|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc 10 tháng đầu năm tăng 165% so với cùng kỳ

07:55 | 24/11/2023
Chia sẻ
Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Trung Quốc, sau Thái Lan và Chile. Song cũng thuộc top 10 quốc gia có hàng nông sản bị cảnh báo nhiều nhất tại thị trường 1,4 tỷ dân.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến 15/11, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt hơn 5 tỷ USD, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là kết quả tốt nhất kể từ khi mặt hàng này tham gia vào thị trường thế giới. 

Trung Quốc duy trì là khách hàng lớn nhất của rau quả Việt Nam với kim ngạch 3,2 tỷ USD trong 10 tháng năm 2023, tăng 165% so với cùng kỳ năm 2022.

Tại Hội nghị Phổ biến cam kết về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của các nước trong hiệp định CPTPP và RCEP, ông Lò Xuân Quyết, Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu (Trung Quốc), cho biết đến năm 2026, lượng tiêu thụ và nhập khẩu trái cây của Trung Quốc lần lượt đạt 319 triệu tấn và gần 15 triệu tấn.

Với nhóm hàng rau quả, Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Trung Quốc, sau Thái Lan và Chile.

Hiện, Việt Nam có 11 loại trái cây được phép xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc. Trong đó, sầu riêng là “ngôi sao mới nổi”, dự kiến đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong năm 2023.

“Trong thời gian tới, sầu riêng dự báo sẽ chiếm lĩnh vị trí hàng đầu trong các loại trái cây Việt Nam tại thị trường Trung Quốc”, ông Lò Xuân Quyết nói.

Theo đại diện văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu, Trung Quốc đang có xu hướng quy chuẩn hóa các quy định và hệ thống quản lý, giám sát về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.

Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm bị cảnh báo nhiều nhất. Các lỗi bị cảnh báo liên quan đến chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, vi phạm hồ sơ kèm theo hàng hóa, tem nhãn bao bì hàng hóa không đáp ứng quy định, yêu cầu nhập khẩu...

Người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng quan tâm đến các sản phẩm tốt cho sức khỏe, chất lượng cao và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Do vậy, ông Quyết khuyến cáo doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, tiêu chuẩn nước nhập khẩu và tăng cường quản lý, giám sát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm

Các doanh nghiệp cần tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của nước nhập khẩu. Ngoài ra, doanh nghiệp cần có đội ngũ nhân lực chuyên môn cao, thông thạo ngôn ngữ để hiểu rõ hơn về thị trường xuất khẩu.

Hoàng Anh