|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá sầu riêng tăng cao, nông dân bẻ kèo vào phút chót

16:46 | 11/09/2023
Chia sẻ
Ông Lê Anh Trung, đại diện Tập đoàn Vạn Hoa cho biết kế hoạch liên kết thất bại giữa doanh nghiệp và nông dân bị thất bại khi giá sầu riêng lên cao, 'cò' đất ồ ạt xuống các vườn để chốt, cọc gây phân tâm cho người nông dân.

Sau khi được cấp “visa” vào thị trường Trung Quốc, sầu riêng đã chính thức gia nhập vào nhóm trái cây xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam chỉ sau 7 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, sự tăng trưởng nóng thường đi kèm với những bất cập.

Tại Diễn đàn: “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam”, ông Lê Anh Trung, Giám đốc đối ngoại của Tập đoàn Vạn Hòa Holding cho biết vụ mùa sầu riêng năm nay, Tập đoàn đã có cam kết sẽ cung ứng khoảng 20.000 tấn sầu riêng với các đối tác và khách hàng Trung Quốc. Tuy nhiên khi giá sầu riêng tăng quá cao như hiện nay, một số đối tác, khách hàng đã có động thái muốn cắt giảm đơn hàng.

Còn ở thị trường nội địa, ông Trung cho biết trước đây, việc liên kết sản xuất chỉ diễn ra với thương lái và vựa thu mua nhỏ lẻ, nhưng hiện nay nông dân có thể liên kết trực tiếp với các doanh nghiệp xuất khẩu.

Tập đoàn liên kết sản xuất với người nông dân tại miền Đông và Tây Nguyên, trong đó có chính sách đào tạo tập huấn, nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng mã số vùng trồng, hỗ trợ vốn 50 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, kế hoạch liên kết thất bại hoàn toàn và doanh nghiệp đang phải đi thu hồi vốn hỗ trợ cho người nông dân.

“Tập đoàn có hợp đồng bao tiêu liên kết song trong hợp đồng thu mua trước khi thu hoạch là 15-20 ngày, nhưng trước đó hai tháng các thương lái, 'cò' đất ồ ạt xuống các vườn để chốt, cọc gây phân tâm cho người nông dân”, ông Lê Anh Trung nói.

Nếu giá thuận tự nhiên, việc mua bán vẫn diễn ra bình thường, nhưng khi giá xuống, thương lái, 'cò' đất sẽ đề nghị xuống giá hoặc cứ duy trì vườn neo, điều này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tới nguời dân và cuối cùng nông dân vẫn là người chịu thiệt thòi.

Lãnh đạo Tập đoàn Vạn Hòa cho biết trong quá trình thu hồi vốn, 40% người nông dân hiểu vấn đề và mong công ty tiếp tục hợp tác. Tuy nhiên khi chính sách liên kết thất bại sẽ rất khó khăn trong việc tiếp tục đầu tư.

Tại khu vực miền Tây, thị trường sầu riêng đỡ “loạn” hơn miền Đông và Tây Nguyên do nông dân có nghề và am hiểu về sầu riêng, họ nhìn thấy lợi ích từ việc liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu.

Ông Lê Anh Trung, Giám đốc đối ngoại của Tập đoàn Vạn Hòa Holding. (Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Từ những khó khăn trên, ông Lê Anh Trung đề nghị các cơ quan chức năng, hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk tuyên truyền để người dân biết giá trị thực sự của quả sầu riêng.

Đồng thời, các đơn vị tổ chức tập huấn thêm kiến thức, kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng cho bà con nông dân, từ đó mới có thể ổn định giá cả, chất lượng, doanh nghiệp và người nông dân an tâm sản xuất, thu mua, ngành sầu riêng mới phát triển được bền vững.

Tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Chủ tịch HĐQT CTCP Ban Mê Green Farm cũng cho rằng ngành hàng sầu riêng vẫn đang đối diện với một số khó khăn khi mối liên kết giữa nông dân – hợp tác xã – doanh nghiệp chưa thực sự bền vững, các liên kết dễ dàng bị bẻ gãy khi giá lên cao, giá cả không ổn định cùng với việc chưa có chế tài đối với việc kiểm soát giá và chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, những yếu tố như giao thông không thuận lợi, chi phí logistics cao chiếm 30% chi phí cấu thành giá, chưa có cơ sở kiểm dịch tại vùng nguyên liệu, diện tích canh tác còn manh mún nhỏ lẻ, kỹ thuật không đồng nhất, chưa có quy trình chuẩn từ cây giống, sản xuất nên chất lượng chưa thực sự ổn định, còn đối phó... cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành hàng này.

Bà Nguyễn Thị Thái Thanh đề xuất cần sớm thiết lập các điển hình liên kết tiên tiến giữa các doanh nghiệp - nông hộ - HTX về mọi mặt.

Ngoài ra cũng cần có các cơ chế chính sách để đầu tư hệ thống giao thông thuận lợi, khuyến khích phát triển các dịch vụ logistics, cảng cạn tại vùng nguyên liệu, tiến hành thành lập cơ sở kiểm dịch tại vùng nguyên liệu.

Bàn về vấn đề liên kết trong ngành hàng sầu riêng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định ngành hàng này muốn phát triển bền vững cần phải tổ chức lại cấu trúc, trong đó có sự hiện diện của cả sản xuất và tiêu thụ, nghĩa là có nông dân và doanh nghiệp.

"Tổ chức lại sản xuất không đơn thuần chỉ là cải tiến kỹ thuật gieo trồng mà là tạo ra không gian để nông dân, doanh nghiệp ngồi lại với nhau.

Muốn ngành hàng phát triển hiệu quả phải bắt đầu từ sản xuất, nghĩa là doanh nghiệp đến với người dân ngay từ khi xuống giống để hướng dẫn, tạo niềm tin. Còn nếu liên kết từ khâu tiêu thụ, thì lại rơi vào mối quan hệ thuận mua vừa bán", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Hoàng Anh