|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Diện tích sầu riêng tăng mạnh, Bộ NN&PTNT nói gì?

07:53 | 02/11/2023
Chia sẻ
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết diện tích sầu riêng của Việt Nam đang ở mức 85.000 ha, trong đó 51% đã cho thu hoạch, còn lại đang trong thời gian chăm sóc.

Việt Nam có 85.000 ha sầu riêng, trải dài 34 tỉnh, thành

Trao đổi với báo chí chiều 1/11, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết sau khi  sầu riêng được cấp "visa" sang Trung Quốc, giá trị xuất khẩu loại quả này tăng mạnh và dự kiến đạt hơn 2 tỷ USD trong năm 2023.

Số liệu của Tổng cục Hải quan, 9 tháng năm 2023 kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt 1,6 tỷ USD, gấp hơn 14 lần so với cùng kỳ năm trước.

Vượt qua thanh long, mít, chuối... sầu riêng đã trở thành loại trái cây có trị giá xuất khẩu lớn nhất, chiếm tới 39% kim ngạch xuất khẩu rau quả 9 tháng năm 2023, theo VTV

Tuy nhiên trong thời gian qua, diện tích trồng loại quả này tăng nóng làm dấy lên lo ngại về tiêu thụ, “được mùa, mất giá”.

Tại phiên họp Quốc hội sáng 1/11, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Bình Phước) đặt vấn đề diện tích sầu riêng hiện nay là một báo động.

Cụ thể, quy hoạch đến năm 2030, cả nước phát triển khoảng 65.000-75.000 ha sầu riêng nhưng hiện cả nước đã có 131.000 ha sầu riêng, tức diện tích cây trồng này tăng trưởng 24,5%/năm. Riêng tỉnh Bình Phước, hiện có khoảng 5.300 ha sầu riêng.

Đại biểu lo ngại tình trạng người dân ở một số tỉnh, thành phía Nam đổ xô trồng sầu riêng có thể dẫn đến hậu quả phá vỡ quy hoạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro khi cung vượt xa cầu, “sầu riêng trở thành sầu chung”.

Phản hồi về vấn đề này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết diện tích sầu riêng Việt Nam đang ở mức 85.000 ha, trong đó 51% đã cho thu hoạch, còn lại đang trong thời gian kiến thiết cơ bản.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng ngoài việc ổn định về diện tích, sản lượng như hiện có, ngành nông nghiệp cũng cần quan tâm đến quy trình canh tác, giải pháp khoa học công nghệ nhằm nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

 Việt Nam có khoảng 85.000 ha trồng sầu riêng, rải rác ở 34 tỉnh, thành. (Ảnh: VTV)

Cũng bàn đến việc phát triển diện tích sầu riêng tại diễn đàn gần đây, ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk cho biết, hiện 34 tỉnh, thành trên cả nước đã trồng sầu riêng, trong đó 3 tỉnh có diện tích trồng hơn 10.000 ha. Ngay cả một số tỉnh như Lào Cai, Sơn La cũng thử nghiệm loại cây được xem là “vua của các loại quả”.

Vụ thu hoạch sầu riêng được rải khá đều, từ Nam Bộ lên Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung. Tổng sản lượng cả nước năm nay ước khoảng 900.000 tấn.

Tính đến tháng 9, sầu riêng được trồng tại 12/15 huyện tại Đắk Lắk với tổng diện tích khoảng 28.000 ha, tăng 6.000 ha so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, diện tích trồng xen của địa phương khá lớn, diện tích trồng thuần, đủ điều kiện cấp mã số vùng trồng, chưa tới 10.000 ha.

Để sầu riêng Đắk Lắk phát triển bền vững, chúng tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu, đánh giá việc trồng xen sầu riêng với cây trồng khác, tạo cơ sở đàm phán với Trung Quốc để chấp thuận hình thức canh tác này. Bằng không, sẽ rất gay go cho sầu riêng trồng xen”, ông Vũ Đức Côn đề xuất.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, địa bàn mới kinh doanh khoảng một phần ba diện tích sầu riêng. Nếu toàn bộ diện tích đang phát triển hiện tại cho thu hoạch, sản lượng sầu riêng của tỉnh có thể vượt 300.000 tấn, gấp 1,5 lần sản lượng hiện tại.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cũng nhận định cơ hội xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc nhiều nhưng rủi ro cũng không ít.

“Sầu riêng là loại cây lâu năm, 3-5 năm mới cho thu hoạch, chi phí đầu tư ban đầu lớn. Nếu phát triển nóng diện tích trái cây này, nông dân có thể chưa thu hoạch được trái ngọt đã phải rơi vào tình trạng dư cung, mất giá”, ông Cường nói.

Lãnh đạo Cục Trồng trọt cho biết quy định hiện hành không quy hoạch với bất cứ sản phẩm, cây trồng nào. Cục cũng đã có văn bản khuyến cáo người dân không tăng diện tích sầu riêng “theo phong trào, thiếu định hướng”.

"Thay vì tăng diện tích, sản lượng, nông dân cần tập chung tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối nhằm nâng cao giá trị gia tăng", công văn của Cục Trồng trọt lưu ý.

Nhiều vấn đề phát sinh nếu diện tích, sản lượng tăng nóng

Thực tế, khi cả diện tích, sản lượng cùng tăng mạnh, những vấn đề liên quan đến tiêu thụ có thể phát sinh.

Ông Vũ Đức Côn cho biết việc liên kết, thu mua, Đắk Lắk đang có ba hình thức chính. Thứ nhất, một số doanh nghiệp đặt cọc với người sản xuất, cách thời điểm thu hoạch 1-2 tháng bằng hợp đồng mua bán. Số tiền đặt cọc khoảng 30% giá trị theo sản lượng bán xô ước tại vườn.

Thứ hai, một số hộ tự chốt giá với doanh nghiệp tại thời điểm sầu riêng bắt đầu ra hoa. Nguyên nhân là do người dân cần tiền để đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… chăm sóc cho vườn cây.

Thứ ba, một số đối tượng thương lái, cò vào tận vườn người dân để chốt giá ở mức 80.000-90.000 đồng/kg. Điều nay gây ra nhiều thông tin nhiễu loạn thị trường.

Còn về tiêu thụ, sầu riêng Đắk Lắk chủ yếu thông qua hình thức bán quả tươi, tỷ trọng chế biến thấp. Do đó, ông Côn đề xuất các cơ quan quản lý, hiệp hội, ngành hàng sẽ trở thành cầu nối liên kết giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân giúp vấn đề thu mua, tiêu thụ thuận lợi và bài bản hơn.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cần xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành nhằm đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm liên quan đến sầu riêng, đảm bảo quyền lợi cho người dân, chủ vườn.

“Điều chúng ta cần làm và thống nhất ngay, đó là không thỏa hiệp với những vấn đề tác động xấu tới chất lượng sản phẩm, thương hiệu, uy tín của ngành hàng sầu riêng Việt Nam”, ông Vũ Đức Côn nói.

Hoàng Anh