|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

EVFTA ngành rau quả: Cam kết về Quy tắc xuất xứ

11:30 | 07/04/2021
Chia sẻ
Để được hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA, sản phẩm phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ và thủ tục chứng nhận xuất xứ của EVFTA.

Theo Cẩm nang doanh nghiệp "EVFTA và Ngành Rau quả Việt Nam" do Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội (HPA) biên soạn, quy tắc xuất xứ (QTXX) và thủ tục xuất xứ của EVFTA được áp dụng chung với cả sản phẩm rau quả từ EU xuất khẩu sang Việt Nam hoặc từ Việt Nam xuất khẩu sang EU, Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI cho hay.

Cam kết về xuất xứ trong EVFTA đối với sản phẩm rau quả được quy định tại Nghị định thư 1 - Quy định hàng hoá có xuất xứ và phương thức hợp tác quản lý hành chính. Nghị định thư này gồm hai phần nội dung chính:

- Phần Lời văn: bao gồm các nguyên tắc chung về quy tắc xuất xứ và thủ tục chứng nhận xuất xứ, và 

- 08 Phụ lục: bao gồm các cam kết chi tiết hoặc hướng dẫn cụ thể một số nội dung liên quan ở phần Lời văn (mẫu Chứng nhận xuất xứ, các giải thích bổ sung…). Trong đó có Phụ lục II – Danh mục công đoạn gia công và chế biến – đây chính là Danh mục về quy tắc xuất xứ riêng cho từng nhóm hàng hóa (trong đó có các sản phẩm rau quả).

Lưu ý: Khi đọc Phụ lục II – Danh mục Công đoạn Gia công hoặc Chế biến của Nghị định thư về QTXX đối với từng nhóm sản phẩm cụ thể của Nghị định thư 1, cần đọc Phụ lục I – Định nghĩa và Chú giải cho Phụ lục II để hiểu được các từ ngữ và quy định trong Phụ lục II. Các loại tiêu chí xuất xứ của EVFTA về bản chất thì giống các FTA đã có của Việt Nam nhưng ngôn ngữ thể hiện và một số nội dung mới hoặc khác so với các FTA đã có.

Việt Nam hiện đã ban hành quy định hướng dẫn về việc thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA tại Thông tư số 11/2020/TT-BCT.

Đồ họa: TV

Đồ họa: TV

Quy tắc xuất xứ đối với sản phẩm rau quả trong EVFTA

Trong EVFTA, quy tắc xuất xứ đối với tất cả sản phẩm rau quả cụ thể như sau:

Đối với các sản phẩm rau tươi và sơ chế thuộc Chương 07: Toàn bộ Chương 07 có một quy tắc xuất xứ duy nhất là Xuất xứ thuần túy.

Đối với các sản phẩm quả tươi và sơ chế thuộc Chương 08: Toàn bộ Chương 08 có một quy tắc xuất xứ duy nhất là: i) Nguyên liệu thuộc Chương 8 phải có Xuất xứ thuần túy, và; ii) Trọng lượng nguyên liệu đường không có xuất xứ không vượt quá 20% trọng lượng sản phẩm.

Đối với các sản phẩm rau quả đã qua chế biến (Chương 20): Tùy thuộc vào từng dòng sản phẩm mà có quy tắc xuất xứ là Chuyển đổi Nhóm hay Xuất xứ thuần túy, cụ thể như sau:

Sản phẩm

Công đoạn gia công hoặc chế biến

Cà chua, nấm và nấm cục, đã chế biến hoặc bảo quản bằng cách khác trừ bảo quản bằng giấm hoặc axit axetic thuộc Nhóm 2002 và 2003 (chứ không phải toàn bộ Nhóm 2002 và 2003)

Nguyên liệu thuộc Chương 7 phải có Xuất xứ thuần túy.

Các sản phẩm còn lại của Nhóm 2002 và 2003, và tất cả Nhóm còn lại của Chương 20 (2001, và 2004 - 2009)

Chuyển đổi Nhóm và trọng lượng nguyên liệu đường không có xuất xứ không vượt quá 20% trọng lượng sản phẩm

Thế nào là xuất xứ thuần túy?

Quy tắc xuất xứ của các sản phẩm rau quả tươi hoặc sơ chế thuộc Chương 07 và 08 yêu cầu sản phẩm hoặc nguyên liệu phải có xuất xứ thuần túy. Vậy "Xuất xứ thuần túy" trong EVFTA được hiểu cụ thể như thế nào.

Theo Khoản 1 Điều 4, Nghị định thư 1 của EVFTA thì các sản phẩm rau quả được coi là có xuất xứ thuần túy nếu được trồng và thu hoạch (hoặc thu lượm) tại một Bên (Việt Nam hoặc EU). Điều này có nghĩa các công đoạn từ TRỒNG và THU HOẠCH sản phẩm rau quả phải ở Việt Nam, nhưng giống (hạt giống, cây giống) thì có thể nhập khẩu.

Ví dụ, Việt Nam có thể nhập khẩu cây xoài giống Thái Lan về để trồng và thu hoạch xoài giống Thái Lan và vẫn đáp ứng được quy tắc xuất xứ thuần túy theo EVFTA. Điều này có nghĩa là quả xoài giống Thái Lan nhưng được trồng và thu hoạch tại Việt Nam vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA khi xuất khẩu sang EU.

Các công đoạn gia công chế biến đơn giản có được tính đến?

Khi xác định xuất xứ của các sản phẩm rau quả thì các công đoạn gia công, chế biến dưới đây, khi thực hiện riêng rẽ hoặc kết hợp với nhau, được xem là đơn giản và không được xét đến khi xác định xuất xứ hàng hóa:

Công đoạn bảo quản để giữ sản phẩm trong tình trạng tốt trong quá trình vận chuyển và lưu kho;

Tháo dỡ và lắp ghép kiện hàng Rửa, làm sạch, loại bỏ bụi bẩn;

Công đoạn sơn và đánh bóng đơn giản;

Công đoạn sàng lọc, sắp xếp, phân loại, xếp loại hoặc kết hợp;

Công đoạn đơn giản bao gồm: cho vào chai, lon, bình, túi, hòm, hộp, gắn trên thẻ hoặc bảng thông tin và công đoạn đóng gói đơn giản khác;

Dán hoặc in nhãn, mác, logo và những dấu hiệu tương tự khác trên sản phẩm hoặc trên bao bì của sản phẩm;

Lưu ý: Các công đoạn nêu trên được coi là đơn giản khi không dùng kỹ năng đặc biệt hoặc máy móc, thiết bị hay công cụ được sản xuất hoặc lắp đặt chuyên dụng.

Đọc toàn văn Cẩm nang Doanh nghiệp EVFTA và Ngành rau quả Việt Nam tại đây