Hàng chục nghìn tỷ đồng nguồn lực ưu đãi 'ứ đọng' trong khi doanh nghiệp mòn mỏi chờ đợi: Bài học từ thiết kế chính sách
Theo báo cáo mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc thực hiện Nghị định 31 về gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nguồn ngân sách nhà nước (với 40.000 tỷ đồng) được áp dụng từ năm 2022 chưa đạt được như kỳ vọng. Tính đến cuối tháng 2/2023, số tiền đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp đạt gần 250 tỷ đồng với 1.780 khách hàng.
Theo NHNN, nguyên nhân chính khiến khách hàng từ chối nhận hỗ trợ lãi suất do tâm lý e ngại bị thanh tra, kiểm tra sau này của các cơ quan chức năng. Thực tế, một số khách hàng đã được nhận hỗ trợ lãi suất, song lại hoàn trả ngân hàng thương mại toàn bộ số tiền lãi. Bên cạnh đó, tiêu chí đánh giá để hỗ trợ lãi suất là khách hàng phải "có khả năng phục hồi".
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước, nên việc đánh giá khả năng phục hồi của khách hàng là rất khó khăn. Do đó, cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp đều e ngại sẽ bị các cơ quan thanh tra, kiểm tra sau này đánh giá "trục lợi chính sách".
Các ngân hàng thương mại dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất từ đầu chương trình đến hết năm 2023 đạt khoảng 2.570 tỷ đồng, khoảng 0,064% so với con số 40.000 tỷ đồng mục tiêu của chương trình đề ra.
Trong đó, số tiền hỗ trợ lãi suất năm 2022 là khoảng 135 tỷ đồng. Dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất năm nay khoảng hơn 2.430 tỷ đồng. Như vậy, số dự kiến không sử dụng hết của chương trình này là 37.430 tỷ đồng.
Ngoài gói hỗ trợ lãi suất 2%, hàng loạt gói hỗ trợ khác cũng rơi vào tình trạng "ế" như chính sách miễn giảm thuế, và hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động dù đã hết thời gian thực hiện.
Trong đó, tổng số thuế đã miễn, giảm thực hiện theo các chính sách thuộc chương trình là 54.129 tỷ đồng, bằng 84,6% kế hoạch (64.000 tỷ đồng). Các địa phương mới giải ngân được khoảng 3.757 tỷ đồng của chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, chiếm 57,2% nguồn lực bố trí.
Chính sách cho vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, khoảng 332.000 lượt khách hàng đã được hỗ trợ, với dư nợ 16.400 tỷ đồng, đạt 42,7% tổng quy mô chính sách được Quốc hội giao (38.400 tỷ đồng).
Tính chung lại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, đến hết tháng 3/2023, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế mới giải ngân hơn 83.000 tỷ đồng, chiếm 27,5% tổng nguồn lực được bố trí.
Bộ KH&ĐT cũng cho biết, tính đến ngày 18/4, số vốn được các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chi tiết là 146.522 tỷ đồng. Số vốn các bộ, cơ quan, địa phương chưa giao chi tiết là 15.326 tỷ đồng.
Bài học nhìn từ việc thiết kế gói hỗ trợ lãi suất 2%
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Du lịch Vietravel cho rằng, cần xem lại việc thiết kế của gói chính sách hỗ trợ này.
“Chúng ta cần phải xem lại gói hỗ trợ lãi suất 2% thiết kế chính sách đã hợp lý và phù hợp chưa. Thực tế là giữa doanh nghiệp và gói hỗ trợ này có sự lệch pha, không đến được với nhau”, ông Kỳ nêu vấn đề.
Trước đó, lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cũng thanh minh không phải ngân hàng “làm khó” giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%, mà là do quy định của Nghị định 31/2022/NĐ-CP khá khắt khe, đối tượng hỗ trợ lãi suất theo Nghị định khá hẹp và nhiều quy định chưa rõ, doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề khó chứng minh đồng vốn vay được sử dụng cho lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất,…
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng lo ngại khâu "hậu kiểm" nên không đăng ký dù mặc dù nằm trong nhóm đối tượng được hỗ trợ lãi suất 2%.
Khảo sát PCI 2022 cho thấy, có tới 74,8% doanh nghiệp cho biết điều kiện cho vay khó khăn là trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ lãi suất 2%. 12,3% doanh nghiệp phản ánh về sự thiếu minh bạch trong quy trình thủ tục, 5,6% doanh nghiệp cho biết thời hạn cho vay ngắn và 7,5% doanh nghiệp gặp những khó khăn khác trong quá trình thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Đánh giá về gói hỗ trợ lãi suất 2%, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng cho rằng, tiêu chí cứng "có khả năng phục hồi" là điều kiện để được hưởng chính sách ưu đãi nhưng cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp đều rất khó xác định thế nào là "có khả năng phục hồi" cho nên rất khó thực hiện.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho hay, quá trình giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% không được như mong muốn, bởi nhiều nguyên nhân, do quy định chưa sát, điều kiện thực tiễn đã thay đổi,…. Sau hai năm thực hiện, tổng giải ngân mới được 330/40.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần báo cáo nên chuyển nguồn này sang các chính sách khác, những lĩnh vực đang thiếu vốn để tận dụng nguồn lực đang dôi dư.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, mục đích của gói hỗ trợ là tạo động lực cho các doanh nghiệp nhỏ, yếu vượt qua giai đoạn khó khăn. Tức là phải thừa nhận rằng không ai trong số họ có sức khỏe bình thường, mà đều trong tình trạng “bị tổn thương”.
"Tình trạng sức khỏe tài chính của nhóm doanh nghiệp này đang yếu như vậy mà các tiêu chí cho vay vẫn giữ nguyên, giống như doanh nghiệp khỏe mạnh thì làm sao họ đủ điều kiện để tiếp cận. Trong khi đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì đặt nặng vấn đề hậu kiểm, cứ “dọa” thanh tra, kiểm toán thì chẳng có doanh nghiệp nào dám vay cả” - ông Hiếu nhấn mạnh.
Với việc thiết kế những gói hỗ trợ mà quy định quá khắt khe, trừu tượng gần như doanh nghiệp không thể đáp ứng được, điều này khiến mục đích ban đầu hoàn toàn không được thực hiện mà lại gây tâm lý nản lòng, nghi ngờ các gói hỗ trợ của Chính phủ đối với doanh nghiệp.
Bài học từ gói hỗ trợ lãi suất 2% là cần đánh giá cặn kẽ khả năng tiếp cận của doanh nghiệp ngay từ khâu thiết kế chính sách bởi chính sách có tốt đến mấy mà đối tượng không tiếp cận và thụ hưởng được thì cũng không thể mang lại hiệu quả.
Sẽ phân bổ tiếp vốn Chương trình phục hồi và phát triển KTXH
Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ vừa lấy ý kiến các bộ, ngành với dự thảo tờ trình Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo dự kiến chương trình phiên họp thứ 23 (từ 9-12/5) , Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có thể cho ý kiến về việc tiếp tục phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đây vẫn nằm trong các nội dung dự phòng, với lưu ý nếu chuẩn bị kịp tài liệu.
Chính phủ cũng dự kiến có báo cáo riêng về tình hình thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các khó khăn, vướng mắc và một số kiến nghị tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV khai mạc ngày 22/5 tới đây.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/