Sầu riêng vào giai đoạn cuối vụ, kim ngạch xuất khẩu tháng 11 giảm gần 75%
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết trong tháng 11, giá trị xuất khẩu sầu riêng đạt 91 triệu USD, giảm 74% so với tháng 10 nhưng tăng 18% so với tháng 11/2022, chủ yếu do sầu riêng ở khu vực Tây Nguyên đã vào cuối vụ, các khu vực khác chưa đến giai đoạn thu hoạch.
Tính chung 11 tháng năm 2023, xuất khẩu sầu riêng đạt gần 2,2 tỷ USD, gấp 5,8 lần cùng kỳ năm 2022, chiếm 42% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Còn lại, Việt Nam xuất khẩu sầu riêng sang một số thị trường khác như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Pháp… tuy nhiên kim ngạch và tỷ trọng còn khiêm tốn.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng trong năm 2023 có thể đạt mức kỷ lục 2,2 - 2,3 tỷ USD, gấp 5 lần năm 2022 và gấp 10 lần năm 2021.
Ông Nguyên kỳ vọng sau chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam, nước này sẽ mở cửa với sầu riêng đông lạnh, kim ngạch xuất khẩu có thể tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Còn theo bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Chánh Thu, doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng top đầu cho biết sầu riêng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp trong năm 2023, góp phần đưa doanh thu gấp đôi năm 2022.
Với nhu cầu khổng lồ từ thị trường 1,4 tỷ dân, bà Vy cho rằng ngành sầu riêng của Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng, thị phần có thể ở mức 40% trong vòng 5 năm tới.
Tuy nhiên trong năm 2023, ngành sầu riêng cũng bộc lộ nhiều điểm yếu, trong đó liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp còn lỏng lẻo, một số lô hàng chưa tuân thủ quy định của thị trường xuất khẩu.
Đại diện Vinafruit cho biết để đàm phán cho sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc không phải ngày một ngày hai. Do vậy, các doanh nghiệp cần phải trân quý cơ hội này và giữ uy tín cho Việt Nam.
"Nếu Trung Quốc phát hiện sầu riêng non, sâu, không đáp ứng quy định, loại trái cây này sẽ bị cảnh báo và tiêu hủy, thậm chí ngừng mua hàng. Lúc đó, 95% sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam sẽ bán đi đâu?
Hãy nhìn Chile, Thái Lan có thể trụ lại ở Trung Quốc nhờ giữ gìn uy tín, chất lượng sản phẩm. Nếu mình không tự cải tiến, ngành rau quả có thể bị lùi về phía sau”, ông Nguyên chia sẻ.