'Kỳ lân công nghệ sẽ xuất hiện ở Việt Nam trong hơn một năm nữa'
"Chúng ta sẽ sớm thấy sự xuất hiện của các kỳ lân công nghệ tại Việt Nam trong khoảng hơn một năm nữa. Những thương vụ đầu tư hàng chục triệu USD trong thời gian gần đây cho thấy nhiều tín hiệu tốt cho thị trường khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam", vị này nói.
Bà Lê Hoàng Uyên Vy từng là CEO Adayroi, một dự án thương mại điện tử của Vingroup. Sau đó bà Mỹ học về thực tế ảo (Virtual reality). Đầu năm 2018, bà trở lại Việt Nam đảm nhận vị trí Đối tác Điều hành của Quỹ ESP Capital.
Bà Lê Hoàng Uyên Vy - Đối tác Điều hành của Quỹ ESP Capital tại buổi tọa đàm ngày 6/6.
Tại phiên thảo luận, bà Mandy Nguyễn – Giám đốc phát triển hệ sinh thái của Startup Vietnam Foundation cũng lạc quan về những cơ hội trưởng thành của các startup Việt. Các chuyên gia nhận định, câu chuyện tech startup tại Việt Nam cũng khá giống với những gì đã từng diễn ra tại Indonesia gần đây, với nhiều yếu tố khách quan được hội tụ đầy đủ hiện tại.
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn như việc làm sao để những nguồn vốn đầu tư có thể tiếp cận được với hơn 4.000 startup tại Việt Nam. Hiện có đến 90% các startup chưa nhận được nguồn vốn cần thiết từ các quỹ đầu tư cho giai đoạn phát triển của mình.
Ba từ khóa được đề cập nhiều nhất và được xem là hứa hẹn cơ hội lớn cho khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam thời gian tới được đưa ra tại sự kiện bao gồm Digital Transformation (chuyển đổi số), AI (trí thông minh nhân tạo, ứng dụng trong tài chính, bán lẻ, xử lý hành vi tiêu dùng), Mobile và Data Driven (tối ưu hóa và tận dụng những lợi thế từ mobile).
Trong đó, ông Vũ Anh Tú – Phó tổng giám đốc FPT Telecom nhận định, AI tại Việt Nam đã đạt đến giai đoạn chín muồi cần thiết. Các doanh nghiệp cũng đã dần có những bước tiến rõ rệt trong việc chuyển đổi số giúp tối ưu hóa nguồn lực doanh nghiệp, giải phóng sức người để làm được nhiều việc quan trọng hơn.
Ngay tại FPT Telecom, việc chuyển đổi từ hợp đồng thường sang sử dụng hợp đồng điện tử đã giúp triển khai các dịch vụ được nhanh hơn, rút ngắn thời gian từ 3 ngày xuống chỉ còn 30 phút cho một hợp đồng.
Ở mảng di dộng, bà Phan Bích Tâm – Giám đốc Quốc gia của Hiệp hội Mobile Marketing Việt Nam, Myanmar và Campuchia chỉ ra rằng, thị trường quảng cáo Việt Nam, đặc biệt là mảng di động, sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2019.
Theo bà Tâm, chìa khóa mấu chốt của thị trường này nằm ở khu vực nông thôn. Đây là nơi có lượng truy cập di dộng tăng trưởng rất mạnh, tỷ lệ chuyển đổi tại khu vực này dần tốt hơn khi hành vi mua hàng và tiêu dùng online cũng đã trở nên phổ biến. Các chuyên gia đánh giá đây là thị trường màu mỡ để các doanh nghiệp tiếp cận một lượng khách hàng mới nếu biết tận dụng nhiều nền tảng đang có mặt tại Việt Nam.
Ngoài triển vọng, các chuyên gia cũng chỉ ra 3 thách thức lớn của thị trường tiếp thị di động bao gồm: Measurement attribution (đo lường dữ liệu), Consumer Privacy (tính năng bảo mật), Data quality (chất lượng dữ liệu). Đây cũng là một bài toán lớn mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải.