Lợi nhuận 7-Eleven giảm mạnh: ‘Báu vật quốc gia’ Nhật Bản đối diện tương lai u ám
Seven & i Holdings, công ty điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven, vừa công bố lợi nhuận sụt giảm mạnh trong năm tài chính kết thúc vào tháng 2. Công ty cũng đưa ra dự báo lợi nhuận hoạt động trong năm tới nhưng thấp hơn kỳ vọng của giới phân tích. Công ty Nhật Bản 7-Eleven đang là mục tiêu trong thương vụ thâu tóm lớn nhất từ đối thủ nước ngoài.

Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 2, lợi nhuận ròng 7-Eleven giảm 23% so với năm trước. (Ảnh:Investo).
Giám đốc điều hành mới của 7-Eleven, ông Stephen Hayes Dacus, cho biết công ty sẽ cải thiện hiệu quả kinh doanh và tập trung vào lĩnh vực cửa hàng tiện lợi. Tại Nhật Bản, công ty sẽ chú trọng hơn vào các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Tại Bắc Mỹ, họ sẽ đẩy mạnh các sản phẩm độc quyền. Ông Dacus nói rằng công ty đã quá thận trọng trong quá khứ và muốn thay đổi điều đó.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh yếu kém có thể khiến ban lãnh đạo đối mặt với nhiều áp lực hơn. Hiện tại, công ty đang cố gắng chứng minh rằng họ có thể phát triển độc lập thay vì chấp nhận lời đề nghị mua lại trị giá 47 tỷ USD từ tập đoàn bán lẻ Canada Alimentation Couche-Tard - đơn vị sở hữu Circle K. Seven & i cho rằng thương vụ này có thể không thành công do vướng các vấn đề liên quan đến luật cạnh tranh.
Công ty chưa cho biết khi nào sẽ đưa ra quyết định về đề nghị mua lại này.
Một số chuyên gia tỏ ra nghi ngờ về chiến lược hiện tại của 7-Eleven. Ông Masayuki Kubota, chiến lược gia trưởng tại công ty chứng khoán Rakuten, cho biết ông đánh giá cao việc 7-Eleven tập trung lại hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, khi nhìn vào dự báo lợi nhuận năm nay, ông cho rằng 7-Eleven chưa cho thấy một câu chuyện tăng trưởng rõ ràng từ mảng cửa hàng tiện lợi.
7-Eleven cho biết lạm phát đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cửa hàng tiện lợi ở cả thị trường trong nước và quốc tế. Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 2, lợi nhuận ròng giảm 23% so với năm trước, xuống còn 173 tỷ yên (tương đương 1,2 tỷ USD). Doanh thu tăng 4,4%, đạt 11.900 tỷ yên. Lợi nhuận hoạt động giảm 21,2%, còn 421 tỷ yên.
7-Eleven dự báo lợi nhuận hoạt động sẽ tăng nhẹ 0,7%, lên 424 tỷ yên trong năm tài chính kết thúc vào tháng 2/2026. Doanh thu dự kiến giảm 10,1%, còn 10.700 tỷ yên.
7-Eleven cho rằng chi tiêu tiêu dùng tại Bắc Mỹ sẽ tiếp tục gặp khó khăn do “sự gia tăng bất ổn trong chính sách thương mại” cùng với một số yếu tố khác. Theo dữ liệu từ QUICK, mức dự báo trung bình của các nhà phân tích cho cùng kỳ là lợi nhuận hoạt động 469,7 tỷ yên và doanh thu 11.800 tỷ yên.
7-Eleven cũng thông báo sẽ mua lại cổ phiếu với giá trị tối đa 600 tỷ yên trước tháng 2 năm sau. Số cổ phiếu này tương đương khoảng 15,4% giá trị vốn hóa thị trường hiện tại. Đây là một phần trong kế hoạch mua lại cổ phiếu trị giá 2.000 tỷ yên đến hết năm tài chính 2030.
Kế hoạch này được công bố vào tháng 3, cùng với định hướng tập trung vào mảng cửa hàng tiện lợi. Tuy nhiên, dù đã nỗ lực nâng cao giá trị doanh nghiệp, giá cổ phiếu của 7-Eleven vẫn chưa có chuyển biến rõ rệt.
Chủ tịch hiện tại, ông Ryuichi Isaka, không tham dự buổi họp báo. Ông Dacus sẽ đảm nhiệm chức chủ tịch từ tháng 5.
Chuỗi cửa hàng 7-Eleven thành lập năm 1974, và được coi như một biểu tượng không thể thiếu trong xã hội Nhật Bản.