|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

EVFTA ngành rau quả: Thuế GSP sau EVFTA áp dụng ra sao?

15:45 | 06/04/2021
Chia sẻ
Nhiều năm nay, EU đã và đang duy trì cơ chế Ưu đãi Thuế quan Phổ cập (GSP) dành cho các nước đang và kém phát triển, trong đó có Việt Nam.
Đồ họa: TV

Đồ họa: TV

Theo Cẩm nang doanh nghiệp "EVFTA và Ngành Rau quả Việt Nam" do Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội (HPA) biên soạn, đây là cơ chế ưu đãi thuế nhập khẩu đơn phương mà EU dành cho các sản phẩm có năng lực cạnh tranh yếu từ các nước này (theo đánh giá của EU).

Theo cơ chế này, nhiều năm qua các sản phẩm rau quả của Việt Nam khi xuất khẩu sang EU đã được hưởng thuế ưu đãi GSP trung bình (năm 2020) như sau:

Thuế suất 5,91% đối với các sản phẩm rau tươi và sơ chế Chương 07 (trong khi thuế MFN trung bình là 8,7%);

Thuế suất 4,49% đối với các sản phẩm quả tươi và sơ chế Chương 08 (trong khi thuế MFN trung bình 6,67%);

Thuế suất 12,96% đối với các sản phẩm rau quả chế biến Chương 20 (trong khi thuế MFN trung bình 17,71%).

So với GSP, cơ chế EVFTA có nhiều lợi thế hơn cho doanh nghiệp rau quả Việt Nam.

Về tính chất ưu đãi, do GSP là cơ chế ưu đãi tự nguyện, đơn phương, EU có thể rút lại hoặc thay đổi cơ chế áp dụng của GSP bất kỳ lúc nào. 

Đồng thời, EU có quy định về "ngưỡng trưởng thành" đối với các nước và sản phẩm được hưởng GSP. Hiểu đơn giản là khi tổng thu nhập quốc gia hoặc kim ngạch xuất khẩu một loại hàng hóa nào đó của Việt Nam đạt đến một ngưỡng nhất định thì sẽ không được hưởng ưu đãi GSP nữa. Do đó, ưu đãi GSP được xem là ưu đãi không ổn định. 

Trong khi ưu đãi thuế trong EVFTA là cam kết hai chiều, không Bên nào được đơn phương rút lại.

Về mức ưu đãi, trong EVFTA, EU cam kết xóa bỏ thuế quan ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực cho tới 94% các sản phẩm rau quả Việt Nam. 

Trong khi đó, đa số các dòng thuế này chỉ được giảm thuế theo GSP chứ không được xóa bỏ thuế. Như vậy, rõ ràng là mức thuế EVFTA có lợi hơn hẳn cho các doanh nghiệp rau quả xuất khẩu Việt Nam so với mức thuế GSP. 

Tuy nhiên, nếu muốn áp dụng thuế quan ưu đãi EVFTA thì sản phẩm phải đáp ứng quy tắc xuất xứ và cơ chế chứng nhận xuất xứ của EVFTA.

Đồ họa: TV

Đồ họa: TV

Theo quy định của EU về GSP khi có FTA, Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng cơ chế GSP song song cùng EVFTA trong thời gian hai năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực (tức là đến hết 31/7/2022).

Điều này có nghĩa là trong khoảng thời gian từ 1/8/2020 đến 31/7/2022: Doanh nghiệp có thể lựa chọn sử dụng ưu đãi thuế quan theo EVFTA hay GSP tùy thuộc quy tắc xuất xứ phù hợp hơn cho doanh nghiệp; trường hợp lựa chọn ưu đãi thuế theo GSP, sản phẩm phải đáp ứng quy tắc và thủ tục chứng nhận xuất xứ của GSP; trường hợp lựa chọn ưu đãi thuế theo EVFTA, sản phẩm phải đáp ứng quy tắc và thủ tục chứng nhận xuất xứ EVFTA;

Kể từ ngày 1/8/2022: Cơ chế ưu đãi thuế theo GSP sẽ tự động chấm dứt, doanh nghiệp áp dụng cơ chế ưu đãi thuế theo EVFTA.

Đọc toàn văn Cẩm nang Doanh nghiệp EVFTA và Ngành rau quả Việt Nam tại đây