Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Không thể bắt nông dân dừng trồng sầu riêng'
Trả lời đại biểu Quốc hội liên quan đến vấn đề nông sản được mùa mất giá, phải giải cứu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho không nên dùng từ “Giải cứu” nữa.
Bởi, mỗi lần chúng ta dùng từ “giải cứu” thì nông sản càng rớt giá, nông dân lại quay lưng và đó là quy luật. Khi nói một mặt hàng nông sản phải giải cứu thì bà con không muốn bỏ công chăm sóc nữa. Thực tế, ngay cả Vĩnh Long, khoai lang vẫn đang được giá nhưng do vấn đề tranh mua, tranh bán, chen chúc.
Có lúc thương lái đẩy giá “ảo” lên cao nhưng cũng có lúc bỏ rơi bà con. Khoai lang ở Đồng Tháp cũng lâm vào cảnh tương tự.
"Chúng ta không cấu trúc lại ngành hàng, không đưa bà con vào hình thức hợp tác nào. Mỗi người một thửa ruộng khoai lang vài trăm mét là sẽ không bao giờ thành công, doanh nghiệp cũng không sẵn sàng tham gia", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Ông cho biết khi khoai lang được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, nông dân, doanh nghiệp rất hồ hởi nhưng lúc này lại không còn nhiều diện tích trồng vì nhiều hộ đã quay lưng lại với loại củ này. Doanh nghiệp cho biết khoai lang từ Vĩnh Long có trường hợp ra đến cửa khẩu thì phải bỏ đến 40% vì không đúng quy cách, chủng loại.
Tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội cũng tỏ ra lo ngại tình trạng người dân ồ ạt trồng sầu riêng có thể gây mất cân đối cung - cầu trong tương lai.
Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu trái sầu riêng mặc dù vẫn tăng song tốc độ tăng đã chậm lại. Tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng các loại (gồm dạng tươi, đông lạnh, sấy khô, mứt) đạt gần 389,3 triệu USD, tăng 16% so với tháng 5/2023 và tăng 946,5% so với tháng 6/2022.
Tính chung 6 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam tăng 985,8% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 916,21 triệu USD.
Phản hổi ý kiến này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định đây là quyết định của bà con, không ai có quyền can thiệp, ngăn cản.
Thay vào đó, các địa phương cần đẩy mạnh việc khuyến nông, thông tin về thị trường, kết nối với doanh nghiệp, vì giá cả thay đổi rất nhanh, hiệu ứng nào cũng làm giá tăng lên, giảm xuống nên cần cân nhắc.
“Chúng tôi nhận trách nhiệm trong vấn chưa chuẩn hoá quy trình trồng sầu riêng, thu hái, vận chuyển, xây dựng mã ngành hàng. Chúng tôi cũng đã tự kiểm điểm cách đây mấy ngày”, ông Hoan cho biết.
Việt Nam hiện có 293 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói sầu riêng đã được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính thức sang thị trường này. Hiện Cục Bảo vệ thực vật đang làm việc với Hải quan Trung Quốc để thống nhất lịch kiểm tra tiếp theo cho khoảng 400 vùng trồng và 60 cơ sở đóng gói sầu riêng đã gửi hồ sơ cho phía Trung Quốc.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết nền kinh tế nông nghiệp của Việt Nam vẫn nhỏ lẻ, phân tán, tự phát, manh mụn dẫn đến không kiểm soát được nguồn cung cho xuất khẩu, chất lượng nông sản không đồng đều để đáp ứng các tiêu chuẩn của thế giới.
Ngành còn thiếu sự liên kết từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Liên kết lao động và tổ chức sản xuất theo lợi thế vùng, địa phương còn yếu dẫn đến tính chuyên hoá thấp, dễ dẫn đến tình trạng ùn ứ nguồn cung và điệp khúc “được mùa mất giá” tiếp tục lặp lại.
Xuất khẩu nông sản vẫn chủ yếu là hàng thô, chưa có sản phẩm mũi nhọn và thương hiệu mạnh. Phát triển nông lâm, thuỷ sản chủ yếu tập trung vào xuất khẩu mà chưa quan tâm đúng mức đến thị trường trong nước.
Để khắc phục tình trạng này ông Diên cho biết thời gian tới Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ đẩy mạnh việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khẩn trương quy hoạch thành các vùng trồng vùng nuôi, tăng cường sản xuất - xuất khẩu theo chuỗi.
Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu, tiêu thụ nông sản; đồng thời đấu tranh đối với các biện pháp kỹ thuật bất hợp lý ở các thị trường nhập khẩu...