EVFTA ngành rau quả: Cam kết thuế quan của Việt Nam và EU
Vị trí các cam kết về thuế quan trong Văn kiện EVFTA
Theo Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI, trong Hệ thống Hàng hóa Mô tả và Mã hóa Hàng hóa (Hệ thống HS), các sản phẩm rau quả nằm trong các Chương gồm Rau tươi và sơ chế thuộc Chương 07, Quả tươi và sơ chế thuộc Chương 08, Rau quả chế biến thuộc Chương 20.
Đối với các sản phẩm hàng hóa như các sản phẩm rau quả, cam kết quan trọng nhất trong các FTA là cam kết về thuế quan mà mỗi Bên áp dụng đối với sản phẩm này.
Trong EVFTA cũng vậy, cam kết quan trọng nhất đối với các sản phẩm rau quả của Việt Nam là cam kết về thuế quan của Việt Nam đối với rau quả nhập khẩu từ EU và cam kết về thuế quan của EU đối với rau quả nhập khẩu từ Việt Nam.
Cam kết về thuế quan đối với các sản phẩm rau quả trong EVFTA được nêu tại Lời văn của Chương 2 - Đối xử quốc gia và mở cửa thị trường đối với hàng hóa: Phần này bao gồm các quy tắc chung liên quan tới thuế quan, áp dụng chung cho cả EU và Việt Nam (tuy nhiên cũng có một số nội dung nêu cụ thể chỉ áp dụng cho Việt Nam hoặc EU); Các Phụ lục 2-A của Chương 2 – Cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan, trong đó:
Tiểu phụ lục 2-A-1: Biểu thuế nhập khẩu của EU
Tiểu phụ lục 2-A-2: Biểu thuế của Việt Nam
Cách đọc hiểu Biểu thuế quan EVFTA liên quan đến các sản phẩm rau quả
Cam kết thuế quan của các sản phẩm rau quả trong EVFTA được thể hiện bằng các ký hiệu chữ và số đi kèm, với ý nghĩa cụ thể như sau:
Ký hiệu | Giải thích |
A | Xóa bỏ thuế ngay sau khi EVFTA có hiệu lực |
B3 | Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 4 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực |
B5 | Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 6 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực |
B7 | Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 8 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực |
Ví dụ: Cam kết thuế đối với sản phẩm Cà chua (tươi hoặc ướp lạnh) của Việt Nam nêu trong Biểu cam kết của Việt Nam như sau:
CN2012 | Mô tả hàng hóa | Thuế suất cơ sở | Danh mục |
0702.00.00 | Cà chua, tươi hoặc ướp lạnh. | 20% | B5 |
Cam kết này được hiểu là: Sản phẩm mã Cà chua, tươi hoặc ướp lạnh, có mã HS 0702.00.00 sẽ được xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 6 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực. Do EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 nên lộ trình cắt giảm thuế của sản phẩm này theo các năm sẽ như sau:
Mức thuế cơ sở | Mức thuế năm 1 (từ 1/8/2020 đến 31/12/2020) | Mức thuế năm 2 (từ 1/1/2021 đến 31/12/2021) | Mức thuế năm 3 (từ 1/1/2022 đến 31/12/2022) | Mức thuế năm 4 (từ 1/1/2023 đến 31/12/2023) | Mức thuế năm 5 (từ 1/1/2024 đến 31/12/2024) | Mức thuế năm 6 và các năm tiếp theo (từ 1/1/2025 trở đi) |
20% | 16,67% | 13,34% | 10% | 6,67% | 3,33% | 0% |
Lưu ý doanh nghiệp
Mức thuế cơ sở làm căn cứ tính thuế là: i) mức thuế MFN năm 2012 đối với Việt Nam và, ii) mức thuế chung của EU năm 2012 đối với EU. Mức thuế cơ sở này đã được nêu trong Biểu cam kết thuế. Thuế quan cam kết cắt giảm là cắt giảm từ mức thuế cơ sở này chứ không phải là mức thuế tại thời điểm có hiệu lực của EVFTA.
Thời điểm cắt giảm thuế lần 1 là ngày có hiệu lực của EVFTA (01/08/2020), thời điểm cắt giảm thuế lần 2 là ngày 01 tháng 01 của năm liền sau đó (1/1/2021), cứ như vậy xác định các mốc tương tự cho các lần cắt giảm tiếp theo.
Ý nghĩa của cam kết về thuế quan đối với hàng nhập khẩu
Tương tự như bất kỳ FTA nào, cam kết về thuế quan trong EVFTA là cam kết của các Bên về mức thuế nhập khẩu tối đa mà Bên đó sẽ áp dụng cho từng loại hàng hóa nhập khẩu từ Bên kia trong EVFTA.
Vì vậy trên thực tế, tùy thuộc nhu cầu của mình, Việt Nam hoặc EU có thể đẩy nhanh lộ trình cắt giảm thuế so với cam kết.
Khi đó, mức thuế quan áp dụng trên thực tế có thể sẽ thấp hơn so với mức cam kết trong văn kiện Hiệp định.
Do đó, mức cam kết trong EVFTA là mức thuế cao nhất mà Việt Nam hoặc EU có thể áp dụng đối với rau quả của Bên kia, còn mức thuế thực tế áp dụng sẽ thực hiện theo Biểu thuế xuất nhập khẩu của mỗi bên.
Trường hợp của Việt Nam, tương tự các FTA khác, Biểu thuế quan ưu đãi đặc biệt theo EVFTA được ban hành theo từng giai đoạn.
Chẳng hạn sau khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam đã ban hành biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thưc hiện EVFTA giai đoạn 2020 - 2022 tại Nghị định 111/2020/NĐ- CP. Doanh nghiệp có thể tra cứu mức thuế quan EVFTA áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu của mình trong văn bản này.
Đối với EU, doanh nghiệp có thể tra cứu các mức thuế quan mà EU áp dụng từng năm đối với từng sản phẩm (thuế MFN, GSP, thuế quan ưu đãi FTA như EVFTA) từ một nước bất kỳ (trong đó có Việt Nam) tại Cơ sở dữ liệu về Tiếp cận Thị trường của EU (Access2Market) tại link sau: https://trade.ec.europa.eu/access-to-markets/en/content.
Đọc toàn văn Cẩm nang Doanh nghiệp EVFTA và Ngành rau quả Việt Nam tại đây