Xuất khẩu rau quả năm 2023 có thể lập kỷ lục 5 tỷ USD, sầu riêng đóng góp hơn 30%
Sầu riêng lên ngôi, thanh long tụt hạng
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm xuất khẩu rau quả đạt gần 3,1 tỷ USD, tăng 60,5% so với cùng kỳ năm 2022, hoàn thành được 77,5% mục tiêu 4 tỷ USD ngành rau quả đặt ra hồi đầu năm.
Trao đổi với người viết, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết nếu giữ được nhịp độ tăng trưởng như hiện tại, bình quân kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 400 triệu USD/tháng thì ngành rau quả không chỉ hoàn thành mục tiêu 4 tỷ USD, mà còn có thể thiết lập kỷ lục 5 tỷ USD.
Trong bức tranh tươi sáng của ngành rau quả, sầu riêng đóng vai trò quan trọng và dự kiến đóng góp khoảng 30-35% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ông Đặng Phúc Nguyên cho biết tính đến giữa tháng 8, xuất khẩu sầu riêng ước đạt 1,2 tỷ USD, gấp hàng chục lần so với cùng kỳ năm 2022. Dự kiến sầu riêng sẽ tiếp tục hút khách Trung Quốc khi cả Thái Lan, Philippines, Malaysia đều sắp hết vụ thu hoạch, Việt Nam còn khu vực Tây Nguyên có thể thu hoạch từ tháng 8 đến tháng 11.
“Từ nay đến cuối năm, khu vực Tây Nguyên của nước ta là vùng duy nhất trên thế giới còn sầu riêng tươi. Dư địa xuất khẩu sầu riêng còn khoảng 400-500 triệu USD, mặt hàng này có thể cán mốc 1,7 – 1,8 tỷ USD trong năm 2023 và sẽ vượt qua thanh long, trở thành loại quả tỷ đô”, ông Đặng Phúc Nguyên nói.
Trong khi sầu riêng có bước tăng trưởng vượt bậc thì mặt hàng thanh long lại đang “cài số lùi”. Ông Đặng Phúc Nguyên cho biết từ năm 2020 về trước, thanh long là loại trái cây đem lại ngoại tệ nhiều nhất cho Việt Nam, khoảng 1,2 tỷ USD.
Tuy nhiên từ mức đỉnh này, xuất khẩu thanh long đã sụt giảm ba năm liên tiếp, chỉ còn 633 triệu USD vào năm 2022. Dự báo năm 2023, xuất khẩu thanh long sẽ giảm 10% so với năm 2022, còn khoảng 575 triệu USD.
Tổng Thư ký Vinafruit lý giải xuất khẩu thanh long lao dốc qua các năm do hai thị trường chính là Trung Quốc và Ấn Độ đều mở rộng diện tích trồng loại trái cây này.
Hồi đầu năm nay trang Sohu đưa đưa tin vài năm trở lại đây, diện tích trồng thanh long ở Trung Quốc đã tăng trưởng “thần tốc” và chạm mốc 67.000 ha, sản lượng khoảng 1,6 triệu tấn vào năm 2021. Con số này đã giúp Trung Quốc vượt qua mốc 64.000 ha và 1,4 triệu tấn của Việt Nam cùng thời điểm, trở thành quốc gia có diện tích, sản lượng thanh long lớn nhất thế giới.
Thời điểm này, các tỉnh như Bình Thuận, Long An đang vào chính vụ thanh long nhưng ghi nhận của Vinafruit thấy thị trường không còn sôi động như nhiều năm trước, đơn hàng ít hơn, giá thanh long chỉ còn khoảng 6.000 – 8.000 đồng/kg.
Ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng diện tích thanh long của Việt Nam đang và sẽ dần thu hẹp lại, các tỉnh chủ yếu tập trung cho thanh long trái vụ, vốn là lợi thế của Việt Nam.
Sầu riêng Tây Nguyên đang sốt giá 100.000 đồng/kg
Từ nay đến cuối năm, tăng trưởng của ngành rau quả đang đặt hy vọng nhiều vào trái sầu riêng. Sức nóng của “ngôi sao mới nổi” này đang tập trung ở khu vực Tây Nguyên, nơi được coi là vùng duy nhất trên thế giới còn sầu riêng tươi vào giai đoạn cuối năm.
Trang giá thị trường cập nhật giá sầu riêng tại khu vực Tây Nguyên đang ở mức 55.000 – 58.000 đồng/kg với RI6 loại 1; 45.000 – 50.000 đồng/kg với RI xô. Sầu riêng Thái loại 1 đang được thu mua khoảng 83.000 – 87.000 đồng/kg; sầu Thái xô thấp hơn, ở mức 75.000 – 80.000 đồng/kg. So với khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, giá sầu riêng ở Tây Nguyên không chênh lệch nhiều.
Ông Đặng Phúc Nguyên cho biết khi tất cả nguồn cung cạn hàng, cả doanh nghiệp và thương lái đổ dồn về khu vực Tây Nguyên, giá sầu riêng ở Đắk Lắk đã tới 100.000 đồng/kg.
Sau gần một năm sầu riêng chính thức được phê duyệt xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, giá mặt hàng này liên tục “nhảy múa”. Tại các vùng trồng sầu riêng, hiện tượng “bán lúa non cho nặng ký” hay ghim hàng, chờ giá tăng khiến sầu chín quá độ, nông dân bỏ cọc…
Tổng Thư ký Vinafruit cho biết đây không phải câu chuyện mới của ngành hàng sầu riêng nói riêng, nông sản nói chung. Khi cơn sốt giá xảy ra, cả phía nông dân, thương lái và doanh nghiệp đều canh me, chờ đợi động thái của đối phương. Phía hiệp hội rau quả nhiều lần khuyến cáo nông dân và doanh nghiệp cùng giữ cam kết, không phá vỡ hợp đồng.
“Nếu nông dân chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt, doanh nghiệp không bán được hàng, doanh nghiệp lỗ, không kinh doanh nữa thì ai sẽ mua hàng cho nông dân. Do vậy, các bên phải làm theo hợp đồng, giữ vững liên kết mới có thể làm ăn lâu dài và tạo ra uy tín cho ngành hàng sầu riêng”, ông Đặng Phúc Nguyên nói.
Chia sẻ trên trang cá nhân, bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho rằng khi đứng trước cái lợi trước mắt, nhiều nhà vườn dường như quên đi những bài học vỡ trận trước đây.
Bà Ngô Tường Vy hy vọng các bên sẽ cùng nhau thay đổi tư duy, nhận thức để trái sầu riêng của Việt Nam có vị thế hơn, được thị trường tôn trọng hơn.
“Chúng ta cùng nhau bình tĩnh và giữ thật tốt chất lượng để bảo vệ chung cho cái tự tôn dân tộc. Nông dân hãy dừng lại lòng tham vì nếu không có thương lái, doanh nghiệp sẽ không thể mang sản phẩm của nông dân đi xuất khẩu”, bà Ngô Tường Vy chia sẻ.
Ngoài ra, bà Ngô Tường Vy cũng cơ quan quản lý sẽ quan tâm hơn đến việc kiểm tra chất lượng sầu riêng như cách Thái Lan đã và đang làm, họ coi mỗi trái sầu riêng là hình ảnh của quốc gia và được hoàng gia Thái Lan bảo hộ.