

Người Hàn Quốc có văn hóa "Nhanh – Nhanh", làm gì cũng nhanh và quyết liệt. Để vươn lên, người Hàn đã tiến hành 2 cuộc chiến vô cùng khắc nghiệt là "Cuộc chiến theo đuổi" và "Cuộc chiến tốc độ". Phương châm này rất phù hợp với chiến lược phát triển của Egroup. Và minh chứng là sự hợp tác giữa Tập đoàn Chungdahm Learning và Tập đoàn Egroup trong việc phát triển hệ thống trung tâm tiếng Anh Apax với tốc độ đáng kinh ngạc, nhưng vẫn dựa trên sự hài lòng của khách hàng.

Một điểm đặc biệt nữa để chúng tôi lựa chọn hợp tác với Hàn Quốc là vì Hàn Quốc luôn ứng dụng mạnh công nghệ trong giáo dục. Công nghệ giúp nhân rộng hệ thống nhanh chóng và tạo sự đồng bộ trong quản lý chất lượng. Hàn Quốc có ý thức học hỏi các nền giáo dục hàng đầu thế giới như Mỹ, nhưng họ vẫn luôn chuẩn hóa để phù hợp với trẻ em Hàn Quốc nói riêng và châu Á nói chung.

Hàn Quốc phát triển được vì họ có tinh thần Đại hàn dân quốc vô cùng mạnh mẽ và họ rất ủng hộ tinh thần dùng sản phẩm, thương hiệu của chính họ. Việt Nam cũng phải đẩy được tinh thần Việt Nam lên, không chỉ là khẩu hiệu mà cần thúc đẩy, hỗ trợ các mặt hàng, thương hiệu của Việt Nam.

Đầu tư cho Startup không phải cảm xúc nhất thời

Tôi đã xem nhiều chương trình Shark Tank Việt Nam, ông được gọi "Cá mập thích lao vào khi người khác bỏ đi". Nhiều người cho rằng ông liều lĩnh (dù đã thành công khi đầu tư vào hệ thống đậu nành chuẩn hữu cơ Soya Garden) khi vươn tầm ra khỏi giáo dục. Ông nghĩ sao về điều này?

Shark Nguyễn Ngọc Thủy:  Đầu tư nói chung luôn luôn có rủi ro, đặc biệt là đầu tư vào Startup. Tuy nhiên, tôi luôn tự tin vào quyết định đầu tư của mình vì hiểu rõ cả điểm mạnh - điểm yếu và có giải pháp cho điểm yếu ấy. Những Startup mà tôi đầu tư trên Shark Tank không phải là cảm xúc tức thời mà là có sự tính toán.

[Gặp gỡ thứ Tư] Shark Thủy: 'Tạo ra doanh nghiệp tỷ đô chỉ mất 10-15 năm' - Ảnh 2.

Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Egroup cho rằng những Startup mà tôi đầu tư trên Shark Tank không phải là cảm xúc tức thời mà là có sự tính toán.

Quan điểm đầu tư của tôi đều liên quan đến chữ NG. Thứ nhất là Ngành, có đủ lớn hay không, đã có kẻ dẫn đầu chưa và Startup có gì khác biệt để có thể dẫn đầu.

Thứ hai là chữ Người, khi tôi đầu tư vào các Startup nghĩa là tôi chủ yếu đầu tư vào con người, là phải nghĩ xem người sáng lập ấy có tầm nhìn không, có tin cậy được không, có đủ nhiệt huyết không, có khát vọng đủ lớn không, có kiên trì đến cùng không. Chính các tiềm năng này cần được chú trọng phân tích khi cân nhắc đầu tư khởi nghiệp.

Khi lựa chọn các Startup để đầu tư, tôi cân nhắc liệu Startup đó có thể trở thành mảnh ghép trong hệ sinh thái của chúng tôi hay không và hệ sinh thái của chúng tôi có thể hỗ trợ được những gì, về công nghệ, về tập khách hàng cho sự phát triển của Startup đó. Ngoài cốt lõi là giáo dục ứng dụng công nghệ, chúng tôi còn mở rộng đầu tư sang lĩnh vực ẩm thực, sức khỏe, làm đẹp với những sản phẩm chất lượng cao, bắt nhịp xu hướng toàn cầu.

Ông kỳ vọng gì ở các Startup Việt?

Shark Nguyễn Ngọc Thủy: Chúng tôi sinh ra trong thời bình, được tiếp cận với nền kinh tế số và thị trường toàn cầu hóa. Tôi thấy thế hệ trẻ hôm nay không ngại các doanh nghiệp nước ngoài. Thế hệ trẻ hôm nay có tư duy toàn cầu, chứ không phải tư duy nội địa nữa cho nên chúng ta có thể mường tượng được tương lai 5-10-15 năm tới.

Chúng ta không chỉ có các Startup Việt Nam mà còn thu hút người Việt Nam ở nước ngoài về nước và thậm chí cả người nước ngoài đến Việt Nam khởi nghiệp. Singapore đã làm được và rất thành công trong thu hút khởi nghiệp. Vậy tại sao Việt Nam không làm được?

Tôi kỳ vọng các Startup sẽ lựa chọn được hướng đi đột phá, ở nhiều lĩnh vực và có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn ban đầu để chuyển mình từ startup thành Start business.

Khởi nghiệp là lĩnh vực mới, đóng góp về thuế và các lĩnh vực chưa nhiều nhưng khoảng 5-10 năm nữa nó sẽ bùng nổi, đây là lợi thế của Việt Nam. Tôi tin với sự ủng hộ, hỗ trợ của Đảng, nhà nước, Chính phủ cùng 1 thế hệ trẻ được đào tạo, có tri thức, Việt Nam sẽ hóa rồng.

Xin cảm ơn ông!


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thắng Quang