|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đã có ngân hàng đồng ý mua lượng lớn tài sản của Silicon Valley Bank

13:57 | 27/03/2023
Chia sẻ
First Citizens BancShares đã đồng ý mua lại một phần tài sản của Silicon Valley Bank, ngân hàng bị các cơ quan quản lý tiếp quản hồi đầu tháng 3 sau khi bị khách hàng rút hàng chục tỷ USD tiền gửi.

First Citizens đã đồng ý mua lượng lớn tài sản của Silicon Valley Bank. (Ảnh minh hoạ: Fox News/Reuters).

Theo tuyên bố từ Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), First Citizens BancShares có trụ sở tại North Carolina đã đồng ý mua lại tiền gửi và các khoản cho vay của Silicon Valley Bank (SVB).

Theo thoả thuận, ngân hàng First Citizens sẽ mua khoảng 72 tỷ USD tài sản của SVB với mức chiết khấu 16,5 tỷ USD. Trong khi đó, khoảng 90 tỷ USD chứng khoán và các tài sản khác vẫn do FDIC kiểm soát.

Cũng theo tuyên bố trên, FDIC còn có quyền hưởng lợi khi giá cổ phiếu của First Citizens tăng (equity appreciation rights), giá trị có thể lên tới 500 triệu USD. 

Ngoài ra, chi phí ước tính mà Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi cần để xử lý vụ sụp đổ của SVB là khoảng 20 tỷ USD, dù các nhà chức trách phải đợi đến khi FDIC chấm dứt quyền kiểm soát SVB mới có thể xác định con số chính xác.

Trong một tuyên bố khác, ông Frank Holding Jr., CEO của First Citizens, bày tỏ: “Đây là một giao dịch đáng nhớ trong mối quan hệ đối tác giữa chúng tôi với FDIC. Thoả thuận này sẽ thúc đẩy niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng”.

17 chi nhánh trước đây của Silicon Valley Bridge Bank, N. A. (ngân hàng bắc cầu do FDIC lập ra) sẽ hoạt động trở lại với tên gọi First–Citizens Bank & Trust Company từ ngày 27/3/2023, tuyên bố của FDIC cho hay. 

“Khách hàng của Silicon Valley Bridge Bank, N. A. sẽ tiếp tục giao dịch qua các chi nhánh hiện tại cho đến khi nhận được thông báo từ First-Citizens Bank & Trust Company về việc chuyển đổi hệ thống đã hoàn tất...”, tuyên bố nêu rõ. 

 

Đầu tháng này, SVB đã đột ngột sụp đổ sau khi chứng kiến khách hàng rút tiền gửi ồ ạt. Với tổng tài sản khoảng 209 tỷ USD, SVB đã trở thành nhà băng thứ hai sụp đổ tại Mỹ, chỉ sau Washington Mutual năm 2008.

Ngân hàng có trụ sở tại California này đã chịu khoản lỗ 1,8 tỷ USD từ danh mục đầu tư trái phiếu Kho bạc sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất để khống chế lạm phát vào năm ngoái.

SVB phải gấp rút huy động vốn để đáp ứng nhu cầu rút tiền gửi của khách hàng. Chỉ riêng ngày 9/3, người gửi tiền đã rút ra khoảng 42 tỷ USD. Song cuối cùng, mọi nỗ lực của SVB đều bất thành và ngân hàng bị FDIC tiếp quản vào ngày 10/3.

Các cơ quan quản lý đã chạy đua để dàn xếp một thoả thuận cho toàn bộ hoặc một phần tài sản của SVB nhằm chi trả khoản tiền gửi không được bảo hiểm tại nhà băng này.

Tuy nhiên, các nỗ lực trước đó đều thất bại bởi không có người mua. Sau đó, FDIC đã mở rộng quy trình rao bán SVB sau khi nhận được “mối quan tâm lớn” từ nhiều bên mua tiềm năng.

Theo Bloomberg, việc First Citizens muốn mua lại SVB đã khiến một số nhà quan sát bối rối, vì họ không chắc liệu ngân hàng có trụ sở tại North Carolina có đủ khả năng để xử lý mớ hỗn độn tại SVB hay không.

Song, First Citizens là ngân hàng thương mại lớn thứ 30 tại Mỹ tính theo tài sản vào cuối năm 2022, theo dữ liệu của Fed. Bloomberg cho biết nhà băng này đã có kinh nghiệm mua đứt đối thủ.

First Citizens đã mua lại hơn 20 ngân hàng được FDIC tiếp quản kể từ năm 2009 và hoàn thành một loạt thoả thuận sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Năm ngoái, First Citizens cũng đã hoàn tất việc mua lại CIT Group trong một thỏa thuận trị giá hơn 2 tỷ USD.

Trong khoảng ba tuần trở lại đây, ngoài SVB còn có hai ngân hàng khu vực khác cũng sụp đổ là Silvergate và Signature Bank, làm dấy lên lo ngại về sức khoẻ của hệ thống nhà băng Mỹ. Signature Bank hiện đang được FDIC tiếp quản.

Khả Nhân