Sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu đến 24 thị trường và đang mở cửa với Ấn Độ
Sau khi Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng vào tháng 7/2022, giá trị xuất khẩu mặt hàng này tăng rất mạnh, từ 29,2 triệu USD năm 2016 lên 420 triệu năm 2022 và 8 tháng năm 2023 đạt gần 1,2 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với cả năm 2022.
Tại diễn đàn “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, 8 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 300.000 tấn sầu riêng tươi đến 24 thị trường. Còn với sầu riêng đông lạnh cũng có tới 23 thị trường xuất khẩu. Điều này cho thấy thị trường sầu riêng của Việt Nam tương đối đa dạng.
“Cục Bảo vệ Thực vật đang tiếp tục mở cửa thị trường cho quả sầu riêng sang Ấn Độ - thị trường tỷ dân rất tiềm năng. Như vậy nghĩa là sầu riêng còn nhiều dư địa thị trường để phát triển, miễn là chúng ta đảm bảo được tổ chức sản xuất và đảm bảo được chất lượng của thị trường”, bà Hương nói.
Ông Y Djoang Niê, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk mong muốn Bộ Công thương xem xét, hỗ trợ kết nối, tìm kiếm thị trường mới cho sản phẩm sầu riêng để tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc… Ông cho biết diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn huyện Krông Pắc hiện có 7.157 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 3.000 - 3.200 ha (kể cả diện tích thu bói). Tổng sản lượng ước tính 57.000 - 60.000 tấn.
Trung Quốc vẫn đang là nước tiêu thụ 90% lượng sầu riêng tươi xuất khẩu của nước ta. Bà Hương cho rằng đây là thị trường lớn nhất nhưng cũng có quy định cụ thể và chặt chẽ nhất đối với sầu riêng.
Nghị định thư về các yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu sầu riêng tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc đã được ký vào tháng 7/2022 và đến tháng 9/2022 đã xuất khẩu lô đầu tiên tại Đắk Lắk. Cho đến nay đã tròn một năm triển khai.
Cục Bảo vệ Thực vật đã nhận được thông báo của Tổng Cục Hải quan Trung Quốc (GACC) về trường hợp phát hiện một số lô hàng bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật trên sầu riêng và một số trái cây khác của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.
Việc không kiểm soát hiệu quả các đối tượng kiểm dịch thực vật ngay từ vùng trồng và cơ sở đóng gói dẫn đến tình trạng các lô hàng không đáp ứng được quy định của Trung Quốc và làm mất uy tín hàng hoá xuất khẩu từ Việt Nam, thậm chí có nguy cơ mất thị trường xuất khẩu quan trọng này.
Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Thu Hương cho rằng khi xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc, thương hiệu của từng doanh nghiệp rất quan trọng. Theo lý thuyết, những lô hàng chộp giật, mạo danh sớm muộn cũng sẽ phá sản, chỉ có những đơn vị làm ăn uy tín mới có thể tồn tại.
Tuy nhiên thực tế hành vi làm ăn chộp giật đang ảnh hưởng các doanh nghiệp làm ăn uy tín, tác động xấu đến thương hiệu sầu riêng Việt Nam.
Bà Hương khuyến nghị những đơn vị, cơ sở vùng trồng nếu phát hiện có trường hợp mạo danh mã số vùng trồng, cần báo cáo ngay với chi cục bảo vệ thực vật địa phương để có giải pháp ngay bởi “không ai bảo vệ thương hiệu tốt hơn chính mình”.
“Hiện nay các đối thủ của chúng ta như Thái Lan, Malaysia, Philippines… liên tục đầu tư vào khoa học công nghệ. Họ đã xây dựng được thương hiệu và định vị, định danh trên thị trường quốc tế. Nếu chúng ta cứ ngủ quên trên chiến thắng, tự ru ngủ mình là số 1, duy nhất thì sẽ thua ngay từ lúc bắt đầu”, bà Nguyễn Thị Thu Hương nói.
Lãnh đạo Cục Bảo vệ Thực vật mong muốn trong thời gian tới, cả chuỗi giá trị ngành sầu riêng sẽ cùng nhau nâng cao trách nhiệm cộng đồng, tuân thủ đúng quy định của Việt Nam và các nước xuất khẩu, cùng nhau hợp tác và hỗ trợ để xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, bà Hương cho biết Cục sẽ có các giải pháp nhằm minh bạch thông tin, cơ sở dữ liệu; hoàn thiện các hướng dẫn kỹ thuật; tài liệu ngành hàng để có những tiêu chuẩn từ giống, phân bón, trồng trọt, nhận diện thương hiệu... đến kỹ thuật sản xuất cho bà con thuận tiện sử dụng.
Cục Bảo vệ Thực vật cũng mong muốn Bộ NN&PTNT chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng nghị định, quy định về quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu, đưa phần mềm quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói chính thức vào sử dụng.
Đối với các địa phương, Cục Bảo vệ Thực vật đề xuất bố trí đủ nguồn lực để tăng cường thanh tra, kiểm tra; đào tạo tập huấn; xử lý nghiêm các vi phạm liên quan mã số…