Những bài toán cần giải trong chuỗi cung ứng sầu riêng của Việt Nam
Nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc bắt đầu chững lại
Thời gian qua Trung Quốc đang siết chặt việc kiểm tra trái cây nhập khẩu, trong đó có sầu riêng. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết có thời điểm 29 container sầu riêng của Thái Lan bị trả lại do bị sâu bệnh. Ngoài ra, sầu riêng Việt Nam cũng có không ít sai phạm về mã số vùng trồng, hái non.
Trong một văn bản được gửi đến tỉnh Đắk Lắk hôm 5/9, Cục Bảo vệ Thực vật cho biết thời gian qua, cơ quan này đã nhận được thông báo từ Tổng Cục Hải quan Trung Quốc (GACC) về trường hợp phát hiện một số lô hàng bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật (KDTV) trên chuối, xoài, mít, sầu riêng và thanh long của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.
Cục Bảo vệ Thực vật cho rằng việc không kiểm soát hiệu quả các đối tượng KDTV ngay từ vùng trồng và cơ sở đóng gói (CSĐG) dẫn đến tình trạng các lô hàng không đáp ứng được quy định của Trung Quốc và làm mất uy tín hàng hoá xuất khẩu từ Việt Nam, thậm chí có nguy cơ mất thị trường xuất khẩu quan trọng này.
Vì vậy, Cục BVTV đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk chỉ đạo cơ quan chuyên mô về bảo vệ và kiểm dịch thực vật tại địa phương thông báo và hướng dẫn các chủ mã số vùng trồng và CSĐG vi phạm điều tra nguyên nhân và khắc phục. Lập báo cáo gửi về Cục BVTV trước ngày 20/9 để Cục BVTV thông tin cho GACC.
Đối với trường hợp mã số nhận thông báo vi phạm nhiều lần, đề nghị địa phương thông báo tạm dừng và thực hiện thủ tục thu hồi mã số vi phạm, thông báo kịp thời để đảm bảo các chủ mã số vùng trồng và CSĐG này không thực hiện các hoạt động xuất khẩu.
Nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc có dấu hiệu chững lại sau thời gian bùng nổ. Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu sầu riêng tháng 7 đạt 888 triệu USD, giảm 24% so với tháng 6, đồng thời thấp nhất trong 3 tháng trở lại đây.
Trong đó kim ngạch nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam giảm sâu nhất 53% so với tháng 6 xuống 197 triệu USD. Mức giảm từ Thái Lan nhẹ hơn với 8,4% xuống 691 triệu USD.
Cao điểm thu hoạch sầu riêng của Thái Lan (từ tháng 4 đến tháng 6) đã qua. Tại Việt Nam, tháng 7 là giai đoạn giao thời thu hoạch sầu riêng giữa hai vùng miền Đông và Tây Nguyên nên nguồn cung giảm.
Hiện Thái Lan là nguồn cung sầu riêng lớn nhất cho Trung Quốc với thị phần 78,3%, Việt Nam đứng thứ hai với 21,7%.
Mặc dù vậy, tính chung 7 tháng đầu năm, Trung Quốc vẫn nhập khối lượng sầu riêng khổng lồ khi đạt gần 1 triệu tấn, tương đương 4,7 tỷ USD. Con số này còn cao hơn của cả năm 2022 xét về cả số lượng và kim ngạch.
Những bài toán mà ngành sầu riêng Việt Nam cần giải
Kể từ khi Việt Nam chính thức được xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc, mặt hàng này trở thành điểm sáng và là một trong những trụ đỡ cho xuất khẩu rau quả nói chung trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn.
7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng các loại bao gồm hàng tươi, mứt, sấy, đông lạnh…cán mốc 1 tỷ USD, cao gấp 9 lần cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyên dự báo kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong năm 2023 có thể đạt 2 - 2,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng nóng cũng đi liền những hạn chế bộc lộ rõ rệt trong chuỗi sản xuất - xuất khẩu thời gian qua mà ngành cần phải phải quyết.
Đối với khâu trồng, việc cấp mã số vùng trồng vẫn còn nhiều điểm khiến các hợp tác xã không yên tâm.
Chia sẻ tại Diễn đàn “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam” do Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với các ban ngành tổ chức, ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông (Đắk Lắk) không đồng tình với một số điểm trong công tác quản lý mã số vùng trồng sầu riêng.
Theo ông, một số đơn vị đứng chủ mã số vùng trồng nhưng chưa mua được sản phẩm từ mã số. Tuy nhiên, từ các mã vùng trồng này, một số đơn vị vẫn làm thủ tục xuất khẩu bình thường.
Bên cạnh đó, những mã số vùng trồng được làm chuẩn như nhật ký ghi chép, theo dõi, giám sát sinh vật gây hại… thì giá bán cũng ngang bằng, thậm chí thấp hơn những đơn vị khác.
Cuối cùng, việc tranh mua, tranh bán diễn ra thường xuyên. Ông Chiến cho rằng “Các doanh nghiệp trong nước đang đánh nhau và tự thua trên sân nhà”.
Do các vấn đề trên, nên các thành viên HTX Tân Lập Đông mới chỉ đồng ý bán khoảng 20% sản lượng trong tổng số 1.400 tấn. Cùng với đó, HTX vấp phải tình trạng rất nhiều thương lái đến hỏi mua sầu riêng mà không quan tâm đến mã số vùng trồng.
Đối với liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp xuất, mắt xích này cũng trở nên lỏng lẻo khi có sự can thiệp của một số thương lái. Nhiều hộ dân sẵn sàng huỷ hợp đồng giao hàng cho doanh nghiệp, ngay cả khi nhận được tiền hỗ trợ trồng trước đó vì giá thương lái đưa ra cao hơn.
Ông Lê Anh Trung, Giám đốc đối ngoại của Tập đoàn Vạn Hòa Holding (TP. HCM) cho biết Tập đoàn liên kết sản xuất với người nông dân, trong đó có chính sách đào tạo tập huấn, nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng mã số vùng trồng, hỗ trợ vốn 50 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, một số thương lái sẵn sàng trả giá cao hơn khiến người dân huỷ kèo với doanh nghiệp xuất khẩu.
“Tập đoàn có hợp đồng bao tiêu liên kết song trong hợp đồng thu mua trước khi thu hoạch là 15-20 ngày, nhưng trước đó 2 tháng các thương lái ồ ạt xuống các vườn để chốt, cọc gây phân tâm cho người nông dân”, ông nói.
Ông cho biết thêm nếu giá thuận tự nhiên, việc mua bán vẫn diễn ra bình thường, nhưng khi giá xuống, thương lái, 'cò' đất sẽ đề nghị xuống giá hoặc cứ duy trì vườn neo, điều này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tới nguời dân. Cuối cùng nông dân vẫn là người chịu thiệt thòi.
“Trong quá trình Tập đoàn thu hồi vốn, 40% người nông dân hiểu vấn đề, mong công ty tiếp tục hợp tác, song chính sách liên kết thất bại sẽ rất khó khăn trong việc tiếp tục đầu tư”, ông nói.
Đối với mắt xích cuối cùng là doanh nghiệp - thị trường xuất khẩu, có hai vấn đề lớn là việc kiểm soát chất lượng và sự phụ thuộc vào 1 thị trường quá lớn.
Như đã đề cập phía trên, việc xuất khẩu sầu riêng hiện nay vẫn còn tồn tại liên quan đến đóng gói, kiểm dịch thực vật… Điều này tiềm ẩn rủi ro các lô hàng không đáp ứng được quy định của Trung Quốc và làm mất uy tín hàng hoá xuất khẩu từ Việt Nam, thậm chí có nguy cơ mất thị trường xuất khẩu quan trọng này.
Bên cạnh đó, hiện quả sầu riêng Việt Nam đã xuất khẩu sang sang 24 thị trường nhưng Trung Quốc chiếm tỷ trọng tới 90%.
Ông Y Djoang Niê, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk mong muốn Bộ Công thương xem xét, hỗ trợ kết nối, tìm kiếm thị trường mới cho sản phẩm sầu riêng để tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp nhận định: “Chúng ta bàn nhiều về Trung Quốc, mà đang bỏ quên Mỹ, EU… Hiện Việt Nam tham gia nhiều hiệp định như CPTPP, EVFTA, RCEP, cùng với việc tham gia các cộng đồng lớn như ASEAN, Liên minh Kinh tế Á - Âu. Đây là dư địa để sầu riêng có thể tăng trưởng hơn nữa về giá trị xuất khẩu”.
Theo thông tin từ Cục Bảo vệ Thực vật, cơ quan này đang tiếp tục mở cửa thị trường cho quả sầu riêng sang Ấn Độ - thị trường tỷ dân rất tiềm năng.
“Quả sầu riêng còn nhiều dư địa thị trường để phát triển, miễn là chúng ta đảm bảo được tổ chức sản xuất và đảm bảo được chất lượng của thị trường”, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật cho biết.