|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

EVFTA ngành rau quả: Cơ quan có thẩm quyền về SPS của Việt Nam và EU

15:45 | 11/04/2021
Chia sẻ
EVFTA có một số cam kết xác định rõ phân quyền quản lý SPS ở mỗi bên.
EVFTA ngành rau quả: Cơ quan có thẩm quyền về SPS của Việt Nam và EU - Ảnh 1.

Theo Cẩm nang doanh nghiệp "EVFTA và Ngành Rau quả Việt Nam" do Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội (HPA) biên soạn, việc tồn tại quá nhiều cơ quan cùng quản lý về các vấn đề SPS, đặc biệt là khi việc phân chia chức năng giữa các cơ quan này không rõ ràng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng chồng lấn, vướng mắc trong quản lý SPS, gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa.

Nhằm giải quyết một phần tình trạng này, EVFTA có một số cam kết xác định rõ phân quyền quản lý SPS ở mỗi Bên như sau:

Cơ quan quản lý SPS của Việt Nam

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chịu trách nhiệm về các biện pháp SPS sau: (i) Đối với hàng nhập khẩu: Giám sát, kiểm soát, ngăn chặn các loại dịch bệnh, sâu bệnh ảnh hưởng tiêu cực đến con người, động thực vật và nền kinh tế; (ii) Đối với hàng xuất khẩu: Thanh tra, kiểm dịch và phát hành giấy chứng nhận bảo đảm đáp ứng các SPS của EU;

Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, tùy thuộc chức năng của mình, chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm sử dụng cho người, bao gồm: (i) Đối với thực phẩm nhập khẩu, thực hiện việc giám sát, kiểm soát, ban hành các SPS và thủ tục chứng nhận SPS, tiến hành quy trình đánh giá rủi ro của sản phẩm, kiểm tra các cơ sở sản xuất về việc tuân thủ các SPS của Việt Nam; (ii) Đối với thực phẩm xuất khẩu, kiểm tra và cấp chứng nhận;

Cơ quan quản lý SPS của EU

Đối với sản phẩm xuất khẩu sang Việt Nam: Mỗi nước thành viên EU chịu trách nhiệm giám sát bảo đảm quá trình sản xuất tuân thủ các yêu cầu liên quan, thanh tra và phát hành chứng nhận sự phù hợp của hàng hóa với các yêu cầu SPS của Việt Nam;

Đối với sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam: Mỗi nước thành viên EU chịu trách nhiệm kiểm tra sự phù hợp của hàng hóa nhập khẩu với các điều kiện nhập khẩu của EU;

Ủy ban châu Âu (cơ quan cấp Liên minh) chịu trách nhiệm về phối hợp chung, kiểm tra/thanh tra hệ thống kiểm soát và hệ thống pháp luật liên quan của các nước thành viên nhằm bảo đảm việc áp dụng thống nhất các SPS của thị trường nội địa EU.

Đọc toàn văn Cẩm nang Doanh nghiệp EVFTA và Ngành rau quả Việt Nam tại đây.