90% sầu riêng loại ngon của Việt Nam xuất sang Trung Quốc nhưng chưa cạnh tranh lại hàng Thái Lan, Malaysia
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy tính đến ngày 15/10, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 4,5 tỷ USD, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả này, ngành rau quả đang tiến rất gần với mục tiêu 5 tỷ USD.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết vượt qua các loại trái cây khác, sầu riêng dự kiến đóng góp hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả, tương ứng khoảng 2 tỷ USD.
Bình luận về sự phát triển của ngành sầu riêng trong podcast “5 phút chuyện thị trường”, nhà báo Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao thông tin năm 2025, dung lượng thị trường sầu riêng của Trung Quốc có thể đạt 20 tỷ USD và cả thế giới là 28,6 tỷ USD. Mức độ tăng trưởng của ngành sầu riêng trong giai đoạn 2019-2025 được dự báo khoảng 7,2%/năm.
Bên cạnh những cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, bà Vũ Kim Hạnh cũng nhìn nhận thấy một số rủi ro khi thị trường sầu riêng Việt Nam đang trồi sụt khá thất thường.
Theo bà, 90% sầu riêng loại ngon của Việt Nam đã xuất khẩu qua Trung Quốc, tuy nhiên xét theo tổng lượng nhập khẩu của thị trường 1,4 tỷ dân, thị phần của hàng Việt Nam chỉ chiếm 5%, còn lại là hàng Thái Lan, Malaysia.
Sau khi sầu riêng được cấp “visa” xuất khẩu sang Trung Quốc, những hiện tượng tiêu cực đã xảy ra như: thương lái thổi giá, ép giá; nông dân bẻ kèo. Một số vùng, người dân bán non sầu riêng khi giá tăng cao hoặc do sợ nạn trộm cắp, còn doanh nghiệp, thương lái tranh giành hợp đồng.
Không riêng với hàng hóa, bà Vũ Kim Hạnh thông tin đã có hiện tượng buôn bán mã số vùng trồng, điều này khiến sản phẩm không phù hợp với mã vùng, không đảm bảo chất lượng như đã cam kết.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao nhận định ngành sầu riêng Việt Nam vẫn đang tiếp tục hy vọng vào thị trường Trung Quốc. Do vậy, bà mong muốn Bộ NN&PTNT cùng các địa phương sẽ siết chặt quản lý mã số vùng trồng, có chế tài mạnh với các trường hợp vi mạnh để đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng và uy tín của hàng Việt.
Tại diễn đàn: “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam”, ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk đã khẳng định rằng ngành sầu riêng sẽ không thỏa hiệp với những vấn đề tác động xấu tới chất lượng sản phẩm, thương hiệu, uy tín.
Ví dụ như việc xúi giục nông dân bẻ cọc, bà Nguyễn Thị Mai Hiên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT) cho biết hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các chủ thể nên việc phá vỡ hợp đồng sẽ căn cứ vào các điều khoản hợp đồng để xử lý hoặc theo quy định pháp luật về dân sự, kinh tế.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý có thể nghiên cứu áp dụng những quy định tại Nghị định 75 năm 2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh, trong đó quy định nhiều hành vi ép buộc trong kinh doanh.