|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhật Bản tiêu hủy hai lô hàng sầu riêng, ớt Việt Nam do tồn dư hóa chất

07:33 | 04/12/2023
Chia sẻ
Đại diện công ty Japan Apple LLC cho biết với lô sầu riêng bị tiêu hủy, doanh nghiệp thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Còn lô hàng ớt, nếu không nhập khẩu bù, khả năng cao sẽ bị phạt theo hợp đồng.

Nhật Bản vừa tiêu hủy hai lô hàng sầu riêng, ớt nhập khẩu từ Việt Nam do tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.

Trao đổi với Thanh Niên, bà Lê Thị Kiều Oanh, Giám đốc Công ty Japan Apple LLC, đơn vị nhập khẩu cho biết lô hàng sầu riêng khoảng 1,4 tấn nhập qua một doanh nghiệp lớn tại Việt Nam từ ngày 5/10, với giá 132.000 đồng/kg.

Khi hàng đến Nhật Bản, cơ quan kiểm dịch nước này đã lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện tồn dư hoạt chất procymidone với hàm lượng 0,03 ppm, trong khi tiêu chuẩn cho phép của Nhật Bản là 0,01 ppm. Đây là hoạt chất có trong thuốc trừ sâu có tác dụng diệt nấm mốc.

Còn với lô hàng hơn 4 tấn ớt, cơ quan kiểm dịch Nhật Bản lấy mẫu xét nghiệm, trong đó có 2/4 hoạt chất tồn dư vượt ngưỡng cho phép, gồm tricyclazole 0,2 ppm và hexaconazole 0,03 ppm, trong khi tiêu chuẩn cho phép là 0,01 ppm.

"Cả hai lô hàng đều bị cơ quan kiểm dịch Nhật Bản yêu cầu tiêu hủy. Với lô sầu riêng, doanh nghiệp thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Còn lô hàng ớt nếu không nhập khẩu bù thì khả năng cao sẽ bị phạt theo hợp đồng", bà Oanh nói.

Theo bà Lê Thị Kiều Oanh, cơ quan kiểm dịch Nhật Bản đang áp dụng quy định kiểm dịch tất cả sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam, khiến các doanh nghiệp tốn kém nhiều chi phí, thời gian hàng lưu kho kéo dài ảnh hưởng đến khâu phân phối, tiêu thụ.

Nhật Bản là thị trường xuất khẩu bền vững của nhiều trái cây Việt Nam, đặc biệt là sầu riêng. Tuy nhiên, chất lượng của loại trái cây này đang vấn đề, khiến các nhà nhập khẩu "đau đầu" khi liên tục gặp rủi ro, thiệt hại.

Ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho biết Nhật Bản là thị trường có tiêu chuẩn rất cao đối với các loại hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là trái cây. Khi đã thâm nhập được vào thị trường này thì xuất khẩu sẽ ổn định và lâu dài, nhưng các doanh nghiệp phải đảm bảo được chất lượng sản phẩm, giá bán và sản lượng cung ứng.

Ông Tạ Đức Minh khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi kinh doanh với Nhật Bản không nên dừng ở việc mua đứt, bán đoạn mà nên tiếp tục theo dõi, kiểm soát xem sản phẩm của mình được thị trường đón nhận như thế nào, khách hàng phản hồi ra sao, tránh những rủi ro không đáng có.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy 10 tháng năm 2023, xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 2 tỷ USD, gấp 7 lần cùng kỳ năm 2022, chiếm 42% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả. 

Trong đó, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu sầu riêng lớn thứ 8 của Việt Nam, kim ngạch đạt gần 1,3 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022.

Hoàng Anh