|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu rau quả đạt kỷ lục 5 tỷ USD dù chưa hết năm 2023

07:23 | 22/11/2023
Chia sẻ
Cục Xuất nhập khẩu nhận định hàng rau quả tiếp tục là điểm sáng trong xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Ngành hàng này có thể về đích 5,8-6 tỷ USD trong năm 2023.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy nửa đầu tháng 11, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 187 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế đến 15/11, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt hơn 5 tỷ USD, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là kết quả tốt nhất kể từ khi mặt hàng này tham gia vào thị trường thế giới.

 

Cục Xuất nhập khẩu nhận định hàng rau quả tiếp tục là điểm sáng trong xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Mặt hàng này có thể về đích 5,8-6 tỷ USD trong năm 2023.

Trong cơ cấu xuất khẩu rau quả, sầu riêng là mặt hàng đóng góp lớn nhất vào kim ngạch ngành. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam tăng gần 700% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 1,7 tỷ USD.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dự báo giá trị xuất khẩu sầu riêng trong năm 2023 có thể đạt mức kỷ lục 2,4 - 2,5 tỷ USD, chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả.

Bình luận về sự phát triển của ngành sầu riêng trong podcast “5 phút chuyện thị trường”, nhà báo Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao thông tin đến năm 2025, dung lượng thị trường sầu riêng của Trung Quốc có thể đạt 20 tỷ USD và cả thế giới là 28,6 tỷ USD.

Mức độ tăng trưởng của ngành sầu riêng trong giai đoạn 2019-2025 được dự báo khoảng 7,2%/năm. Đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp, nông dân Việt Nam.

Tuy nhiên, bà Vũ Kim Hạnh cũng nhìn nhận thấy một số rủi ro khi thị trường sầu riêng Việt Nam đang trồi sụt thất thường.

Theo bà, 90% sầu riêng loại ngon của Việt Nam đã xuất khẩu qua Trung Quốc, tuy nhiên xét theo tổng lượng nhập khẩu của thị trường 1,4 tỷ dân, thị phần của hàng Việt Nam chỉ chiếm 5%, còn lại là hàng Thái Lan, Malaysia.

Sau khi sầu riêng được cấp “visa” xuất khẩu sang Trung Quốc, những hiện tượng tiêu cực đã xảy ra như: thương lái thổi giá, ép giá; nông dân bẻ kèo. Một số vùng, người dân bán non sầu riêng khi giá tăng cao, còn doanh nghiệp, thương lái tranh giành hợp đồng.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, cho rằng ngành sầu riêng sẽ không thỏa hiệp với những vấn đề tác động xấu tới chất lượng sản phẩm, thương hiệu, uy tín.

Hoàng Anh