|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sầu riêng trở thành 'vua' trái cây trong năm 2023

07:00 | 20/12/2023
Chia sẻ
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng trong năm 2023 có thể đạt mức kỷ lục 2,2 - 2,3 tỷ USD, gấp 5 lần năm 2022 và gấp 10 lần năm 2021.

Vượt qua thanh long, sầu riêng trở thành loại quả có doanh thu tỷ USD

2023 là năm chứng kiến quá trình “đổi ngôi” trong ngành rau quả. Vượt qua thanh long, sầu riêng đã trở thành mặt hàng có doanh số xuất khẩu cao nhất, đóng góp khoảng 43% kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 10 tháng.

 

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy 10 tháng năm 2023, xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 2 tỷ USD, gấp 7 lần cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nhiều sầu riêng Việt Nam nhất, chiếm 95% tổng kim ngạch, tương ứng 1,9 tỷ USD, gấp 30 lần cùng kỳ năm 2022.

Hiện, Việt Nam là thị trường cung cấp sầu riêng lớn thứ hai cho Trung Quốc, chiếm tỷ trọng khoảng 30% trong tổng kim ngạch nhập khẩu 10 tháng năm 2023, đứng sau Thái Lan với 69%.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng trong năm 2023 có thể đạt mức kỷ lục 2,2 - 2,3 tỷ USD, gấp 5 lần năm 2022 và gấp 10 lần năm 2021.

Ông Nguyên kỳ vọng sau chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam, nước này sẽ mở cửa với sầu riêng đông lạnh, kim ngạch xuất khẩu có thể tiếp tục tăng trưởng mạnh.

 

Nằm trong top doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng lớn nhất, CTCP Tập đoàn Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu cũng đã có một năm khá thành công với thị trường Trung Quốc.

Trao đổi với người viết, bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Chánh Thu cho biết sầu riêng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp trong năm 2023, góp phần đưa doanh thu gấp đôi năm 2022.

Với nhu cầu khổng lồ từ thị trường 1,4 tỷ dân, bà Vy cho rằng ngành sầu riêng của Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng, thị phần có thể ở mức 40% trong vòng 5 năm tới.

Tại Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam nhận được phản hồi khá tích cực từ phía các đối tác.

Chia sẻ trên tờ Tân Hoa Xã, ông Wang Zhengbo, Chủ tịch một công ty trái cây có trụ sở tại Quảng Tây cho biết năm 2022, công ty của ông Wang đã ký hợp đồng với các vùng trồng sầu riêng tại Việt Nam, tổng diện tích lên tới 3.000 ha.

“Chúng tôi có kế hoạch nhập khẩu hơn 3.000 container, tương đương 60.000 tấn sầu riêng Việt Nam trong năm nay để phục vụ nhu cầu của thị trường Trung Quốc”, Ông Wang nói.

Bà Fu Jing, một thương nhân có hơn 10 kinh nghiệm về buôn bán trái cây nhập khẩu ở tỉnh Quý Châu (Trung Quốc), cho biết sầu riêng Việt Nam đã trở thành lựa chọn mới của bà.

“Sầu riêng Thái Lan thường chín vào nửa đầu năm, trong khi sầu riêng Việt Nam thu hoạch vào cuối năm, điều này có thể lấp đầy khoảng trống trên thị trường. Ngoài ra, quy trình thông quan thuận lợi tại cửa khẩu cũng là lý do quan trọng để chúng tôi lựa chọn sầu riêng Việt Nam”, bà Fu nói thêm.

Chuỗi liên kết còn lỏng lẻo

Doanh thu kỷ lục, đóng góp lớn vào tăng trưởng ngành rau quả là những điều không thể phủ nhận ở ngành sầu riêng năm nay.

Bà Ngô Tường Vy nhận định ngành sầu riêng năm 2023 “được nhiều hơn mất”, điều này chứng minh qua kim ngạch xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp ít nhiều đã xây dựng được thương hiệu với đối tác.

Tuy nhiên, bà Vy cho rằng ngành hàng, doanh nghiệp cũng cần nhìn lại những bất cập đã xảy ra trong năm 2023 như chuyện tranh mua, tranh bán, chất lượng sản phẩm, phân chia lợi nhuận, uy tín với khách hàng… để rút kinh nghiệm, tránh nguy cơ tình thế đảo ngược, “mất nhiều hơn được”.

CEO Chánh Thu phân tích sầu riêng Việt Nam chưa có tiêu chuẩn chung cho toàn ngành nên chất lượng sản phẩm giữa các doanh nghiệp chưa đồng đều và ổn định.

Ngoài ra, khi tín hiệu thị trường tốt, chuyện tranh mua, tranh bán giữa các doanh nghiệp, doanh nghiệp và thương lái không ít, điều này tạo nên cái nhìn không tốt về ngành sầu riêng Việt Nam.

Một vấn đề khác được bà Vy nhấn mạnh là chuỗi liên kết ngành sầu riêng, gồm nông dân - thương lái - doanh nghiệp đang có sự phân chia lợi nhuận không đều.

Từ vụ sầu riêng ở Đắk Lắk đến nay, giá thu mua mặt hàng đang ở mức rất cao, đôi khi còn cao hơn cả giá bán sang thị trường Trung Quốc. Điều này ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp, một số đơn vị không chịu được và đã rút khỏi thị trường.

Bà Vy cho rằng khi nào các bên tham gia được phân chia lợi nhuận đồng đều, minh bạch, lâu dài, lúc đó ngành hàng mới có thể phát triển bền vững. Trên thị trường quốc tế, ngành sầu riêng Việt ngày càng có nhiều đối thủ,  doanh nghiệp cần phải nghĩ cho cái chung.

“Chúng ta đâu chỉ còn cạnh tranh với mỗi Thái Lan và Malaysia. Các nước như Lào, Campuchia, Phillipines… đang tăng trồng sầu riêng. Nếu chúng ta không thay đổi và cải tiến, không ai có thể nói trước điều gì”, bà Vy nói.

Xuất khẩu sầu riêng năm 2023 dự kiến đạt 2,2-2,3 tỷ USD. (Ảnh: Chánh Thu)

Nhìn lại hành trình năm 2023 của ngành sầu riêng, ông Đặng Phúc Nguyên cũng thấy rằng liên kết nông dân – doanh nghiệp còn lỏng lẻo, dễ đứt gãy, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp.

Nhiều người chạy theo số lượng, lợi nhuận, sẵn sàng bỏ qua khâu chất lượng, cắt hàng non, hàng không đủ tiêu chuẩn để bán, lừa dối người mua, những hành vi ảnh hưởng đến uy tín ngành hàng sầu riêng.

Đại diện Vinafruit cho biết để đàm phán cho sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc không phải ngày một ngày hai. Do vậy, các doanh nghiệp cần phải trân quý cơ hội này và giữ uy tín cho Việt Nam.

"Nếu Trung Quốc phát hiện sầu riêng non, sâu, không đáp ứng quy định, loại trái cây này sẽ bị cảnh báo và tiêu hủy, thậm chí ngừng mua hàng. Lúc đó, 95% sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam sẽ bán đi đâu?

Hãy nhìn Chile, Thái Lan có thể trụ lại ở Trung Quốc nhờ giữ gìn uy tín, chất lượng sản phẩm. Nếu mình không tự cải tiến, ngành rau quả có thể bị lùi về phía sau”, ông Nguyên chia sẻ.

Phạm Mơ