|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

VCFTA: Quy tắc xuất xứ đối với mặt hàng dệt may

11:23 | 20/02/2021
Chia sẻ
Nhóm hàng dệt may trong VCFTA tuân thủ quy tắc “Cắt, May và Hoàn thiện sản phẩm” hay còn gọi là “Từ cắt may trở đi”. Theo đó, chỉ cần Cắt, May và Hoàn thiện sản phẩm được thực hiện trong khu vực FTA thì thành phẩm sẽ được coi là “có xuất xứ” theo FTA đó.
VCFTA: Qui tắc xuất xứ đối với mặt hàng dệt may - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: freepik)

Theo Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI, quy tắc xuất xứ của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Chile (VCFTA) tương đối đơn giản, đa số hàng hóa chỉ cần có tỷ lệ nguyên vật liệu có nguồn gốc từ Việt Nam hoặc Chile chiếm từ 40% trở lên hoặc qua chuyển đổi mã HS ở cấp 4 số là được hưởng ưu đãi thuế quan, chi tiết mô tả như sau:

Quy tắc chung

Trong VCFTA, hàng hóa được coi là có xuất xứ khi:

- Trường hợp 1: Hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam/Chile; hoặc

- Trường hợp 2: Hàng hóa được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam/Chile từ nguyên liệu có xuất xứ của các Nước thành viên

- Trường hợp 3: Hàng hóa có một phần nguyên liệu không có xuất xứ hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam/Chile đó, nhưng đáp ứng các quy định về Quy tắc xuất xứ của VCFTA.

Đối với trường hợp 3: Hàng hóa được coi là có xuất xứ nếu đáp ứng một trong hai điều kiện sau:

- Tất cả nguyên vật liệu không có xuất xứ sử dụng để sản xuất ra hàng hóa đó trải qua quá trình chuyển đổi mã số hàng hóa (CTC) ở cấp 4 số (có nghĩa là thay đổi nhóm).

- Hàng hóa có hàm lượng giá trị khu vực (RVC) không dưới 40%, tính theo công thức quy định

RVC được tính toán theo công thức như sau:

RVC = (Trị giá FOB - Trị giá nguyên vật liệu / hàng hóa không có xuất xứ) / Trị giá FOB x 100%

Trong đó:

- Trị giá nguyên vật liệu hoặc hàng hóa không có xuất xứ là:

Giá CIF tại thời điểm nhập khẩu hoặc việc nhập khẩu có thể được chứng minh; hoặc

Giá mua đầu tiên của các hàng hóa không xác định được xuất xứ tại lãnh thổ của Bên nơi diễn ra việc sản xuất hoặc chế biến.

- Giá FOB là trị giá FOB của hàng hóa. Giá FOB này được xác định bằng cách cộng giá trị của các nguyên vật liệu, chi phí sản xuất, lợi nhuận và các chi phí khác.

Quy tắc cụ thể mặt hàng

Ngoài các nguyên tắc chung để xác định xuất xứ hàng hóa như trên, VCFTA còn quy định Quy tắc cụ thể riêng cho một số sản phẩm.

Tuy nhiên, các sản phẩm dệt may không nằm trong danh sách này, do đó việc xác định xuất xứ của sản phẩm dệt may thực hiện theo các quy tắc chung ở trên.

Các vấn đề khác

Quy tắc chủ đạo

Nhóm hàng dệt may trong VCFTA tuân thủ quy tắc “Cắt, May và Hoàn thiện sản phẩm” hay còn gọi là “Từ cắt may trở đi”. Theo đó, chỉ cần Cắt, May và Hoàn thiện sản phẩm được thực hiện trong khu vực FTA thì thành phẩm sẽ được coi là “có xuất xứ” theo FTA đó.

Quy tắc Tỷ lệ tối thiểu (De Minimis)

Hàng hóa không đáp ứng tiêu chí thay đổi mã HS vẫn được coi là hàng hóa có xuất xứ, nếu phần trị giá của nguyên vật liệu không có xuất xứ sử dụng để sản xuất ra hàng hóa nhỏ hơn, hoặc bằng 10% trị giá FOB của hàng hóa, và hàng hóa đáp ứng các quy định khác liên quan trong Hiệp định.

Quy tắc cộng gộp

Giống như nhiều FTA khác, VCFTA cho phép cộng gộp xuất xứ, theo đó hàng hóa có xuất xứ tại một Bên, được sử dụng làm nguyên vật liệu tại một Bên khác để sản xuất ra một hàng hóa đủ điều kiện được hưởng ưu đãi thuế quan, sẽ được coi là có xuất xứ tại Bên nơi diễn ra quá trình sản xuất hoặc chế biến thành phẩm đó.