Ga đường sắt (Railway Station) là gì? Qui hoạch ga đường sắt đối ngoại
Ga đường sắt (Railway Station)
Ga đường sắt - danh từ, trong tiếng Anh được gọi là Railway Station, Train Station hay Railroad Station.
Ga đường sắt là nơi dừng đỗ đậu tàu, là nơi tập kết hành khách và hàng hóa, là nơi tập trung sửa chữa các đoàn tàu. (Theo UIC - International Union of Railways)
Luật Đường sắt năm 2017 qui định: "Ga đường sắt là nơi để phương tiện giao thông đường sắt dừng, tránh, vượt, đón, trả khách, xếp, dỡ hàng hoá, thực hiện tác nghiệp kĩ thuật và các dịch vụ khác."
Qui định về ga đường sắt
Phân loại ga đường sắt
a) Ga hành khách để đón, trả khách, thực hiện dịch vụ liên quan đến vận tải hành khách, tác nghiệp kĩ thuật và kinh doanh dịch vụ thương mại khác;
b) Ga hàng hoá để giao, nhận, xếp, dỡ, bảo quản hàng hoá, thực hiện dịch vụ khác liên quan đến vận tải hàng hoá và tác nghiệp kĩ thuật;
c) Ga kĩ thuật để thực hiện các tác nghiệp kĩ thuật phục vụ chạy tàu;
d) Ga hỗn hợp có chức năng của các loại ga trên.
Yêu cầu về ga đường sắt
a) Tùy theo cấp kĩ thuật ga, ga đường sắt gồm có nhà ga, quảng trường, kho, bãi hàng, ke ga, tường rào, khu dịch vụ, trang thiết bị cần thiết và công trình khác có liên quan đến hoạt động đường sắt;
b) Ga đường sắt phải có tên ga và thông tin, chỉ dẫn cho khách hàng. Tên ga không trùng nhau và phù hợp với địa danh, lịch sử, văn hóa, thuần phong mỹ tục của địa phương.
Tại các ga trên đường sắt quốc gia trong đô thị loại III trở lên, ga đầu mối, ga liên vận quốc tế phải bố trí nơi làm việc cho cơ quan quản lí nhà nước hoạt động thường xuyên có liên quan đến hoạt động đường sắt theo qui hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
c) Phải có hệ thống thoát hiểm; hệ thống phòng cháy và chữa cháy; hệ thống cấp điện, chiếu sáng, thông gió; hệ thống cấp, thoát nước; hệ thống bảo đảm vệ sinh môi trường và yêu cầu kĩ thuật khác của nhà ga;
d) Ga hành khách phải có công trình, thiết bị chỉ dẫn tiếp cận cho người khuyết tật và đối tượng được ưu tiên theo qui định của pháp luật; hệ thống điện thoại khẩn cấp, phương tiện sơ cứu y tế;
đ) Ga liên vận quốc tế, ga trung tâm phải có kiến trúc mang đặc trưng lịch sử, bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương, vùng miền. Ga đường sắt tốc độ cao phải có thiết bị kiểm soát bảo đảm an ninh, an toàn;
e) Tại các ga đường sắt quốc gia, ga đường sắt đô thị được phép xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ thương mại, văn phòng.
Qui hoạch ga đường sắt đối ngoại
Về giao thông đối ngoại có thể phân chia nhà ga đường sắt làm nhiều loại, tuy nhiên có một số loại ga chính như sau:
- Ga hành khách: Ga hành khách là nơi phục vụ số lượng lớn hành khách của đô thị đi lại. Tùy thuộc qui mô đô thị, ga hành khách có thể có qui mô rất lớn với rất nhiều đường tàu đậu. Gồm 3 loại chính: ga xuyên, ga cụt và ga hỗn hợp.
- Ga hàng hóa: Là nơi chủ yếu để bốc dỡ và xếp hàng hóa. Đối với các đô thị lớn ga hàng hóa được bố trí riêng biệt. Ga hàng hóa có hai bộ phận chính là bãi hàng và sân ga. Bãi hàng dùng để chứa hàng, và xếp dỡ hàng hóa.
- Ga kĩ thuật lập tàu: ga lập tàu thường được bố trí ở các đô thị lớn, khu công nghiệp, khu khai thác mỏ... Khu vực ga lập tàu là khu vực khá phức tạp, đây là nơi lắp ráp các toa tàu, đầu máy. Khi tổ chức tránh chồng lẫn gây cản trở nhau.
Ngoài ra còn tùy theo tính chất và qui mô ga còn có thể có ga cảng, ga khu đoạn hay ga trung gian...
Thông thường việc bố trí nhà ga đường sắt luôn là sự phối hợp với nhau các loại ga có thể kết nối với nhau thành một chuỗi. Đối với các đô thị lớn số lượng nhà ga đường sắt rất nhiều tùy theo qui mô vận chuyển của đô thị. (Theo Lí thuyết qui hoạch đô thị, Trường ĐH Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh)